I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Ngày nhỏ, tôi thương bố hơn thương mẹ.

- Bố thường xuyên công tác xa nhà, mình mẹ đảm đương việc nuôi dạy các con.

2. Thân bài:

* Giới thiệu về mẹ:

- Mẹ tôi là giáo viên Tiểu học, tính tình nghiêm khắc.

- Mẹ dạy tôi tập nhận mặt chữ cái, tập đánh vần, tập viết.

- Mẹ bắt tôi học đi học lại nhiều lần, bao giờ thuộc bài mới thôi.

- Mẹ sắp xếp thời gian biểu cho tôi, giờ nào việc nấy.

- Mẹ thường học cùng tôi và kiểm tra, nhắc nhở liên tục.

- Tôi có lỗi, mẹ phạt. Tôi còn nhỏ, không hiểu nên buồn giận, cho là mẹ không thương mình.

- Lúc tôi khôn lớn, đi học xa nhà, mẹ chăm lo cho từng chút.

- Tôi hiểu lòng mẹ, rất thương và biết ơn mẹ.

3. Kết bài:

- Tình mẹ yêu con bao la, sâu nặng.

- Mẹ không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng tôi mà còn là người thầy đầu tiên dạy dỗ, dẫn dắt tôi bước vào đời.

II. BÀI LÀM

Hồi nhỏ, tôi thương bố nhiều hơn thương mẹ, chẳng phải là vì mẹ ít thương tôi mà vì mẹ rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Bố tôi là kĩ sư thuỷ điện, quanh năm vắng nhà, rong ruổi khắp các công trường từ Bắc vào Nam; cho nên việc nuôi dạy các con đều do mẹ đảm nhiệm.

Mẹ tôi là giáo viên Tiểu học. Tôi còn nhớ, khi tôi mới lên năm tuổi, mẹ đã dạy tôi tập nhận mặt chữ cái, tập đánh vần. Mẹ bắt tôi lặp đi lặp lại nhiều lần từng chữ một, cho đến khi nhớ thật chính xác. Rồi mẹ dạy tôi đánh vần từ dễ đến khó. Dần dần, tôi tự đánh vần và đọc được cuốn Tiếng Việt lớp 1 mà bố mua cho. Vì thế năm lớp 1, tôi học rất giỏi.

Mẹ sắp xếp thời gian biểu cho tôi và em Mai rất sít sao, giờ nào việc nấy. Dù bận rộn thế nào đi nữa, cứ tối đến là mẹ ngồi học cùng và kiểm tra bài vở của các con. Có lần, trong lúc mẹ đi thăm một học sinh bị ốm, anh em tôi trùm chăn học bài cho đỡ lạnh rồi ngủ thiếp đi, mẹ về lúc nào không hay. Mẹ bắt hai đứa phải thức dậy học tiếp. Tôi năn nỉ mẹ để sáng mai dậy sớm học nhưng mẹ bảo việc hôm nay chớ để ngày mai. Mẹ rửa mặt cho hai anh em tỉnh ngủ rồi hướng dẫn cách giải những bài Toán khó. Lòng con trẻ lúc ấy nào có hiểu hết được tình thương sâu xa của mẹ cho nên tôi cứ ngầm oán trách là mẹ chẳng thương tôi.

Có lần tôi mê chơi đá bóng, để nồi cơm bị khê. Sợ mẹ đánh đòn, tôi vội đổ đi, nấu nồi khác. Biết chuyện, mẹ bắt tôi nằm sấp xuống giường, quất cho một roi đau điếng. Mẹ dạy tôi rằng làm việc gì cũng phải cẩn thận. Làm việc nhỏ không xong thì sau này sao làm nổi việc lớn?

Tôi là con trai duy nhất nhưng mẹ chẳng cưng chiều mà còn dạy dỗ nghiêm khắc hơn. Từ động tác quét nhà phải cúi khom lưng để moi móc hết bụi, rác trong gầm tủ, gầm bàn... cho đến cách ăn nói, cư xử đối với người trên, người dưới sao cho đúng phép. Nhiều khi ham chơi, bị mẹ rầy la, tôi tủi thân bật khóc tức tưởi vì nghĩ rằng mẹ ghét mình.

Lên lớp 6, tôi thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, cách xa nhà mấy chục cây số. Mỗi tuần, mẹ đều đạp xe đến thăm và mang cho tôi những món ăn mà tôi thích. Mẹ lo từng lọ dầu, viên thuốc, hộp kem đánh răng... cho đến chiếc khăn mặt, bộ quần áo... Lúc ấy, tôi mới rưng rưng xúc động, nhận ra rằng mẹ thương mình biết chừng nào! Không ít lần, tôi nản lòng trước những bài Toán khó. Những lúc ấy, lời mẹ dạy lại văng vẳng bên tai, thúc giục, động viên tôi cố gắng: “Có công mài sắt có ngày nên kim”; “Trong thành công, chỉ có 1% là sự thông minh, còn 99% là mồ hôi và nước mắt”; “Chiến thắng bản thân mình là khó nhất”; “Kiên trì, nhẫn nại là mẹ thành công”... Xa nhà, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả ghê gớm của mẹ.

Mẹ không chỉ sinh ra và nuôi tôi khôn lớn nên người mà mẹ còn là người thầy đầu tiên của tôi. Một người thầy vừa nghiêm khắc, tận tuỵ, vừa độ lượng, yêu thương mà suốt đời tôi không thể nào quên! Tôi mong mình mau lớn, học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp hẳn hoi để trở thành chỗ dựa tin cậy của mẹ lúc tuổi già. Không ít lần, tôi thầm thốt lên trong tâm tưởng: “Mẹ ơi ! Công lao biển trời của mẹ, con biết đáp đền bao nhiêu cho xứng!”.