I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trọng Thuỷ tự giới thiệu: Là con trai Triệu Đà ở phương Bắc.

2. Thân bài:

* Diễn biến câu chuyện:

- Triệu Đà đem quân đánh chiếm nước Âu Lạc ở phương Nam của An Dương Vương lần thứ nhất.

- An Dương Vương có nỏ thần Kim Quy một phát bắn chết hàng vạn giặc, quân Triệu Đà thua to.

- Triệu Đà rút quân, xin cầu hoà rồi cầu hôn cho con trai. Trọng Thuỷ được An Dương Vương cho ở rể trong Loa Thành. Từ chỗ giả vờ yêu Mị Châu đến chỗ yêu thương, say mê thực sự.

- Trọng Thuỷ dụ Mị Châu cho xem nỏ thần, rồi đánh cắp lẫy thần mang về nước.

- Triệu Đà kéo binh sang tấn công lần thứ hai. An Dương Vương không chống đỡ được đành mang con gái lên ngựa chạy trốn.

- Trọng Thuỷ tìm dấu lông ngỗng Mị Châu rắc mà đuổi theo.

- An Dương Vương ra đến sát biển, cùng đường đành kêu cứu Rùa Vàng. Rùa Vàng chỉ đích danh Mị Châu là giặc. An Dương Vương rút gươm chém đầu con gái.

- Trọng Thuỷ đến nơi, đành ôm xác vợ về táng ở Loa Thành.

3. Kết bài:

- Trọng Thuỷ đau đớn, ân hận trước cái chết bi thảm của người vợ yêu quý.

- Quyết định lấy cái chết để chuộc tội.

II. BÀI LÀM

Tôi là Trọng Thuỷ, con trai của vua Triệu Đà ở phương Bắc. Sau khi An Dương Vương, vua nước Âu Lạc xây xong Loa Thành được một thời gian thì cha tôi kéo quân sang đánh chiếm. Vì An Dương Vương có nỏ thần Kim Quy, bắn một phát chết hàng vạn người nên quân lính của cha tôi bại trận, bỏ chạy về Trâu Sơn, không dám đánh nhau nữa. Biết không thể thắng, cha tôi bèn cầu hoà, chờ dịp khác.

Không bao lâu, cha tôi xin An Dương Vương gả con gái yêu là Mị Châu cho con trai mình. Tưởng cha tôi thực tâm hoà hiếu, An Dương Vương vui lòng nhận lời và còn cho tôi ở rể trong Loa Thành. Trước khi sang Âu Lạc, cha tôi đã dặn dò rất kĩ và trao cho tôi nhiệm vụ là phải do thám bằng được bí mật của nỏ thần.

Lúc đầu, để thuận lợi cho công việc, tôi phải vờ tỏ vẻ yêu mến Mị Châu, nhưng dần dần, trước nhan sắc tuyệt trần và tính tình hiền dịu của nàng, tôi đã say mê từ khi nào chẳng biết. Chúng tôi sống hoà hợp, hạnh phúc bên nhau. Tuy vậy, tôi vẫn không quên việc trọng đại mà cha tôi giao phó.

Vào một đêm trăng đẹp, tôi dâng rượu quý, cố chuốc cho An Dương Vương uống thật say. Khi mọi người đã ngủ, tôi tỉ tê hỏi Mị Châu về chỗ cất giấu nỏ thần và ngỏ ý muốn được xem tận mắt. Nàng vui vẻ dẫn tôi đi và còn chỉ cho tôi biết nỏ thần thiêng là ở cái lẫy làm bằng vuốt Rùa Vàng. Tôi ngầm làm một cái lẫy giả giống hệt, thay thế vào đó.

Lấy được lẫy thần, tôi viện cớ về thăm cha ít lâu. Lúc chia tay, tôi nói với Mị Châu: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Nay ta trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hoà, Bắc Nam cách biệt, ta muốn tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Mị Châu rơi lệ, ngậm ngùi đáp: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có chiếc áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.

Tôi về nước dâng lẫy thần cho cha. Cha tôi mừng lắm, lập tức cất binh sang đánh chiếm Âu Lạc. Đoàn quân đông mấy chục vạn người ầm ầm tiến sát Loa Thành mà không thấy An Dương Vương chống trả. Lúc cha tôi dẫn đầu đạo quân nhằm cửa thành xông tới thì An Dương Vương mới sai mang nỏ thần ra bắn. Thấy nó không còn hiệu nghiệm, ông bèn đặt Mị Châu lên lưng ngựa rồi bỏ chạy về phương Nam.

Tôi cùng một số binh lính cứ theo dấu lông ngỗng mà đuổi. Tới bờ biển thì không thấy bóng dáng An Dương Vương đâu cả, chỉ có xác Mị Châu nằm bên vũng máu, đầu lìa khỏi cổ. Đau đớn khôn cùng, tôi mang xác nàng về táng ở Loa Thành. Ngày ngày, tôi phủ phục bên mộ nàng mà than khóc, thương tiếc không nguôi. Tôi tự trách và giận mình ghê gớm. Vì tội lừa dối nàng mà nàng vô tình mắc tội tiếp tay cho kẻ thù, dẫn đến thảm hoạ nhà tan, nước mất. Tội lỗi của tôi là không thể tha thứ. Tôi chỉ có thể lấy cái chết để đền tội mà thôi! Bất chợt, tôi nghĩ đến cái giếng trong Loa Thành, nơi tôi và nàng cách đây chưa lâu thường cùng nhau soi bóng.