I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Truyền thuyết Trầu Cau giải thích nguồn gốc tục ăn trầu của người Việt cổ.

- Miếng trầu tuy đơn sơ nhưng lại có ý nghĩa rất to lớn đối với đời sống văn hoá, phong tục tập quán...

2. Thân bài:

* Vai trò của trầu cau trong giao tiếp và trong tục cưới hỏi của người Việt.

- Người xưa quan niệm: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu làm cho sự giao tiếp trở nên dễ dàng, thân mật.

- Trầu cau mang ý nghĩa tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng son sắt, thuỷ chung.

- Miếng trầu thay cho lời bày tỏ tình yêu, thay cho vai trò của người mai mối. (Dẫn chứng).

- Cau xanh, trầu vàng hoà hợp, trang trọng trên mâm lễ vật của đám hỏi, đám cưới từ xưa đến nay.

* Hình ảnh trầu cau trong văn chương Việt Nam.

- Trong truyện cổ Tấm Cám: Nhờ miếng trầu têm cánh phượng xinh xinh mà nhà vua trẻ tìm thấy người vợ yêu quý của mình (Tấm).

- Trong truyện Sọ Dừa: Chàng Sọ Dừa xấu xí, dị dạng đem lòng yêu thương cô con gái út của phú ông, bèn nhờ mẹ mang trầu cau và lễ vật sang dạm hỏi.

- Trong ca dao - dân ca có nhiều câu rất hay nói về miếng trầu trao duyên, miếng trầu tình nghĩa... (Dẫn chứng).

3. Kết bài:

- Ngày nay, thói quen ăn trầu không còn phổ biến, song vai trò quan trọng của trầu cau trong tục cưới hỏi vẫn tồn tại.

- Hình ảnh giàn trầu, hàng cau vẫn gợi nên cảm xúc thân thương và tình yêu quê hương, đất nước trong lòng mỗi người dân đất Việt.

II. BÀI LÀM

Xung quanh nguồn gốc tục ăn trầu của người Việt cổ là những sự tích li kì và cảm động. Nổi bật nhất là truyền thuyết Trầu Cau kể về mối tình oan trái giữa hai anh em sinh đôi Tân và Lang với cô con gái thầy đồ, dẫn đến hậu quả đau lòng là anh xa em, vợ lìa chồng. May mà trời cao thương xót, biến họ thành tảng đá, cây cau và dây trầu, mãi mãi quấn quýt bên nhau trong tục ăn trầu đã có từ ngàn đời.

Miếng trầu tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng nó lại có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống văn hoá của người Việt Nam. Cổ nhân đã khẳng định: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Khách đến nhà, chủ phải đón tiếp bằng miếng trầu, chén nước. Có như vậy thì sự giao tiếp mới trở nên thân mật, tự nhiên, đậm đà tình làng nghĩa xóm.

Trong tục cưới hỏi của người Việt, trầu cau quan trọng bậc nhất bởi nó tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng sắt son, thuỷ chung, lâu bền. Cau xanh, trầu vàng, vôi trắng, hoà hợp biết bao nhiêu? Ăn một miếng trầu, tận hưởng cái vị cay nồng và ấm nóng của nó, để rồi miệng thơm, môi đỏ, mắt long lanh và trong lòng như có ngọn lửa lạ kì đang toả sáng. Tâm trạng lâng lâng, bay bổng, thấy yêu người hơn, yêu đời hơn biết bao nhiêu!

Có lúc, miếng trầu đóng vai trò thay cho một lời chào vồn vã:

Gặp đây mời một miếng trầu,

Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.

Hoặc thay cho lời bày tỏ nỗi lòng với người mà mình yêu mến:

Thèm trầu mà chẳng dám xin,

Thương em mà chẳng dám nhìn mặt em.

Thầm thương trộm nhớ một người con trai nào đó, cô gái kín đáo ngỏ ý: .

Có trầu mà chẳng có cau,

Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm!

Có chàng trai mạnh dạn cầu hôn bằng câu ca dao:

Vào vườn trảy quả cau non,

Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên.

Hình ảnh miếng trầu mang ý nghĩa là một ẩn dụ nghệ thuật rất quen thuộc trong ca dao. Nó chất chứa nhiều cung bậc vui buồn, thương nhớ trong tâm trạng những kẻ đang yêu. Người con gái nhận miếng trầu mà người con trai trao tay buổi sớm, để rồi:

Được anh mời một miếng trầu,

Miệng ăn, môi đỏ, da sầu tương tư.

Miếng trầu không đơn thuần chỉ là vật để xã giao. Cao hơn thế, nó đã là trầu nghĩa, trầu tình:

Quả cau nho nhỏ,

Cái vỏ vân vân.

Nay anh học gần,

Mai anh học xa,

Tiền bạc là của mẹ cha,

Cái nghiên cái bút thực là của em,

Những đôi trai gái yêu nhau, vượt qua mọi rào cản vô hình và hữu hình trong xã hội phong kiến để đến với nhau thì tâm trạng của họ ngập tràn hạnh phúc. Họ tự so sánh:

Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng,

Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không?

Và lúc cùng nhau ôn lại những kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu, họ cũng phải mỉm cười thừa nhận:

Xưa kia ai biết ai đâu,

Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen!

Như vậy, miếng trầu nhỏ bé đã đóng vai trò thay cho người mai mối.

Trong truyện cổ tích Tấm Cám, nhờ miếng trầu têm cánh phượng mang dấu ấn rất rõ của Tấm mà nhà vua trẻ tuổi đã tìm thấy người vợ yêu quý của mình. Từ ngày được bà cụ coi như con gái, cô Tấm ngoan hiền, đảm đang luôn đỡ đần bà cụ. Nàng đun nước, têm trầu cho bà cụ bán. Nàng gửi trong miếng trầu têm cánh phượng cả nỗi nhớ thương và niềm hi vọng được đoàn tụ cùng nhà vua sau bao ngày xa cách.

Ngoài truyện Tấm Cám còn có một số truyện khác cũng nhắc đến vai trò của miếng trầu. Như trong truyện Sọ Dừa, chàng Sọ Dừa dị hình dị dạng đem lòng yêu cô Út, con gái phú ông. Chàng đã năn nỉ mẹ mang trầu cau sang dạm hỏi và đã nhận được lời thách cưới cao ngạo; Mười chĩnh vàng cốm, trăm tấm lụa đào... thay cho lời từ chối. Nhưng chàng trai thần kì ấy đã lo đủ mọi thứ trong chớp mắt. Phú ông hết sức ngạc nhiên nhưng vẫn phải giữ lời hứa gả cô Út cho chàng.

Ngày nay, cuộc sống vật chất đã thay đổi rất nhiều, thói quen ăn trầu chỉ còn thấy ở một số người lớn tuổi. Tuy vậy, trong tục cưới hỏi của người Việt, trầu cau vẫn không có gì thay thế được bởi ý nghĩa thiêng liêng của nó. Giữa chốn phố phường hiện đại hay ở nơi thôn dã, hình ảnh hàng cau, giàn trầu vẫn có sức gợi cảm rất lớn đối với tâm hồn của mỗi chúng ta.