I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Tô Hoài là bút danh quen thuộc đối với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam và thế giới. Tên thật của nhà văn là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại quê mẹ là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (cũ) ; nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Quê cha ở làng Cát Động, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), nay cũng thuộc Hà Nội.

- Suốt đời gắn bó máu thịt với Hà Nội nên Tô Hoài có vốn sống phong phú về mảnh đất và con người nơi đây. Đó là nguồn chất liệu không bao giờ vơi cạn giúp nhà văn sáng tác nên những tác phẩm nổi tiếng.

- Trải qua hơn bảy thập niên hoạt động trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài đã có một khối lượng tác phẩm đồ sộ, một số tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tô Hoài đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. Thân bài:

* Giai đoạn sáng tác trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

+ Các tác phẩm chính:

- Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi).

- Quê người, Cỏ dại, Nhà nghèo... (Truyện ngắn).

Nội dung chính của các tác phẩm trên xoay quanh những kỉ niệm khó quên trong thời thơ ấu nghèo khó, vất vả của tác giả và cuộc sống lam lũ của người dân lao động. Riêng truyện Dế Mèn phiêu lưu kí là bức tranh thiên nhiên sinh động, thú vị được miêu tả qua sự quan sát tinh tường và bằng cảm nhận hồn nhiên của tuổi mới lớn. Nhiều bài học nhân sinh được tác giả gửi gắm trong tác phẩm nổi tiếng này.

* Giai đoạn sáng tác sau Cách mạng:

Nhà văn Tô Hoài bí mật tham gia Hội văn hoá cứu quốc từ năm 1943. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực báo chí, văn hoá văn nghệ.

+ Các tác phẩm chính:

- Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Miền Tây... là kết quả thực tế suốt một thời gian dài nhà văn sống với đồng bào các dân tộc vùng cao Việt bắc, Tây Bắc. Nội dung phản ánh cuộc sống cơ cực của đồng bào miền núi dưới ách thống trị tàn bạo của bọn làng đạo, chúa đất, của giặc Pháp xâm lược và con đường đến với cách mạng giải phóng của họ.

- Chuyện cũ Hà Nội, Tự truyện, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Chiếc áo tế... nói về những sự kiện của lịch sử và hiện thực cuộc sống có liên quan chặt chẽ tới cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả nói riêng và những giai đoạn thăng trầm của đất nước nói chung.

- Dư luận đánh giá rất cao các sáng tác của Tô Hoài bởi nội dung phong phú và nghệ thuật viết văn đạt tới trình độ bậc thầy. Lối kể chuyện của ông vừa hồn nhiên, hóm hỉnh lại vừa sâu sắc nên rất hấp dẫn người đọc.

3. Kết bài:

- Sự nghiệp văn chương đồ sộ của Tô Hoài ít có tác giả nào sánh kịp. Ông xứng đáng là nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại,

- Bạn đọc nhiều lứa tuổi vẫn hi vọng được thưởng thức những tác phẩm mới của nhà văn lão thành mà sức sống và sức viết vẫn bền bỉ, dẻo dai đáng khâm phục.

II. BÀI LÀM

Năm nay, nhà văn Tô Hoài đã bước vào tuổi 90, vượt xa cái ngưỡng nhân sinh thất thập cổ lai hi và sự nghiệp văn chương của ông cũng đã kéo dài suốt bảy mươi năm. Quả là một hiện tượng hiếm có không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới. Bút danh Tô Hoài trở nên quá thân quen đối với nhiều thế hệ bạn đọc, trong đó có tôi.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 17 - 9 - 1920 ở quê ngoại, tức làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ ; nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Còn quê nội của ông ở làng Cát Động, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ). Có thể gọi Tô Hoài là nhà văn của Hà Nội, vì ông sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt cuộc đời mình với đất Thủ đô ngàn năm văn vật. Hình ảnh quê ngoại đã in sâu trong tâm khảm nhà văn, cung cấp tư liệu cho ông viết nên rất nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Vốn có năng khiếu văn chương từ nhỏ nên Tô Hoài sáng tác từ khi mới hết tuổi thiếu niên. Nhà nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, Tô Hoài tự bù lại bằng cách lăn lộn học ở trường đời. Ông làm nhiều việc để kiếm sống như thợ thủ công dệt lụa, dạy học tư, kế toán tiệm buôn...

Vừa đi làm, ông vừa tranh thủ đọc sách báo và tập viết văn. Là một người nặng lòng với quê hương nên ông đã lấy bút danh là Tô Hoài (sông Tô Lịch chảy qua phủ Hoài Đức quê ngoại).

Đến với văn chương từ năm 1939 và Tô Hoài trở nên nổi tiếng sau thiên truyện Dế Mèn phiêu lưu kí. Được giác ngộ cách mạng, ông tích cực tham gia vào phong trào Thanh niên phản đế và đến năm 1943 gia nhập Hội văn hoá cứu quốc, hoạt động tuyên truyền Việt Minh và viết báo bí mật. Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, trong hàng ngũ trùng trùng điệp điệp quần chúng vùng lên giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật cũng có mặt Tô Hoài.

Năm 1947, ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực báo chí. Từ năm 1951, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam và đã giữ các chức vụ Tổng thư kí, phó Tổng thư kí Hội, kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Ông còn là đại biểu Quốc hội nhiều khoá. Tập Truyện Tây Bắc nội dung phản ánh hiện thực cuộc sống cơ cực, tăm tối và quá trình đến với cách mạng của đồng bào miền núi là kết quả chuyến đi ròng rã tám tháng của nhà văn trên khắp các nẻo đường chiến khu, chung sống và gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong tập truyện này, tác phẩm được nhắc đến nhiều và có giá trị nhất là Vợ chồng A Phủ, đã được trao giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 - 1955.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động thế giới. Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn. Đảng lãnh đạo nhân dân khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh, Nhà văn Tô Hoài có điều kiện thuận lợi để tập trung vào sáng tác. Ông đi nhiều, viết nhiều và thành công trong nhiều thể loại : truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, hồi kí, kịch bản phim, phê bình tiểu luận văn học...

Các tác phẩm chính trước cách mạng gồm: Dế Mèn phiêu lưu kí, Quê người, Cỏ dại, Nhà nghèo. Sau cách mạng gồm: Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Mười năm, Tự truyện, Chuyện cũ Hà Nội... Khoảng hơn chục năm trở lại. đây, ông cho ra đời một số tác phẩm được dư luận rất quan tâm như Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Chiếc áo tế... Tất cả những gì về lịch sử và hiện thực cuộc sống mà khối óc sáng suốt và trái tim nhạy cảm của nhà văn thu nhận được qua cuộc hành trình dằng dặc xuyên thế kỉ đã được tái hiện qua từng trang viết. Mỗi tác phẩm đều phản ánh những giai đoạn thăng trầm của dân tộc nói chung và của bản thân nhà văn nói riêng. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học dân tộc, nhà văn Tô Hoài đã được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Hồi mới học lớp 3, tôi đã say mê đọc cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu kí, ngoài bìa vẽ chú Dế Mèn hăng hái trên con đường phiêu lưu mới mẻ và hấp dẫn. Tôi thích thú hoà mình vào thế giới của các sinh vật nhỏ bé giữa thiên nhiên. Biệt tài kể chuyện của Tô Hoài đã thể hiện rất rõ trong cuốn truyện thiếu nhi này và người đọc có thể tìm thấy bóng dáng xã hội loài người qua tác phẩm. Lớn hơn một chút, tôi đọc Đảo hoang, Chuyện nỏ thần... Tôi cũng đã đọc “ké” của mẹ tôi - một giáo viên Văn Trung học phổ thông - khá nhiều tác phẩm của Tô Hoài như: Truyện Tây Bắc, Tự truyện, Cát bụi chân ai, Chiều chiều... để rồi nhận ra rằng vốn sống của tác giả giống như một mỏ than tầng tầng lớp lớp, có trữ lượng vô cùng lớn, khai thác biết bao giờ cho cạn.

Tôi rất thích lối kể chuyện tự nhiên, dung dị, đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh, tả người, tả tâm lí nhân vật... đã đạt đến trình độ bậc thầy của nhà văn Tô Hoài. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới.

Cuộc đời và sự nghiệp văn chương đồ sộ của Tô Hoài ít có tác giả nào sánh kịp. Vốn sống phong phú, trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng thiên phú và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, dẻo dai... đã tạo nên một tên tuổi được đông đảo bạn đọc yêu mến và kính trọng. Tôi vẫn mong tiếp tục được đón nhận những tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài - người đã vượt xa cái ngưỡng “thất thập cổ lai hi” mà sức sống và sức viết vẫn bền bỉ, dẻo dai, thật đáng khâm phục!