BÀI LÀM 1

Hà Nội, ngày ... tháng ... năm ...

Thầy kính yêu!

Kể từ ngày về Hà Nội đến nay, em chẳng thư từ gì đến thấy cả. Thầy có trách em là kẻ bạc bẽo không? Bây giờ, Hà Nội đang vào mùa Tết, mùa rét, em nhớ thầy, cô, chị Xi, anh Phong và Quang Phát quá chừng! Em cầu mong thầy và gia đình khoẻ mạnh là em mừng. Thầy có hiểu lòng em không?

Bây giờ thì ba, mẹ em ổn định được nơi ăn chốn ở rồi, em đã vào học một trường ở quận Ba Đình. Vậy mà em lại nhớ Sài Gòn, nhất là vào những ngày này, ngày mà ở Hà Nội mọi nhà đang chuẩn bị đón xuân, người ra đường đều mặt áo rét.

Thầy kính yêu của em.

Thầy còn nhớ mùa Tết năm 1975 không? Mùa Tết gia đình em vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn. Bố mẹ em suốt ngày bận rộn với công tác. Có những ngày em ngơ ngác đứng bên hiên trường, rồi thấy đèo em trên chiếc xe đạp đưa về cơ quan của bố em, nhưng bố em lại đi công tác vắng. Khiếp, trời năm ấy sao mà lạnh đến thế! Rồi thầy gặp bố em, và hai người có vẻ mến nhau. Em mừng lắm. Nhưng sự việc nay đã trở thành kỷ niệm, em không thể nào quên được là ngày bố mẹ em đều phải đi công tác, người ở Kiên Giang, người về Sông Bé. Cả hai mang em đến gửi ở nhà thầy. Thầy cô đã nghèo, bố mẹ em cũng chẳng khác gì hơn, vậy mà lúc ấy em chẳng để ý gì, cứ nghe được đến ở nhà thầy là em mừng rơn lên! Cả nhà đều phải ăn cơm độn, nhưng vui ơi là vui vì em được giành ăn với Phát. Em nhớ là Phát đã cáu lên rồi sừng sộ:

- Mày về nhà mày đi!

Em rơm rớm nước mắt. Thầy đã ôm cả hai đứa vào lòng mà bảo:

– Đừng rầy rà, Thạch đâu có về nhà được!

- Nhưng bạn ấy giành của con.

- Ba sẽ đến cho cả hai. Được chứ?

Trời rét ngọt, em thì chỉ có chiếc áo kaki. Thầy đã lấy áo lạnh của anh Phong cho em mặc, còn áo lạnh của thầy thì anh Phong mang. Lúc đó, em khoái quá! Bây giờ nghĩ lại..., em vừa thương vừa kính trọng thầy.

Mồng 6 Tết, bố em mới về, đến đón em. Tiễn hai bố con em, thầy cười thật thoải mái:

- Lúc nào đi công tác, anh cứ cho bé đến đây, an tâm hơn!

Dù sau đó, bố mẹ em đã ổn định công tác, em không còn dịp được ở nhà thầy, nhưng em vẫn nhớ mãi lần được thầy cô chăm sóc ấy, nhất là những lúc như lúc này.

Trời Hà Nội trở rét nhưng đẹp lắm thầy ơi! Thành phố có hương hoa sữa ngọt ngào, rộ lên sắc tím hoa đào. Người người tươi cười đi sắm Tết. Em mong có dịp thầy ra Hà Nội, ghé lại nhà em. Lúc ấy, chắc cả nhà em vui mừng lắm thầy ạ!

Cuối thư, em cầu mong thầy cô hưởng một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc. Em trông thư của thầy.

Học trò cũ của thầy

Bùi Cẩm Thạch

BÀI LÀM 2

Thưa cô, em là Trần Dưỡng học sinh lớp 4A của cô năm ngoái ở trường phổ thông cơ sở Kim Đồng. Nhân dịp năm mới, em viết thư này kính thăm cô và gia đình.

Cô đã chuyển đi trường khác, em không được học cô nữa nhưng tình thầy trò, em không bao giờ quên. Những lời dạy bảo của cô, đã giúp đỡ em nhiều trong công việc học tập và sửa chữa tính nết. Năm ngoái em còn kém môn Tập làm văn, chữ viết nguệch ngoạc, ý lộn xộn, nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp. Cô đã chỉ ra khuyết điểm và cách sửa chữa nhưng em ít thực hiện. Hè vừa qua, theo lời cô dặn, mẹ em đã tìm cách giúp em sửa chữa một số lỗi viết văn. Mẹ giao hẹn mỗi ngày em phải làm xong mấy bài tập, học thuộc lòng một đoạn văn. Nếu chữ nguệch ngoạc, đầu câu không viết hoa thì phải chép lại nhiều lần. Mẹ còn chọn mỗi ngày hai câu văn mẫu tả cảnh hay kể chuyện ngắn gọn để em bắt chước, cứ mỗi câu đặt thêm ba câu cùng kiểu nhưng khác ý. Thú thật, lúc đầu em chán quá, nhiều lần phải chép lại đến mỏi tay, nhiều câu nghĩ mãi không ra cách bắt chước. Sợ mẹ, em cũng cố làm cho xong. Dần dà lại hoá hay cô ạ. Tập viết cẩn thận mãi thành quen tay, giờ viết bẩn, viết xấu là chính em cũng không chịu được. Cô đọc thư này, chắc không nỡ quở trách chữ em nữa. Em thuộc khá nhiều thơ, lời văn em hình như có khá hơn. Bố em đọc thấy không nói gì, chỉ gật gù, em chắc là đỡ lỗi, tạm được. Riêng khoản ý lộn xộn, em chưa chữa được vì khó quá cô ạ. Em đang cố gắng tập suy nghĩ sao cho mạch lạc, em mong cô viết thư góp ý giúp em chuyện này.

Cô kính mến! Em kể chuyện em đã dài dòng. Em kính chúc cô và các anh chị sức khoẻ và mọi điều tốt lành.

Kính thư

Học trò của cô