BÀI LÀM 1

Cô bạn nhỏ

Năm lớp Hai tôi có một người bạn tên là Hường. Tôi vẫn nhớ cái áo kẻ màu vàng xỉn mà Hường mặc suốt bốn mùa, vóc dáng gầy gò và nước da xanh mãi của cô bạn ấy. Mấy thằng con trai lớp bên hễ thấy Hường là réo lên “Ê, ê em con điên...”, thế mà Hường vẫn chẳng dám nói lại, chỉ chạy về lớp ngồi khóc.

Chị gái Hường vẫn hay lang thang ngắt hoa lá ngoài đường, thỉnh thoảng lại đến trường nhằm vào lớp tôi, nhìn Hường rồi đi. Chỉ vậy thôi, chị chẳng bao giờ làm điều gì ghê gớm hơn, nhưng tôi vẫn thấy sợ sợ chị ấy. Mỗi lần như thế, Hường lại chạy ra nói với chị như nói với em bé: “Chị về đi nhé, tẹo nữa là em về chơi với chị”. Mẹ Hường bán rau ở chợ, bố Hường không thấy đi làm như bố mẹ tôi, chú hay uống rượu, mà mỗi lần say là nhà Hường náo loạn tiếng quát tháo khóc lóc. Chú đánh cả mẹ Hường, cả hai chị em.

Một hôm tôi đang chơi đồ hàng ở nhà thì Hường chạy xồng xộc sang, vừa nói vừa khóc:

- Tớ không ở nhà hôm nay đâu. Vừa rồi bố tớ bảo chiểu về sẽ cho mẹ con tớ một trận. Mà tớ không làm gì đâu, thật đấy. Mẹ tớ cũng thế.

- Hay là ấy sang nhà tớ ở đi.

Hường bịu xịu:

- Không được đâu, thế nào bố tớ cũng biết tớ ở đấy rồi lại sang bắt tớ về.

Hai đứa cứ ngồi nghĩ ra đủ mọi cách, cuối cùng quyết định đi thật xa.

Tôi nhất định đi cùng Hường, chẳng kịp nghĩ nếu bố mẹ biết thì tôi cũng bị ăn đòn là cái chắc. Hai con bé nắm tay nhau chạy theo con đường mòn dẫn sang một xã khác. Đi rạc cả chân thì gặp một cái miếu. Hai đưa vào đó nghỉ tránh nắng, rồi vừa mệt, vừa đói nên ngồi lì ở đó đến tận chiều tối. Muỗi cắn sưng hết cả tay chân. Đang ngồi buồn thiu thị Hường chợt đứng phắt dậy: “Nhung ơi, thôi về đi, tớ đi thế này thì chỉ có mỗi mẹ với chị ở nhà. Tớ không bỏ mẹ tớ ở lại như vậy được. Có mấy mẹ con cũng đỡ sợ hơn”.

Thế rồi hai đứa lại dò dẫm đi về. Lúc lúc Hường lại tấm tức khóc, chắc đang tưởng tượng cảnh được bố “đón tiếp” như thế nào. Nhưng càng khóc, Hường càng rảo bước. Gần về đến nhà, Hường bỏ tôi một đoạn xa, tôi gắng guồng chân thế nào cũng không theo kịp bạn ấy.

Những chuyện như vậy làm tôi ghét chú Hoan ghê gớm không hiểu sao chú ấy lại ác với mẹ con Hường thế. Lần nào tôi hỏi mẹ cũng bảo. “Chuyện người lớn, con không hiểu gì đâu”. Mà đúng là tôi không hiểu thật. Chẳng lẽ cứ là người lớn thì được quyền làm cho trẻ con hoảng sợ khổ sở như thế. Tôi thương bạn lắm mà không biết làm thế nào được.

Rồi nhà tôi chuyển nhà, hai đứa mất liên lạc với nhau. Hồi ấy còn bé quá, mau nhớ mau quên. Nhưng hai năm rồi tôi vẫn không thể quên ánh mắt đau đáu cũng như những bước chân gấp gáp của Hường. Ngay lúc ấy và cả sau này nữa, tôi luôn cho rằng Hường là người bạn tội nghiệp nhất và can đảm nhất. Bạn ấy sẵn sàng chịu mắng, chịu đánh vô cớ chỉ cần có mặt bên mẹ để sẻ chia.

Tình cờ gặp người quen trong khu tập thể cũ, tôi lại níu hỏi thăm Hường. Nghe nói bố Hường xin được việc làm, tật say xỉn đỡ hẳn. Chị bạn ấy cũng khỏi bệnh rồi. Gia đình đang từng bước ổn định... Hệt như một câu chuyện cổ tích ấy. Mà cũng phải, những người như Hường xứng đáng nhận được một cuộc sống bình yên như cổ tích như vậy lắm...

BÀI LÀM 2

Người bạn trai - "Cậu bảo mẫu"

Tên bạn là Cuộc, hơn tôi ba tuổi. Bạn quê ở miền Trung vào thành phố đã mấy tháng nay theo mẹ để kiếm tiền.

Giữa lúc ấy, bên nhà bà Riu hàng xóm có đứa cháu ngoại khóc ra rả suốt ngày vì mẹ nó bỏ đi làm xa cùng chồng.

Chỉ sau hai tháng vừa lo việc nhà vừa lo chăm sóc cháu, tóc bà đã phờ phạc rối bù, hoa râm.

Nhân lúc Cuộc đến nhà tôi chơi, tôi rủ Cuộc đến nhà bà Riu. Thấy chúng tôi đến bà mừng quá nhờ chúng tôi đi mua giúp rau quả, thức ăn về làm cơm. Thấy tôi phân vân Cuộc cầm ngay tiền chạy đi. Một lát sau Cuộc về với một túi thực phẩm như lời bà Rịu dặn. Tôi hỏi Cuộc làm sao bạn có thể mua các thứ nhanh và chính xác như vậy? Cuộc thủng thỉnh đáp: “Hồi mới vô Nam hai mẹ con đi bán rau, phải biết lựa các thứ tươi ngon mới bán lại được”. Thế rồi Cuộc tâm sự: “Ba Cuộc mất sớm, mẹ Cuộc hay ốm đau, nên có lúc Cuộc phải làm người giúp việc nhà để kiếm tiền nhiều hơn vừa nuôi mẹ, vừa trả tiền thuê nhà...”

Nghe Cuộc kể bà Riu rất hài lòng. Thế là từ đó Cuộc được giao việc chăm sóc bé gái. Từ đó, tôi thường sang chơi với bà cháu bà Riu và Cuộc.

Sáng sớm, đã thấy Cuộc tay sách bình thuỷ, tay cầm bình sữa, miệng dỗ dành em bé: “Chờ một chút nghe “Hữu” anh pha sữa măm liền”, tay Cuộc phăn phắt cầm bình sữa ấn vào miệng em bé, vừa ôm lấy bé... Bé đang nhếch miệng khóc, bỗng im lặng, một tay sờ bình sữa một tay ôm lấy Cuộc. Cuộc dỗ ngọt “ăn nhẹ, Hữu, anh thương...” chốc chốc bé lại nhả núm vú cao su toét miệng cười với Cuộc.

Thế là từ đó Cuộc được thay cái tên gọi là “Cậu bảo mẫu”.