BÀI LÀM 1

Con sông Hồng chảy qua quê hương em. Sông chảy giữa những bãi mía, bờ dâu xanh ngắt. Mặt sông thường đỏ như màu gạch non nên mới mang tên là sông Hồng. Dòng sông đẹp như một dải lụa đào vắt ngang lên tấm áo màu xanh của đồng bằng Bắc Bộ. Con sông này đã gắn liền với thời thơ ấu của chúng em. Em và con sông đã trở nên thân thiết.

Những buổi sáng đẹp trời, con sông Hồng mới nhộn nhịp làm sao! Từng đoàn thuyền đánh cá giong buồm thả lưới trắng xoá cả mặt sông. Những tiếng hò, tiếng hát vang lên. Sông tấp nập những tàu thuyền đi lại như mắc cửi. Hai bên bờ đọng lại những hạt sương trên lá cỏ non như những hạt ngọc bé xíu long lanh. Cỏ còn ướt đẫm sương đêm mà các bà, các chị đã tỉa bắp, hái dâu. Bình minh chan hoà trên mặt sông. Buổi trưa, trẻ em rủ nhau ra vùng vẫy, tắm rửa. Các em bé té nước cho nhau cười như nắc nẻ. Chúng lặn hụp, bơi lội khéo léo như những con cá heo. Sông ôm chúng vào lòng, ôm lấy những đứa trẻ hồn nhiên, vui tươi và nghịch ngợm. Sông dịu dàng, dễ dãi như một người mẹ đối với đàn con. Sông vui cười, đùa nghịch với chúng em. Những cụ già râu tóc bạc phơ dắt đàn cháu ra sông tắm rửa. Những người mẹ tất bật mang quần áo, chiếu màn ra giặt giũ. Những chiều hè hoặc những buổi tối sáng trăng, em và các bạn thả thuyền lênh đênh trên mặt sông cất vó, câu cá hoặc nằm trên sạp thuyền hát, ngâm thơ cho bạn nghe. Buổi tối dưới trăng, em và các bạn bơi thuyền ra giữa sông buông chèo mặc cho nó trôi lơ lửng nằm dài ra sạp thuyền ngắm trăng, hóng gió. Sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền như hát cho chúng em nghe, ru cho chúng em ngủ. Gió nồm, trăng sáng, trời nước lênh đênh, sóng nước vỗ vào mạn thuyền ì oạp, chúng em ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Thuyền lênh đênh trên sông nước trôi dạt vào bờ dâu, bãi cỏ. Sáng dậy mọi người đều ngơ ngác không hiểu mình lạc vào đâu và bắt đầu chèo thuyền ngược lại về nhà. Dòng sông Hồng êm ả chảy xuôi. Mọi người đều say sưa ngắm nhìn sông Hồng một cách thích thú. Hai bên sông là những thảm cỏ xanh rờn. Chỗ kia là một chiếc tàu địch bị bắn cháy hồi Pháp thuộc di tích còn đến ngày nay. Chỗ này bác Ba xóm ngoài đã cầm mã tấu chém đứt đầu xẻ mặt hai thằng quan ba của Pháp. Mọi người vừa đi, vừa ngắm chẳng mấy chốc đã về bến.

Dòng sông Hồng này đã để lại cho em những kỷ niệm êm đềm nhất. Nhớ ngày nào em mới lên ba. Mẹ dắt em ra sông tắm, em sợ và hét ầm lên mếu máo khóc. Hồi em học lớp một, em đã kể lại cho dòng sông này một kỷ niệm khó quên. Hồi đó em chưa biết bơi. Các bạn em rủ em ra sông tắm. Chúng em đùa nghịch ngay cạnh bờ chứ không dám ra giữa sông. Chiếc nón “tốt đỏ” mà mẹ em mua cho sáng nay chưa có quai, em đội lủng liểng trên đầu bị gió thổi trôi ra giữa sông. Em hốt hoảng vội nhào ra nắm lấy. Nhưng không kịp nữa rồi. Nón trôi ra xa lắm. Không thể nào lấy được nữa. Em không biết bơi nên suýt chìm nghỉm xuống lòng sông. Lũ bạn em đều không biết bơi cả rối rít định nắm tay nhau dàn thành hàng dài để em nắm vào mà ngoi lên. Vừa lúc ấy thầy giáo đi qua thấy chòm tóc em bập bềnh trên mặt sông bèn để cả quần áo nhảy xuống vớt em lên. Thầy nắm lấy chỏm tóc em kéo lên và ôm em bằng tay trái rẽ nước bơi vào bờ, lên bờ mặt em nhợt nhạt trắng bệch. Bụng no nước. Thầy dốc ngược em lên rồi hô hấp nhân tạo. Một lúc sau em tỉnh dậy, thầy bế em về nhà. Các bạn ai cũng vui mừng cho em và thương em. Về đến nhà bố mẹ cho em đến trạm xá. Hai ngày sau em về và lại ra sông tắm. Dòng sông mát lạnh vỗ về em như là xin lỗi em thì phải. Sông ơi sông ơi! Sông không có lỗi gì đâu. Chính ta là người có lỗi đấy sông ạ!

Quên làm sao được những buổi đi cào hến, dặm trai ở bờ ven sông. Những ngày ấy em còn ghi đậm trong trí nhớ của em.

Ôi! Dòng sông của quê hương đất nước. Dòng sông đẹp dịu dàng khi những ngày nắng đẹp. Sông trắng xoá trong những đợt mưa rào, mùa hạ sông thường đỏ ngầu, ầm ầm chảy xiết khi nước lũ tràn về. Sông còn đắm mình trong ánh bình minh.

Em yêu con sông quê hương như yêu người mẹ dịu hiền của em. Ôi con sông Hồng, sông đã bao phen giận dữ nổi sóng nhấn chìm tàu giặc xuống lòng sông. Sông đã ôm những kỷ niệm ước mơ của những tâm hồn bé nhỏ.

BÀI LÀM 2

Từ khi lọt lòng mẹ, em đã chịu khổ vì bom đạn giặc Mỹ. Nhà cửa tan nát, em và mẹ phải vào một khu rừng ở tạm. Sau những ngày giải phóng, em và mẹ trở về quê cũ, nhưng hình ảnh và kỷ niệm trong rừng em vẫn còn nhớ mãi.

Khu rừng cách xa làng em mười tám cây số nhưng đối với em thì rất thân thuộc. Khu rừng có từ bao giờ mà cây rậm rạp. Có cây to lớn cành lá sum suê, có cây như nghẹt vì những cây lớn chen chúc. Cây rừng không phải bằng phẳng mà cây cao, cây thấp, cây to, cây nhỏ... Rừng này rộng khoảng năm cánh đồng rộng nhập lại. Tháng nắng, những lá khô rụng em phải quét lá rừng để nấu nướng, có khi thì nhặt cành khô... Chim chóc trong rừng nhiều không kể xiết, chúng bay từ cành này sang cành khác làm cho những lá vàng rụng rơi lả tả. Nhìn xa, khu rừng có màu xanh đậm. Buổi sáng, những con chim thức muộn kêu lạc loài trên cành cây còn ướt đẫm sương đêm rồi vỗ cánh bay đi. Những cây rừng nở hoa thật đẹp. Từng đàn ong rập rờn bay đi hút nhuỵ hoa. Đàn bướm múa lượn trong rừng hoa tươi xinh. Bóng nắng sáng ra, mặt trời lên cao, đó là buổi trưa. Buổi trưa có nhiều gió tâm sự cùng rừng. Ngọn gió nào thổi qua, hàng cây trong rừng cũng thổi theo vi vút như thì thầm trò chuyện. Trời ngả về chiều, ánh nắng loang lổ, em lại thấy từng đàn chim đi ăn bay về. Cây rừng như sống bên những con vật thân yêu. Ôi, càng nhìn rừng càng thích thú.

Những khu rừng cũng không được đứng yên, giặc Mỹ cứ thả bom đạn: có cây cụt ngọn, em càng thương thay cho những cây bị chặt ra từng khúc... vào sâu trong rừng, em còn thấy những cây xác xơ đứng trơ trọi một mình. Hoa lá trong vườn cằn cỗi bơ vơ. Cây cối sống trong rừng như bị lụi tàn, cuộc sống của em và mẹ càng vất vả hơn. Nhưng có lẽ nhờ rừng che giặc cho em và mẹ em được sống. Những cây còn sống sót tạo thành “rừng trống”. Nhưng khi rừng trống trải nhất thì cũng là lúc nhân dân ta giành độc lập, tự do.

Rừng trống bây giờ đâu còn gọi là rừng trống nữa. Rừng đã trở nên rậm rạp, cây cối chen nhau mọc. Hoa nở trắng rừng. Vì sao mà rừng trông thay đổi nhanh thế? Vì cách mạng đã về trên đất vinh quang này, vun bồi cho từng cây cỏ, hoa lá, cây cối... Có cách mạng về đây, hoa đua nở, chim đua hát. Rừng trở nên xinh đẹp hơn, rộn rã hơn, vui tươi hơn. Ôi! Đâu có giờ phút nào sung sướng hơn. Đúng là:“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Rừng trở nên xinh tươi hơn, lá vươn lên xanh đậm với tình bà con. Rừng đã nhiều lần thay lá, ra hoa đẹp đẽ. Cây rừng cứ vươn lên mãi đón chào mùa xuân vui tươi về trên đất Việt Nam thân yêu.

Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi buổi sáng, khi ông mặt trời thức dậy, những con chim hoà tấu bản nhạc rừng làm cho rừng thêm tươi vui. Chúng nhảy nhót trên lá khô tạo ra âm thanh khô giòn...

Quê hương này đã đổi mới. Em và mẹ trở về quê. Trước khi tạm biệt, em nhìn ngắm khu rừng một lần cuối như muốn thu tất cả cảnh vật trong rừng vào tầm mắt.

Rừng đã đưa em trở lại với xóm làng, với bà con, với quê hương. Một khu rừng rậm rạp cũng biết hi sinh hết đến giờ phút cuối cùng cho dân làng. Em sẽ cố gắng bảo vệ rừng để có nhiều gỗ phục vụ cho quê hương, làm giàu cho đất nước. Em nguyện sau này sẽ góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng đất nước như Bác Hồ dạy: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.