DÀN BÀI
1. Mở bài: Giới thiệu cái trống của trường em (Em trông thấy hoặc nghe thấy tiếng trống của trường vào lúc nào? Ở đâu?).
2. Thân bài: Tả cụ thể cái trống của trường.
a. Tả bao quát: Trống có nét chung gì nổi bật về hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu, tình trạng mới cũ...
b. Tả cụ thể từng bộ phận:
- Giá đặt trống, hoặc dây đeo trống: dáng hình, chất liệu, cách giữ trống..
- Tang trống: chất gỗ, hình dáng từng thanh, cách ghép...
- Cái đai chằng lưng trống: chất liệu, cách chằng...
- Mặt trống: da bít mặt, đinh đóng giữ mặt da trống...
- Âm thanh: to nhỏ, âm rền, cách đánh của bác bảo vệ...
c. Ích lợi của cái trống: Giữ nhịp sinh hoạt trong nhà trường.
3. Kết bài: Tình cảm của em đối với cái trống trường.
GỢI Ý MỞ BÀI VÀ KẾT BÀI
* Đoạn mở bài
Trống thì trường nào chẳng có nhưng tôi muốn giới thiệu cái trống trường tôi, mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “cháu chính tông của cụ tổ Trống Đồng”.
* Đoạn văn tả cái trống trường
Sớm nay, em đi học hơi muộn hơn mọi ngày một chút nên mới bước chân đến cổng trường đã nghe vang tiếng trống trường rung lên từng hồi. Cái tiếng trống của bác Tư bảo vệ mới thật điệu nghệ. Tiếng trống khoan thai, dõng dạc mà vang động. Cả đến những bạn mới đến đầu đường, cách trường chừng hai trăm mét cũng nghe rõ mồn một.
* Đoạn kết bài
Ngày tháng trôi qua. Mỗi năm chúng tôi lên một lớp. Nhưng ai chẳng bồi hồi xúc động mỗi khi nghe hồi trống khai giảng dõng dạc báo hiệu một năm học mới lại bắt đầu.