BÀI LÀM 1
Đã sáu giờ ba mươi rồi, em khép vội cánh cổng, cùng Hoa bước vội trên con đường đến trường, chỉ lo sợ trễ học. Cả hai đều cố vượt lên những khách đi đường không dám nhởn nhơ như những lần trước.
- Sáng nay, Hoa làm gì mà đến trễ vậy?
- Trước lúc đi làm mẹ mình bảo cho heo ăn rồi hãy đi học. Nồi cám nóng quá phải ngồi chờ cho nó nguội. Để cho heo ăn là mình tất tả đi ngay, nóng cả ruột.
Biết Hoa đi muộn vì một lý do hết sức chính đáng em không nỡ trách Hoa, trái lại càng thương bạn hơn. Đã bốn năm rồi, em và Hoa cùng học một lớp, cùng sánh với nhau trên con đường quen thuộc này ngày hai lượt đi về. Con đường đã in không biết bao nhiêu dấu chân của hai đứa. Có lần Hoa nói với em: “Mình có thể nhắm mắt đi một mạch từ nhà đến trường mà không hề vấp ngã đấy!”. Em vội nói ngay: “Mình cũng vậy! Hoa biết không. Cả ba chúng mình đều là bạn thân của nhau. Mình hiểu Hoa cũng như Hoa hiểu con đường và ngược lại phải không nào!”
Con đường là biểu tượng của quê hương, là sợi dây gắn bó tình cảm của mọi người trong tình làng nghĩa xóm. Nhà thơ Đỗ Trung Quân thật là có lý khi nói rằng: “Quê hương là đường đi học”. Vâng! Đúng như vậy. Con đường rợp lá me bay này dù chưa phải là con đường nhựa thẳng tắp láng bóng như các con đường ở các đô thị. Nó chỉ là con đường đất đỏ bình thường như mọi con đường khác ở các làng quê. Đối với chúng em, nó là quê hương, gần gũi và thân thiết biết nhường nào! Chẳng có ngày nào lũ trẻ chúng em không đặt những bước chân nhỏ xíu của mình lên mặt đường đầy ổ gà, sóng trâu của nó. Mặt đường, chỗ nào phẳng lì như mặt sân phơi, chỗ nào nhấp nhô uốn lượn như sóng nước mặt hổ những lúc gió nhẹ, chỗ nào đá to, đá nhỏ, em đều thuộc như lòng bàn tay. Bởi vậy mà con đường trở thành một người bạn đáng yêu nhất của chúng em.
Con đường này là trục lộ giao thông chính liên xã. Đoạn đường dẫn chúng em đến trường lại nằm ở khu trung tâm nên thường tấp nập xe cộ và người qua lại. Hai bên đường những cây me tây lâu đời toả bóng xuống lòng đường mát rượi. Hàng cột điện cao thế như những cột chống trời làm bằng bê tông cốt thép sừng sững hai bên đường đem ánh sáng văn minh về cho các làng xã trong vùng. Những nhà lá mái tôn, nhà tường và có cả những nhà lầu xen kẽ; những tiệm tạp hoá, viện uốn tóc, rạp video, quán giải khát, cà phê... mọc lên với những bảng hiệu đủ màu, trông như những dãy phố ở thị thành. Khung cảnh buổi sáng mai trên đường thật đông vui. Thỉnh thoảng, xe ô tô chở hàng, chở khách lăn vội trên đường làm bốc lên những đám bụi dày đặc. Khách đi đường phải nép vội vào những gốc me già chờ tan bụi.
Gần đây trong chương trình phát triển nông thôn, em nghe nói trục lộ liên xã này sẽ được tôn tạo lại. Đường sẽ được tráng nhựa trong nay mai. Ôi! Con đường thân yêu của chúng em rồi đây sẽ đẹp hơn, sẽ không còn những “ổ voi”, “ổ chó” mấp mô lượn sóng như bây giờ. Nắng, mưa, gió bão sẽ không còn cơ hội ngăn cản bước chân của chúng em đến trường được nữa.
Tương lai rực rỡ đang đến với con đường và với cả chúng em trong một niềm tin hi vọng của cuộc sống mới. Trống đã điểm, tạm biệt con đường, chúng mình vào học nhé.
BÀI LÀM 2
Quê tôi thuộc một vùng ven biển miền Trung nơi có lắm nắng nhiều mưa, lụt lội liên miên. Vậy mà con người ở đây vẫn bám lấy mảnh đất nghèo khổ này, vẫn yêu thương nó đến da diết. Bởi nó là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. “Nhưng quê hương là gì hở mẹ?” Có phải quê hương là “chùm khế ngọt, mẹ về mái lá nghiêng che”. “Quê hương là đường đi học”, như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói vậy ư? Vâng đúng thế đấy!
Đối với tụi nhỏ chúng tôi không có gì thân thuộc hơn là con đường đi học. Dường như không có ngày nào bước chân nhỏ của chúng tôi lại không đặt lên mình nó vô vàn những dấu chân tí xíu trên đường đi và về, trước và sau những buổi học.
Đó là con đường đá đỏ khá rộng, cao ráo và thẳng tắp. Được biết, vừa rồi ông Chủ tịch tỉnh khi về thăm trường tiểu học của chúng em có nói: “Nay mai con đường này sẽ rải nhựa và mở rộng thêm mỗi bên ba thước nữa”. Người ta vừa mới phát hiện một mỏ đá quý gần quê em. Tương lai, đây là một trong những khu công nghiệp sầm uất của tỉnh nhà. Nghe nói vậy, mà chúng em đứa nào cũng mừng trong bụng, cứ mơ tưởng đến một ngày mai làng quê em sẽ được thay đổi như một khu phố ở thị thành. Ngày ngày chúng em đến trường sẽ được đi trên con đường nhựa bóng loáng, đón những ngọn gió nồm nam mát rượi thổi từ ngoài biển vào và nhìn những chiếc xe hơi nối đuôi nhau phóng nhanh trên đường...
Vừa đi, em vừa nghĩ miên man. Trước mắt em vẫn là con đường đá đỏ thẳng tắp và rất bằng phẳng. Hai năm trước đây, người ta đã cải tạo con đường này, họ đổ đất cao lên, cho xe lu lăn đi lăn lại nhiều lần, làm cho mặt đường phẳng lì không một gợn sóng. Hai bên đường, những hàng cây xà cừ, bạch đàn, phi lao và có đến cả cây me, cây phượng nữa. Đó là công trình “rừng cây xanh đến trường” do liên đội Thiếu niên Tiền phong của trường em phát động. Hàng cây bây giờ tuy chưa cao, chưa có bóng mát nhưng sức sống của nó đang được bật dậy. Màu xanh đậm của những tán lá hai bên đường đang trải dài ra khoe sắc với trời xanh. Vài ba năm nữa thôi, hàng cây hai bên đường sẽ trùm bóng mát xuống lòng đường mát rượi: Lúc ấy, chúng em đi học đâu cần phải đội nón, đã có bóng mát của hàng cây che do chính bàn tay của chúng mình trồng nên. Vẻ đẹp của con đường cũng chính là vẻ đẹp của quê hương. Phải chăng, chúng em cũng đã đóng góp được một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương ngày thêm đẹp hơn lên rồi đó chăng? Hàng cây xanh, “Công trình rừng cây xanh đến trường”, mãi mãi sẽ ghi lại ở đây tình cảm của chúng em, công sức của chúng em đã góp thêm một vẻ đẹp cho con đường, cho quê hương yêu dấu của mình.
Trống trường đã điểm, chúng em bước vội vào cổng trường trong tiếng ngân vang trầm ấm quen thuộc. Ngồi trong lớp học mà hình ảnh con đường nhựa đen bóng cứ lởn vởn trước mắt em mãi không thôi.
BÀI LÀM 3
Đường ơi, đường có nhận ra em không? Em là “Ti con” đây mà. Hôm nay, sau mấy tháng hè lên tỉnh với bố để học thêm, em lại được đặt đôi bàn chân nhỏ lên mặt đường làng mát rượi, thân thương.
Đây rồi! Bắt đầu con đường làng em đó, con đường thường ngày dẫn tụi em đến trường làng của mình. Và kia, cây đa già sừng sững trên bờ đê như một người lính gác đầu đoạn đường. Từ đó, đường đổ xuống dốc, chạy qua giữa làng làm ranh giới cho hai xóm. Mặt đường vào làng không rộng lắm, chỉ vừa một trâu xe đi. Những phiến đá to gần bằng mặt bàn nước, xếp hàng tự lát dọc đường cho đến hết làng. Mặt đá trơn mòn dưới nắng mưa, nổi vân màu chì dọc ngang. Nhiều chỗ mặt đá lõm xuống như lòng mâm. Hai bên đường, nhà cửa san sát. Cứ nhìn những phiến đá ven đường, biết ngay cổng từng nhà. Phiến đá to nhất kia, nhẵn bóng, đủ vẽ ba, bốn bàn cờ chân chó, đó là cổng nhà cậu Toàn. Phiến đá màu trắng ngà nổi vân như đầu con rồng, là cổng nhà thầy Hoán dạy em năm ngoái. Còn kia kìa, phiến đá vuông vuông, xanh ghi ấy là cổng nhà em.
Vui nhất là vào những lúc chiều tà, trâu bò thả ở ven đê đi về làng, gõ móng côm cốp trên mặt đường. Xe trâu, xe cải tiến lóc cóc lăn bánh, xe đạp thồ lúc xuống dốc nhảy tưng rưng qua các phiến đá trên mặt đường. Những đêm có trăng, mặt đường như chiếc khăn sọc trắng vắt qua vai làng em. Dưới ánh trăng, chúng em chơi trốn tìm, đánh trận giả trên cái nền trăng trắng nhờ nhờ ấy.
Ra khỏi làng, đường như gọn lại dưới vòm cây phi lao hai bên. Đường rải đá, chạy qua cánh đồng. Đường hoà vào đường lớn lên huyện, lên tỉnh, đi mãi, đi mãi như chẳng biết mỏi chân. Đường đã đưa bao người quê em ra đi. Đường cũng đón bao người trở về. Dù có đi tận đâu, chẳng người nào lại quên đoạn đường lát đá quen thuộc ấy. Bởi vì, mỗi phiến đá nơi đây đã từng nâng đỡ những bước đi lẫm chẫm đầu tiên của đời mình.