BÀI LÀM 1
Bà nội tôi
Nội tôi - một cụ bà đã gần 80 tuổi mà truyện Kiều vẫn thuộc từ đầu cho đến cuối chẳng sót câu nào. Chẳng phải chỉ có truyện Kiều thôi đâu mà cả Lục Vân Tiên, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Nhị thập tứ hiếu và vô vàn bài thơ khác bà đọc từ thời còn trẻ, thế mà nay vẫn nhớ. Tình yêu văn của tôi có lẽ một phần cũng là từ bà. Bà tôi kể ngày bé ba chị em tôi một tay bà chăm sóc vì bố mẹ đều bận đi làm cả. Bà bảo mẹ chúng tôi ngày ấy còn trẻ chả biết ru con, chỉ có bà ru thôi. Tôi còn nhớ lờ mờ lúc 4, 5 tuổi, tôi nằm trên ngực bà đu đưa trên võng, bà đọc thơ cho tôi nghe thế rồi tôi ngủ lúc nào cũng chẳng biết. Lúc ấy tâm hồn trẻ con nào hiểu gì, chỉ biết bà đọc hay quá, cứ như hát, ấy thế là mê luôn.
Bà tôi chẳng ăn trầu như những cụ bà khác nên khi nằm cùng bà tôi cũng chẳng nghe mùi nồng nồng của trầu. Bù lại mái tóc bà mượt lắm, sờ mát cả tay. Đến bây giờ tóc bà dù đã bạc nhưng vẫn cứ mượt, lắm lúc tôi phụng phịu tóc bà mượt hơn tóc con. Những lúc ấy bà chỉ cười, phô cả hàm răng đen chỉ còn lô xô vài cái, khuôn mặt nhăn nheo, đen ngăm ngăm, hai má cao gì đâu mà cao. Bà như một cuốn từ điển văn học sống của tôi, có những lúc làm văn về truyện Kiều ở nhà, có sách nhưng tôi lười tìm lắm, chỉ toàn hỏi bà. Chỉ cần tôi nhớ vài từ là bà sẽ đọc ngay cho tôi. Tôi vẫn thường khoe với lũ bạn rằng hỏi bà còn nhanh hơn tìm trong sách. Có lần tôi thắc mắc tại sao bà nhớ tài thế? Bà bảo bà cũng chẳng biết nữa, tự dưng già rồi lại nhớ chứ ngày trước bà đọc mà đâu có nhớ.
Bà tôi đã gần 80 tuổi, cái tuổi đã gần đất xa trời. Dẫu biết rằng khó có thể đổi thay được tuổi đời nhưng tôi vẫn cứ mong bà sống mãi với chúng tôi. Cuộc đời bà đã quá nhiều mất mát: sinh được ba người con thì hai người là liệt sĩ, còn bố tôi thì cũng ốm đau mà mất, bà chỉ còn bốn đứa cháu. Nay chúng tôi sắp trưởng thành, sắp có thể bù đắp cho bà. Tôi vẫn hay nói với bà rằng: bà phải sống cho đến lúc con học đại học xong, lấy chồng đã rồi mới được đi. Bà không được chết sớm đâu nhé! Bà lại cười móm mém, phô cả những cái răng đen lô xô còn sót lại: Ừ, bà sẽ cố đợi...
BÀI LÀM 2
Ông bà ngoại và mảnh vườn thời thơ ấu
Này nhé, những vú sữa, thanh trà, mận, lê-ki-ma, ổi, khế ngọt, khế chua, mía mật, dâu tằm tầng tầng lá xanh ôm lấy tầm mắt thơ ngây của tôi. Rau dền, rau má, rau sam, me chua, càng cua, bầu bí, mướp hương mọc xúm xít trong vườn để bà nấu những nồi canh tôm ngọt mát vào những ngày hè hực nóng. Sáng sáng thức dậy, tôi đi vòng quanh vườn trong nắng mới và sương sớm, hái một tô đầy nhóc những bông nhài trắng để ông ướp trà pha mời bà uống. Thỉnh thoảng bà sai tôi kiếm một mớ nào sả đinh hương, mã đề, ngải cứu để nấu một nồi nước cho ông xông...
Chiều chiều, tôi cắp một cái rổ đi hái đầy rau tập tàng về cho bà nấu canh chiều. Tôi thích nhất là me chua, lá me chua có ba cánh xoè ra như con bài bích xanh nõn nà, hoa me chua màu tím mượt man mác, tôi đặt tên là “bằng lăng xíu”. Me chua thường mọc thành đám lớn, có khi tôi đứng ngẩn ngơ nhìn một tấm thảm me chua xanh mướt lấm tấm những đốm tím nhẹ như vừa đậu xuống. Bà tôi thích rau càng cua nhất, bởi gỏi rau càng cua là món sở trường của bà, giòn giòn, hăng hăng, ăn chua chua ngọt ngọt mà ông vẫn thường khen là “ngon hơn bếp trưởng khách sạn Hương Giang nấu”.
Mùa dâu tằm, tôi cùng ông xách cái khoèo có bọc một túi nhỏ ở đầu như cái vợt ra vườn hái dâu cho bà ngâm rượu. Những quả dâu tằm khi xanh có màu vàng ngả đỏ vị chua loét.
Có lẽ ông bà ngoại vẫn nghĩ rằng, những gì ông bà cho tôi chỉ là trái cây, những món ăn lặt vặt trong vườn, chiếc ghế dụ bằng dây thừng và mảnh gỗ ... Nhưng thực ra còn nhiều hơn thế, đó là cả một vườn thơ ấu, một khoảng trời yêu thương dường như dành cho riêng tôi. Và tôi lớn lên đầy hạnh phúc với những ký ức trong trẻo. Có ai trong đời không có lúc gặp những chuyện buồn, vậy mà với tôi chỉ cần gặp một bông me chua màu tím là tôi lại cười ngay.
BÀI LÀM 3
Nhi hết đi ra lại đi vào, cứ chốc chốc nó hỏi chị Nga:
- Mẹ đi chợ lâu chưa chị?
- Lâu, nhưng sắp về rồi! - Nga trả lời.
Nga ngạc nhiên vô cùng, vì hằng ngày mẹ đi chợ, Nhi có thăm hỏi bao giờ đâu, hôm nay lại... Nga buột miệng:
- Chờ mẹ chi vậy? Nhi vờ như không nghe, nhưng sau đó lại trả lời:
- Mẹ sẽ mua quà! -
Ai bảo em như vậy? – Nga trố mắt.
- Mẹ.
Nga lẳng lặng bước xuống nhà sau vì nó hiểu rằng con nhà nghèo quá nhiều lắm cũng chỉ là một cục kẹo hoặc chiếc bánh. Nhi thích có quà lắm, nó chạy ra ngõ và ngồi bệt xuống tảng đá. Lâu lâu, nó lại ngước mặt lên trông ngóng, rồi lại cúi mặt xuống thất vọng.
Nga đứng trong nhà gọi ra:
- Nhi ơi! Không có quà đâu! Vào nhà đi em!
Nhi bước vào nhà nhưng mắt luôn dán vào nơi xa tít của con đường...
Tối.
Ở vùng quê, mọi người hay ngủ sớm. Nhi đã ngủ, chỉ còn một mình Nga hiu quạnh ngồi đợi mẹ về. Khoảng bảy giờ mà bầu trời tối đen kịt không một ánh sao, một ngọn gió, cứ như gần mười một giờ đêm. Mọi vật đang ngủ yên bỗng bị đánh thức bởi tiếng xe cót két của mẹ Nga.
- Mẹ về rồi, Nhi ơi! – Nga gọi khẽ bên tai nó. Mắt nhắm, mắt mở, Nhi ngồi dậy hỏi:
- Mẹ đâu?
- Ra sau rửa mặt rồi lên liền!
Nga gài cửa, lom khom định tắt đèn đi ngủ, mẹ cản lại.
- Khoan đã Nga!
- Chi vậy mẹ? – Nga hỏi lại.
- Để mẹ soạn quà cho hai đứa.
- Ôi, sáng hãy tính, mẹ ơi. - Nga nhăn nhó.
- Không được, mẹ biết các con đang nôn nóng.
Vừa nói, mẹ Nhi mang hai chiếc kẹp hoa từ trong giỏ ra. Hai chiếc kẹp đẹp lắm! Hai chị em nó không bao giờ nghĩ sẽ có chiếc kẹp hoa lấp lánh trên đầu như chúng bạn được. Nhìn con mình có kẹp mới, vui vẻ đến lớp với bạn bè, mẹ nở nụ cười hiền từ. Vâng, đó là niềm vui nho nhỏ của một người mẹ nghèo thương con, sớm hôm lam lũ.