Mùa này, người làng tôi gọi là mùa nước ngập, không gọi nước lũ vì nước lên một cách hiền hoà chứ không dữ dội như những nơi khác. Mỗi ngày mỗi dâng lên, dòng nước đổ một chiều, cuồn cuộn đầy bờ. Cũng là những ngày mưa, mưa dầm dề. Lại có một cơn mưa dai dẳng mù mịt, sướt mướt, ngày này qua ngày khác gọi là những ngày “Ông tha mà bà không tha”. Mưa thối đất giây bùn lên các mặt đường, đi phải bấm hai ngón chân xuống đất. Cái mùa của ếch nhái rộ lên lúc về đêm. Rồi đến rằm tháng bảy “Rằm tháng bảy nước chảy lên bờ”, dòng sông Cửu Long đã no đầy, lại tràn qua bờ, chạy qua các sàn nhà, tràn qua cả mặt con đường đá. Nước trong ao hồ, nước trong đồng ruộng của mùa mưa hoà lẫn với nước của dòng sông Cửu Long. Đồng ruộng, vườn tược và cây cỏ như biết giữ lại hạt phù sa quanh mình, nước lại trong dần. Ngồi trên nhà ta thấy những đàn cá ròng ròng, từng đàn, từng đàn theo cá mẹ xuôi theo nước vào tận đồng.
Không phải ai cũng làm nổi nhà. Có những nhà nghèo không đủ gỗ phải đào mương, đào ao lấy đất đắp nền. Nền phải cao, thật cao cho nước đừng tràn về. Nhưng cũng có nhà không đủ đất đắp một cái nền quá mặt nước. Nước lên, nước tràn qua nền nhà. Lúc nước còn thấp, người ta lấy gạch đặt lên nhà, bước lên đó khỏi bị dơ, bị ướt chân. Ngủ một đêm, sáng dậy nước lại ngập lên khỏi các viên gạch ấy rồi. Ngồi trên giường thấy cả những con cá lòng tong, con cá he vàng đang nhởn nhơ trong nhà. Lại lấy ván, lấy tre làm cầu từ cửa trước vào đến tận bếp. Vui quá! Có cả một cây cầu lắt lẻo ngay dưới mái nhà.