Bài làm
Chúng ta từng biết đến và thật cảm động trước tình bạn của Trần Phồn và Từ Trĩ, của Bá Nha và Tử Kì, của Lưu Bình và Dương Lễ... Bây giờ đây là của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn thân thiết, cùng đậu cử nhân, làm quan và sống bên cạnh nhau. Họ là tri âm, tri kỉ. Khi Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn, tuy khoảng cách xa nhau nhưng tình bạn hai người vẫn nguyên vẹn như xưa. Mới đây thôi gặp bạn còn khỏe, mà bỗng dưng tin bạn mất ở bên tai, Nguyễn Khuyến nghe như là tiếng sét. Tiếng khóc bạn vỡ òa ra trong muôn vàn nhớ thương, luyến tiếc, xót đau. Bài thơ Khóc Dương Khuê cũng có từ ngày đó.
Chúng ta đã từng gặp một Nguyễn Khuyến mía đời, cười đời. Và giờ đây ta lại gặp một Nguyễn Khuyến khác, nặng nghĩa, nặng tình, âm thầm khóc cho đất nước, khóc cho nhân dân và khác bạn. Chúng ta cũng đã từng gặp trong thơ ca, tiếng khóc của Phạm Thải dành cho Trương Quỳnh Như, của Hồ Xuân Hương dành cho ông Phủ Vĩnh Tường, Tổng Cóc... Và giờ đây là của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê. Có gì khác chẳng giữa những tiếng khóc ấy?
Có thể nói rằng, tiếng khóc của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê là tiếng khóc của một người bạn già đối với một người bạn già, tiếng khóc của sự trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời. Cả Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đã gần độ tuổi “xưa nay hiếm”, cái chết đến với họ phải là lẽ thường tình chứ! Thế nhưng, đối với Nguyễn Khuyến đây là mất mát quá lớn, mất đi tri âm tri kỉ, mất đi người bạn của tuổi già. Tiếng khóc của ông không dữ dội, vật mình vẫy gió tuôn mưa mà thâm trầm sâu sắc, mà thắm thiết - rất Nguyễn Khuyến,
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Lời thân não nề ấy góp phần thể hiện cho một tâm trạng đang rất bàng hoàng, ngạc nhiên, sững sờ trước sự thật vô cùng đau xót. Nỗi đau gặm nhấm hồn người và dường như lan tỏa khắp không gian, vũ trụ. Tiếng thơ như tiếng nấc nghẹn ngào không thể phát ra thành tiếng. Với tác giả, cải tin bạn mất quá đột ngột và phi lí:
Làm sao bác vội về ngay
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời.
Nguyễn Khuyến cảm thấy như mất đi một phần cơ thể, hoang mang và sửng sốt. Không thể thế được! Bởi mới đây thôi nhà thơ đang còn gặp bạn, mừng vì thấy bạn còn khỏe hơn mình. Vậy làm sao có thể như thế được, nhà thơ không muốn tin vào tai mình nữa. Quả bất ngờ và đau xót, ông thầm trách bạn:
Ai chẳng biết chán đời là phải
Vội vàng chi đã mải lên tiên.
Lời trách ấy như càng xoáy sâu vào vết thương lòng khiến nó nhức nhối hơn, mất mát dường như nặng nề hơn. Những từ ngữ làm sao, vội vàng chi vang lên khiến cho tiếng khóc bạn da diết hơn, day dứt, ám ảnh tâm hồn nhà thơ.
Chới với trước thực tại đau lòng, ông tìm về với dĩ vãng của một thời xa xôi. Tiếng khóc bạn càng sâu sắc hơn khi hàng chuỗi sự kiện trở thành lời kể về những ngày tháng cùng hàn huyên, vui buồn có nhau làm xua tan đi bầu không khí ảm đạm, thê lương của thực tại. Nhà thơ tìm về quá khứ làm tìm về với kỉ niệm, để thấy hình bóng của bạn trong ngày cùng đăng khoa, sớm hôm tôi bác cùng nhau. Nhà thơ đã dành hai mươi câu thơ cho hồi ức quá khứ, để sống với quá khứ. Các từ ngữ lại cũng, cùng, có khi... đã minh chứng và thể hiện cho tình bạn gắn bó sâu sắc, sự tri âm giữa hai người:
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
...Có khi từng gác cheo leo
Thú vui Con hát lụa chiều cảm xoang
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp
...Có khi bàn soạn câu văn
...Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn.
Quá khứ êm đẹp ấy giờ đã xa rồi. Sự thật vẫn là sự thật. Sự đối lập của không gian và thời gian đã nói lên sự mất mát không gì bù đắp nổi. Trở lại với mảnh đất thực tại, tâm hồn nhà thơ ngay lập tức đụng chạm vào vết thương lòng đang rỉ máu, ông không sao có thể chấp nhận được. Tất cả với ông giờ đây đã trở thành vô nghĩa:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo chưa viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Trước đây, hai chúng ta đã từng cùng nhau uống rượu, ngâm thơ. Giờ đây, khi bạn đã mất, những việc làm trở thành phù phiếm, vô nghĩa. Bạn đâu nữa, trị âm còn đâu nữa, rượu mua về ai uống với mình, thợ làm ra ai hiểu? Năm từ không trong hai câu thơ như để nhấn mạnh cái đó, đó là sự cô đơn, đó là nỗi mất mát đau thương. Từ ai vang lên sao mà day dứt, thương tâm quá! Nỗi đau xót đã lên đến đỉnh điểm! Nguyễn Khuyến đã vô tình bạn của mình giống Trần Phồn và Từ Trĩ, Bá Nha và Tử Kì. Trần Phồn dành cho bạn một cái giường để bạn ngồi, khi bạn về thì treo giường lên. Còn Bá Nha thì cho rằng chỉ có Tử Kì hiểu được tiếng đàn của mình, khi Tử Kì mất, Bá Nha đập vỡ cây đàn và không chơi nữa. Và với Nguyễn Khuyến, Dương Khuê mất đi ông cũng không muốn uống rượu nữa, không muốn làm thơ nữa. Tất cả đều vô nghĩa khi tri âm không còn. Trạng thái ngẩn ngơ đã chuyển sang thống thiết.
Bác chằng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.
Các câu thơ của Nguyễn Khuyến không có nước mắt nhưng lại đầm đìa nước mắt:
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chúa chan.
Hai câu kết tưởng như vô tình mà thực ra chứa chất nỗi đau rất đỗi chân thành, nỗi đau như lặn vào bên trong. Cần gì phải khóc mới là chân thành? Nước mắt chảy vào trong mới là đau xót, nỗi đau âm ỉ và dai dẳng. Tiếng khóc này như một lời thanh minh, một lời ngậm ngùi của một thân phận cô đơn. Và có thể đây là lời thầm trách bạn sớm ra đi để lại thân già cô đơn, hiu quạnh.
Kết cấu trùng điệp của bài thơ, đặc biệt ở phần cuối bài đã giúp cho việc biểu đạt cảm xúc dạt dào, thắm thiết của tác giả, đồng thời biểu đạt được tiếng khóc nức nở của lời khóc bạn. Cả bài thơ là tiếng khóc buồn đau viếng bạn, là tiếng nấc nghẹn ngào trước một nỗi đau vô hạn. Tiếng khóc của Nguyễn Khuyến trong Khóc Dương Khuê sẽ còn ngân vang mãi mãi. Tiếng khóc ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho tình bạn chân thành, gắn bó, tri âm của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.