Bài làm

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Bài thơ Chạy Tây là một vì sao sáng như thế.

Nguyễn Đình Chiểu làm thơ Đường luật không nhiều và không thuộc loại tài tử như Nguyễn Du, Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... nhưng giọng thơ Đồ Chiều vẫn để lại một ấn tượng khó quên cho người đọc. Sức lôi cuốn ở những bài thơ ấy không chỉ ở sự khám phá tinh tế của một bản năng nghệ sĩ, những phát hiện độc đáo của nghệ thuật ngôn từ, mà lại ở chính những cảm xúc tràn đầy từ cõi âm tỏa sáng của một nhà thơ - chiến sĩ.

Năm 1859, thực dân Pháp bất ngờ quay mũi súng xâm lược Sài Gòn - Gia Định. Cả một vùng sông nước quê hương cụ Đồ Chiểu bỗng mịt mù khói lửa. Lúc bấy giờ, nhà thơ đang dạy học ở quê nhà đã phải cùng gia đình đi di tản. Vùng quê trước đây vốn đang chịu cảnh khốn khổ của phu phen, tạp dịch, giờ lại tiếp tục gánh chịu nỗi khổ hơn bao giờ hết của cảnh chạy giặc Tây. Càng thấu hiểu tình cảnh của những người dân vô tội ông càng hiểu sự khốn đốn vì cảnh chạy Tây.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ ghi nhận một hiện thực đầy xót xa:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

Một bàn có thể phút sa tay!

Đó là hiện thực của một thời mà triều đại, nhanh chóng bất lực, bó tay, chắp gối ngồi nhìn quân xâm lược giày xéo lên ngọn rau, tấc đất của tổ tiên, ông bà! Đâu đâu cũng thấy tang tóc, đau thương, cũng đầy máu và nước mắt của người dân vô tội. Nguyễn Đình Chiểu đã rất khéo khi chọn giờ khắc chợ tan để bắt đầu tái hiện cảnh chạy giặc, để nghe tiếng súng Tây. Chợ là biểu tượng của cuộc sống bình yên, của sự no ấm ở làng quê Việt Nam vốn bình lặng, yên ả. Chợ vẫn họp có nghĩa là yên bình và nhịp sống vẫn diễn ra. Tan chợ là thời khắc để người ta trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Vậy mà phút tan chợ ấy bỗng náo loạn vì tiếng súng Tây. Và cũng trong phút chốc ấy, Cơ đồ đất nước đã nghiêng ngả đến không ngờ.Thời cuộc lúc này nào khác một bàn cờ? Vậy mà ở đây lại là bàn cờ thế, nghĩa là thằng hay bại cần một bước đi, một phút sa tay thật khắc nghiệt, cay đắng! Hai câu thơ ngắn gọn nhưng hàm chứa một lượng thông tin lớn, chứa đựng bao nỗi niêm.

Những câu thơ tiếp theo là cảnh chạy giặc:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Nhà thơ rất tinh tế khi chọn hai đối tượng lũ trẻ, đàn chim nhằm miêu tả cảnh chạy loạn của nhân dân khi giặc đến. Lũ trẻ - bỏ nhà, đàn chim - mất ổ. Những sinh linh bé nhỏ, yếu ớt, đáng được che chở, ôm ấp, nâng niu bỗng chốc đã bị đẩy một cách bạo tàn vào giữa cuộc chiến khốc liệt. Những đứa trẻ non nớt lẽ ra phải trở về với mái ấm của gia đình, mẹ cha, vậy mà chúng như bầy chim non dáo dác bay, lơ xơ hoảng loạn giữa bầu trời khói lửa... Chỉ cần hai từ láy lơ xơ, dáo dác cũng đã thể hiện được nỗi kinh hoàng trước một biến Cố bất ngờ chợt đến, sự tan tác, chia lia không tránh khỏi những cảnh ngộ thương tâm, đau xót đang diễn ra trước mắt. Hình ảnh cô đọng nhưng mang giá trị gợi tả thật cao. Từ ngữ tự nhiên, mộc mạc mà độ chính xác thẩm mĩ thật tuyệt đỉnh. Nhà thơ khiếm thị ấy đã cảm nhận những nỗi đau của cuộc đời không phải bằng đôi mắt mà bằng cả trái tim đầy ắp yêu thương của mình.

Từ những đối tượng bé nhỏ, thân quen bên cạnh mình, nhà thơ khái quát cả không gian, thời gian:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngôi nhuốm màu mây.

Còn đâu Bến Nghé, Đồng Nai trù phú vào bậc nhất nước Nam. Chỉ thấy khói lửa ngút trời mây, của cải bao đời tích cóp, chớp mắt đã thành bọt nước, nhuốm màu tang thương chỉ vì gót giày xâm lược. Ai ai cũng thật xót xa, đau lòng! Bởi vậy, một tấm lòng yêu nước, thương dân như cụ Đồ Chiểu ôm Xót xa đau đớn gấp ngàn lần. Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi:

Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Câu hỏi dành cho ai? Cho những người yêu nước Việt Nam chăng? Thế nhưng họ ở đâu, hỡi trang dẹp loạn? Khắp Nam Bộ đâu đâu cũng nổi lên những hành động chống lại kẻ thù, họ đâu chịu khoanh tay ngồi nhìn quê hương thân yêu rơi vào tay kẻ cướp nước. Vậy thì câu hỏi ấy nhà thơ nhằm vào đối tượng khác, đó chính là quan quân triều đình nhà Nguyễn, những kẻ đã khiếp sợ ngay từ tiếng súng đầu tiên của thực dân để rồi nhanh chóng hoặc quy hàng hoặc câu hòa. Giờ đây, khi nhân dân cần sự ra tay của họ thì họ vắng bóng. Đó là một sự mỉa mai, cay đắng... nhưng ẩn đằng sau đó là cả một sự thất vọng, nghi ngờ, oán trách. Một người đã suốt một đời nguyện lây trung hiêu làm đầu, lẽ nào không thất vọng, không hòai nghi trước điều đó?

Một bài thơ nhỏ nhưng đã khái quát được cả một sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, đó là buổi đầu bị quân thù xâm lược. Đồng thời cho ta thấy được tấm lòng yêu nước thiết tha của một nhà thơ - chiến sĩ đã từng quan niệm:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.