Bài làm
Tình yêu - một thứ tình cảm rất xưa mà không bao giờ cũ trong cuộc sống con người. Đến với văn học, tình yêu đã trở thành một nguồn mạch bí ẩn để các nhà thơ khơi mãi không ngừng. Xuân Diệu đã từng nói về tình cảm này như một quy luật không thể thiếu:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào.
Đây là tình cảm bản năng, thường xuyên và phổ biến ở mọi thế hệ, mọi dân tộc. Tìm hiểu thi ca Nga ta gặp Puskin viết về đề tài này qua bài Tôi yêu em như một lời bộc bạch tình yêu chân thành đằm thắm của người đã từng trải:
Tôi yêu em đến nay chúng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.
Nhưng không để em bận lòng hơn nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em chân thành đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
Bài thơ được sắp xếp mạch 8 dòng, gồm hai đoạn, mỗi đoạn được bắt đầu bằng cụm từ Tôi yêu em như muốn khẳng định tình cảm chân thành đằm thắm, và làm cho ý thơ dâng trào ngày càng mãnh liệt. Với bài thơ này tình yêu hiện lên muôn màu, nhiều cung bậc, giúp ta cảm nhận được tình cảm của chàng trai thật thiêng liêng cao cả. Ngay từ đầu nhan đề bài thơ Tôi yêu em - chỉ với ba từ, nhưng đã ngân lên như một câu nói thổ lộ tình yêu trực tiếp, không ý tứ, không mượn cớ hay nói bóng gió gì. Giữa tôi và em được nối với nhau bằng từ Yêu biểu lộ tình cảm gắn kết thân mật. Nhìn tổng thể cấu trúc bài thơ ta thấy đoạn đầu và đoạn sau của bài thơ được sắp xếp theo kết cấu đặc biệt: Tình cảm giãi bày ở đoạn đầu được lấy lại và nâng lên cung bậc cao hơn ở đoạn sau: Dòng thơ 5:
Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen
Đã cụ thể hóa và nhấn mạnh lời khẳng định của nhân vật trữ tình ở dòng thơ 1,2
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.
Đó là lời khẳng định về một thứ tình cảm thành thật, sâu sắc, nhiều cảm xúc, những lời giải bày ở lời thơ sau như chứng minh cho ý thơ được góp phần khẳng định tình yêu chân thành. Cũng theo mạch kết cấu đặc biệt - tình cảm đoạn đầu được lấy lại ở đoạn sau và nâng cao hơn thì ở dòng thứ tư:
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.
Là ý định ngừng lại của chàng trai. và đến dòng thơ 8:
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Lại cao hơn - bộc lộ ý định như muốn dứt khoát hơn của chàng trai trong việc chấm dứt mối quan hệ. Theo cấu trúc đặc biệt như trên, mạch cảm xúc tình yêu diễn biến đa chiều - tình yêu được cụ thể hơn, cụ thể hóa rõ hơn và nhấn mạnh thêm. Cung bậc tình yêu biểu hiện ở nhiều cấp độ: luôn rạo rực, cháy bỏng và thường trực... Tình yêu đã được cụ thể hóa:
Tôi yêu em đến nay chúng có thể
Tình yêu đã được tính một thời gian, không phải mới bắt đầu nữa mà như chín muồi, lâu dài. Cụm từ đến nay chúng có thể chứng tỏ tình yêu đã đến độ chín, lượng từ chừng khẳng định tình cảm của tôi dành cho em thật mãnh liệt, khó có thể cân đo đong đếm được nhưng vẫn biết được độ lớn của nó qua cách nói chừng có thể và cách trừu tượng hoa tình yêu:
Ngọn lửa tình chưa hắn đã tàn phai.
Đó là lời khẳng định tình yêu cháy bỏng, nồng nhiệt và thắm thiết. Không phải là mối tình chớm nở nữa, mà là tình yêu đã qua thời gian nuôi dưỡng. Do vậy, dù em có hờ hững hay thờ ơ thì tôi vẫn nặng lòng yêu thương - cụm từ chưa hẳn đã tàn phai khẳng định tình cảm vẫn còn, đang còn nhen nhóm và sẽ rực cháy ở một lúc nào đó.
Qua kết cấu của bài thơ, trật tự logic của cách giãi bày như thông báo việc rút lui, chối bỏ say mê, dập tắt ngọn lửa tình. Nhưng sâu thẳm bên trong thì ngọn lửa vẫn cuộn chảy qua điệp khúc Tôi yêu em. Tuy tình cảm vẫn còn mặn nồng, cháy bỏng, nhưng tôi không muốn em phải băn khoăn, suy nghĩ hay u sấu, buồn bã. Đó là sự độ lượng trong tình yêu, sự mong mỏi cho người con gái mình yêu được thanh thản, hồn nhiên. Lí trí là vậy, là muốn chối bỏ, rút lui. Thế nhưng tình cảm lại cứ muốn:
Tôi yêu em chân thành đằm thắm.
Quả thực đây là sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, bộc lộ nỗi day dứt, trăn trở, đấu tranh tâm trạng. Tuy muốn rút lui, mà lòng vẫn: Lúc rụt rè khi hậm hục lòng ghen. Nếu tình cảm đã không còn nồng nàn, cháy bỏng thì làm sao có thể hậm hực lòng ghen. Bởi theo quy luật của tình yêu, yêu thì mới có lòng ghen tuông nghi ngờ. Chàng trai chắc hẳn vẫn còn rất tha thiết tình cảm với em, nên mới hậm hực mỗi khi nghi ngờ em hững hờ có một mối tình khác. Quả thật cung bậc của tình cảm đã khác nhau và đan xen lẫn lộn “Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen” kiểu như Xuân Quỳnh:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sắc thái tình yêu được giãi bày một cách thành thật, không che giấu những phút giây là người ích kỉ: giận hờn, ghen tuông. Tình yêu thành thật đến vậy chứng tỏ chàng trai đã dồn hết cả lí trí và tình cảm về em. Do vậy, anh không tin đây là mối tình không hi vọng, bởi tình anh dành cho em chân thành đến thể lẽ nào lại không được đáp đền. Mãnh lực tình yêu đã không giảm đi mà tăng lên, ngọn lửa tình không tàn phai mà ngùn ngụt cháy:
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
Tình yêu mang ý nghĩa nhân ái, độ lượng, cao cả - dù không được người yêu, nhưng vẫn mong người ấy hạnh phúc. Đó là biểu hiện sự khiêm nhường, tế nhị, tha thiết, mãnh liệt. Với câu thơ này, đặc biệt là cầu cho đã đưa tình yêu lên ngôi, một tình yêu cao thượng, trong sáng, nó đã vượt qua thỏi ích kỉ. Vì thường thì: yêu nên tốt, ghét nên xấu khi chia tay thì lập tức đổi giọng, thóa mạ, bêu xấu nhau... Nhưng nhân vật trữ tình vẫn biểu hiện thái độ cao thượng và trân trọng người tình. Puskin cũng đã từng thể hiện sự trong sáng, cao thượng, vĩ đại... đối với người mình đang yêu nhưng đành chổi bỏ:
Chân thành chúc cô có cuộc đời hạnh phúc
Hồn tươi vui, thoải mái vô tư
Tất cả - cả hạnh phúc của người cô chọn.
Người sẽ gọi cô là vợ của mình
(Gửi K... 1832)
Đọc kĩ câu thơ cuối thì ẩn sâu trong nó mang ý vị mỉa mai. Nếu không có một siêu nhiên thì liệu cô gái có gặp được một yêu khác giống thế không? Rõ ràng để có một tình yêu khác như anh đã yêu em thì phải có siêu nhiên can thiệp.
Từ cầu như một lời cầu nguyện, ước muốn cho người mình yêu được người tình như tôi đã yêu em, mong cho người mình yêu được hạnh phúc như tôi đã yêu em - tức là anh đã tuyệt lắm rồi. Lời cầu chúc là một vế so sánh, trong đó cái được so sánh là người tình, cái để so sánh là tôi đã yêu em và từ so sánh như nối hai vế với nhau. Thông thường cái để so sánh phải là cái chuẩn mực, tuyệt vời. Như vậy, tình yêu của anh là tuyệt vời, toàn vẹn lắm rồi. Nó quá cao thượng, trong sáng. Do vậy, tình yêu đó là chuẩn mực, là đáng trọng. Câu cuối là lời chúc, và cũng là lời nhắn nhủ: Em hãy sáng suốt lựa chọn, phân biệt thật - giả, lựa chọn cho đúng người yêu với tình yêu chân thành đằm thắm. Câu thơ một lần nữa muốn vun đắp cho tình yêu.
Sắc thái tinh yêu qua lời thơ đầy mãnh liệt, nồng nàn. Xuân Diệu đã từng thổ lộ tình yêu của mình da diết nhưng có lẽ so với Puskin vẫn còn nhẹ nhàng:
Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ
Nếu yêu em mà chỉ để trong lòng
Không tỏ bày yêu mến cũng là không
Và sắc đẹp chỉ làm bằng cẩm thạch
Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích.
Em biết không? Anh tìm kiếm em hoài.
Khác Xuân Diệu, Puskin bộc lộ tình yêu trong bài thơ thành thực, vừa đằm thắm, vừa rụt rè. Cách xưng hô tôi - em chứ không phải là anh - em hoặc tôi - cô... khiến ta không biết, không hiểu gì về tình cảm của em hết. Mà chỉ biết được lời giải bày tình cảm của tôi. Cách xưng hô: tôi - em vừa trân trọng, vừa khẳng định, ta phần nào hiểu được tình cảm của em. Lặng im lắng nghe, e dè, ngượng ngùng và có ý gì xúc động không thốt ra. Tôi - em vừa gân, vừa xa, vừa đằm thắm, vừa dang dở... không ép buộc.
Bài thơ là lời giãi bày chân thành, mãnh liệt của tình cảm, không dùng lối vỉ von bóng gió kiểu Hôm qua tát nước đầu đình của ca dao, hoặc dùng điển tích. Lời thơ giản dị, lời ít ý nhiều bộc lộ thẳng trực tiếp đầy say đắm dồn dập. Có thể nói Tôi yêu em là một bức thư tình - một thông điệp nghệ thuật mà nhân vật trữ tình là người gửi - với cách tỏ tình thành thực, cao thượng, rất đúng với trái tim của những người đang yêu. Do vậy, bài thơ đầy sức thuyết phục và là bài thơ tình của bao thế hệ trẻ khi đến với tình yêu.