Bài làm

Mặc dù kí sự là một thể tài mới xuất hiện ở thế kỉ XVIII nhưng Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác có thể nói đã thành công. Vậy tác phẩm kí sự lên kinh ấy đạt đến những tiêu chí nào của sự ghi chép? Trước hết, về mặt kết cấu, tác giả thể hiện trọn vẹn một chuyến đi trong cuộc đời không phải là không từng trải của mình dưới hình thức kể lại những điều tai nghe mắt thấy. Về phương diện này, tác phẩm đã dựa hắn vào trình tự thời gian. Về nhân vật, người viết đã sử dụng hình thức người kể chuyện làm trung tâm để liên kết các sự kiện, từ đó bộc lộ những quan sát, những ấn tượng của kẻ đi “một ngày đàng” giữa chốn kinh đô. Nếu phân loại một cách khoa học thì Thượng kinh kí sự mang tính tư liệu hơn là mang tính chính luận. Tuy vậy, ngoài việc ghi chép, hay đồng thời còn là một điểm nhìn xuyên suốt. Điểm nhìn ấy ở đây phù hợp với đạo lí, với cái nhìn dân chủ của nhân dân. Bởi vậy, tác phẩm một mặt là bức tranh cụ thể và sống động nơi phủ chúa chốn kinh đô vừa biểu đạt một trạng thái tinh thần ngưng động của một thời vua Lê - chúa Trịnh. Với giá trị này mà Thượng kinh kí sự chẳng những là một viên gạch đặt nền móng đầu tiên cho thể kí mà còn là một trong những tác phẩm ưu tú của nền văn học trung đại Việt Nam.

Cách nhìn ngạc nhiên về cảnh cao sang quyền quý Về khía cạnh cao sang, quyền quý, đúng như câu thơ mà Lê Hữu Trác đã ứng tác ngay từ lúc đầu:

Lính nghìn cửa vác đồng nghiêm ngặt

Cả trời Nam sang nhất là đây!

“Sang” ở đây là xa hoa, quyền quý. Sự trang trọng ấy tuy đã nghe nói, nhưng khi được “mục sở thị” vẫn làm cho người kể không khỏi giật mình “Bước chân đến đây mới thấy cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường”. Một con quan như ông, một kẻ vốn “sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cẩm thành mình cũng đã từng biết thế mà như ông đã tự nhận mình chỉ là “kẻ ở nơi quê mùa”: “Quê mùa, cung cấm chưa quen - Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào!”.

Có thể nói tất cả cả cái thế giới sang trọng và quyền uy đều được cực tả với những ấn tượng khác thường. Ở đây cái gì cũng là cái chưa từng thấy. Trên cái nền quyền quý cao sang nhưng mỗi nấc thang một khác. Ngay khi đi lối cửa sau vào phủ, bậc danh y bằng những câu văn biền ngẫu đã tái hiện một cảnh trí hài hòa như có một bàn tay vô hình của hóa công sắp đặt: “Đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”. Một cái điếm Hậu mã, nơi nghỉ của quan Chánh đường cũng thật là “kiểu cách”, không chỉ bởi hệ thống cột và bao lơn mà chính là cái hồ “có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kì lạ”. Nói gì đến những công trình kiến trúc nguy nga. Một cái nhà kho chứa đồ nghi trượng giống như một thử bảo tàng với kiệu, sập, võng điều, bàn ghế,... Tuy chỉ là đồ đạc bình thường nhưng là “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy”. Nhưng cảm giác ngạc nhiên thật sự của Lê Hữu Trác chỉ xuất hiện khi bước chân vào nội phủ. Trong một không gian bưng bít tối om, không có cửa ngõ, bậc danh y theo gót quan Chánh Đông cung thể tử. Giữa ban ngày mà đèn sáp sáng choang “làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ” (thể tử). Chỉ một bữa ăn bất đắc dĩ do quan Chánh đường thiết đãi, những kẻ “quê mùa” lần đầu tiên mới có diễm phúc biết thế nào là “cái phong vị của nhà đại gia" với mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ. Kí sự như ta biết là thể văn ghi chép sự việc và câu chuyện mắt thấy, tai nghe. Nhưng không có nghĩa là “vô cảm”. Chỉ có điều cảm nhận ấy là kín đáo mà thôi. Thái độ khen chê, tự người đọc, người nghe giải mã.

Ý vị phê phán mỉa mai và cảm giác giật mình trước cảnh vinh hoa phú quý

1. Về ý vị phê phán mỉa mai, có thể thấy ở giọng điệu, một thứ giọng điệu thâm trầm trên nhiều khía cạnh

Thứ nhất, Trịnh Sâm tạo dựng cho mình cả một cơ đồ riêng, một triều đình riêng không tự biết kiềm chế chính là một sự lộng hành. Phủ Chúa mà lấn át cung vua thì cái chí thâu tóm giang sơn đã rõ. Đó là nguy cơ của xã hội phong kiến quan liêu, của chế độ tập quyền khi đạo lí cường thường rạn nứt. Hiểm họa do vậy không ở đâu xa mà đã ở trong tường vách. Tuy hầu như không bình luận một lời nào, chỉ một câu thơ “Cả trời Nam sang nhất là đây cũng đủ nói lên tất cả. “Sang nhất” là tót vời, “sang nhất là không gì sánh được! Ý thơ tưởng là khen mà hóa ra... là chê. Chê cái thói ngông cuống, cái tội khi quân của chúa Trịnh.

Thứ hai, Lê Hữu Trác vốn là người đức độ, gắn bó với nhân dân, lặn lội khắp nơi chữa bệnh cho mọi người, phú quý nơi phủ chúa ấy là gì nếu không phải là mồ hôi, nước mắt của trăm họ, muôn dân? Phải nói rằng trước lượng tâm của người danh y, nó chính là tội ác. Xa xi quả độ, kiêu căng quá độ như thể nghĩ gì đến dân, còn quan tâm gì đến những cảnh đời thật cơ lỡ vận..

Thứ ba, thế tử Trịnh Cản lúc mới sinh, chưa hẳn đã là “tiên thiên bất túc”. Những đứa trẻ tuy mới độ năm, sáu tuổi này đã sớm nhiễm căn bệnh quyền uy và đang tập dượt với quyền uy. Chỉ một lời khen “Ông này lạy khéo!”. Chứng tỏ thế tử đã quen được tâng bốc, được phỉnh nịnh khá nhiều. Trước một đứa trẻ con mà ai cũng phải cúi đầu, chắc kẻ nối ngôi sung sướng lắm. Có lẽ chỉ sợ ông già Hương Sơn không biết nhập gia tùy tục nên quan Chánh đường truyền lệnh cho ông phải lạy bốn lạy để bày tỏ lòng tôn kính của một kẻ thần dân. Những ngôi chùa tương lai ấy là một con bệnh thập tử nhất sinh với thần sắc ốm yếu lâu ngày “tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò” đến nỗi bảy tám vị lương y của sáu cung hai viện đành phải khoanh tay bất lực. Hai căn bệnh một tinh thần, một thể xác ấy đến một lúc nào đó sẽ không gì có thể cứu vãn nổi. Chẳng thế, khi cuộc phế lập thành công, Trịnh Tông treo giải đến trăm lạng vàng để chữa bệnh cho chủa nhỏ (Trịnh Cản) mà không ai dám nhận chữa.

2. Còn cảm giác giật mình trước cảnh vinh hoa phú quý của Lê Hữu Trác cùng một lúc với cảm giác bất an

Về chữa bệnh cho thể tử ở kinh đô với danh nghĩa là một danh y đức độ thì mối quan tâm của Lê Hữu Trác lẽ ra phải là con bệnh gần đất xa trời. Nhưng vì sao những trang viết “trữ tình ngoại đề” so với cảnh bắt mạch kê đơn lại không kém phần ấn tượng? Không phải những cảnh quyền quý, cao sang ở đây có gì hấp dẫn Lê Hữu Trác. Cái nguyên nhân sâu xa liên quan đến một cái gì đó hệ trọng hơn. Đó là sự xáo trộn về nền tảng tinh thần, sự tan rã của cương thường đạo lí. Đạo lí cao nhất của xã hội phong kiến là gì nếu không phải là đạo trung quân? Đó là đầu mối của mọi đầu mối (“Tam cương” gồm ba quan hệ: vua tôi, cha con, vợ chồng). Chia chưa phải là thiên tử, đế vương mà nghênh ngang như thế là có ý tiếm vị, lộng quyền. Người quân tử luôn phải biết sửa mình với phương châm “khắc kỉ phục lễ” thì cách sống xa hoa, vương giả của nhà chúa là trái với đạo tu thân. Bởi vậy, cảnh quyền cao chức trọng và tột bậc xa hoa ở đây đã làm tổn thương sâu sắc đến lẽ sống, đến lí tưởng của nhà nho Lê Hữu Trác. Hậu quả tác giả không nói ra, nhưng ngay như việc xem bệnh cho thế tử thì người đọc cũng hiểu. Bệnh của Trịnh Cán là một thứ bệnh do giàu sang và quyền lực gây ra: “...ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi”. Bởi thế đơn thuốc của bậc danh y, về quan điểm là trái ngược với các Thái y mà chính quan Chánh đường cũng thừa nhận: “Phương thuốc và lập luận của cụ khác chúng ta nhiều”. Điều quan trọng nhất theo danh y Lê Hữu Trác là giữ lấy cái thể chất bẩm sinh, cái “căn bản tiên thiên” theo nguyên tắc: “Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài sẽ tự nó tiêu tan, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất".

Tuy nhiên, biết được nguồn gốc của bệnh và đã có phương sách chữa bệnh khoa học vì sao người thầy thuốc ấy lại lưỡng lự phân vân không tận lực hết lòng? Quả là Lê Hữu Trác đứng trước một tình thể lưỡng nan. Lúc đầu, ông định chiêu bài “hòa hoãn” để không bị cái lợi, cái danh nó ràng buộc mình. Nhưng là một nhà nho, nhuần thấm đạo lí thánh hiền, không nối tiếp “lòng trung” của cha ông mình là lỗi đạo. Tờ khai dâng lên chính là kết quả cuối cùng của “lòng trung” ấy.

Tóm lại, nếu tính đa nghĩa là một tiêu chí trong việc phản ánh đời sống con người của một tác phẩm văn chương đích thực thì Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác xứng đáng là một tác phẩm văn chương.