Bài làm

Hồ Xuân Hương xuất hiện trong văn học Việt Nam ở thế kỉ XVIII như là một hiện tượng lạ. Cái lạ trong phong cách thơ của bà khác hẳn với hình thể trào lưu văn học lúc bấy giờ, mà hầu như không một nhà nghệ sĩ nào có được. Thơ Xuân Hương dí dỏm hài hước đến thô tục, song lại thâm thúy một cách lạ thường. Người đọc thường nói đến Hồ Xuân Hương với những chùm thơ viết về hình ảnh người phụ nữ đầy lênh đênh và sóng gió, với những trăn trở bế tắc về cuộc đời: tình duyên, hạnh phúc, lứa đôi... Cái hay mà Hồ Xuân Hương tạo ra chính là đã đem lại sự đồng cảm với những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Phải chăng chính cuộc đời ngang trái, dở dang của mình mà bà đã viết nên những vần thơ như quằn quại, than thở về thân phận của mình nói riêng và hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến điêu tàn nói chung?

Xưa nay trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không bao giờ được coi trọng, đôi khi bị khinh rẻ một cách đáng thương cho dù người phụ nữ đó có tài hay có sắc. Trong ca dao người ta đã nói khá rõ về điều này:

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt sa luống cày

Hay:

Thân em như giếng nước giữa làng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Dường như hình ảnh người phụ nữ bị chà đạp đã trở thành một vấn đề phổ biến trong xã hội cũ.

Hồ Xuân Hương cũng sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy đau thương và biến động, là lúc giai cấp phong kiến bộc lộ mặt phũ phàng với mọi thói hư và tật xấu trên đời, một xã hội ngột ngạt đã bóp méo hết mọi ước mơ và khát vọng dân chủ của con người. Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cùng với hiện thực của xã hội, những tư tưởng tiến bộ của thời đại đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào Xuân Hương - một con người luôn có ý thức về quyền sống nó đã giúp bà tung hoành ngòi bút với một hồn thơ hết sức độc đáo.

Thế nhưng cuộc đời của người phụ nữ tài sắc không bao giờ phẳng lặng, mà như Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Ngay từ nhỏ Xuân Hương đã được cha gửi đi học đến nơi đến chốn. Xuân Hương đi nhiều và biết nhiều, đi đến đâu bà cũng làm thơ lưu lại, bà còn dựng một gian nhà nhỏ ở gần Hồ Tây gọi là Cổ Nguyệt Đường để đón khách văn chương... song duyên phận của bà lại ngổn ngang trăm mối, như nước hai dòng. Qua một số truyền thuyết dân gian có kể rằng bà có mối tình với chàng Chiêu Hỗ, Nguyễn Du, Mai Sơn Phú, Tôn Phong Thị, Trần Phúc Hiến... Đó là những mối tình thấm đẫm nước mắt nó đã trang điểm cho những trang hồi kí trong cuộc đời của bà và qua thơ truyền tụng bà có hai bài thơ: Khóc tông Cóc, Khóc ông phủ Vĩnh Tường.

Có thể nói rằng chỉ qua một số điển tích về cuộc đời của Hồ Xuân Hương, độc giả dường như đã thấu hiểu được cuộc đời thực của bà. Chúng ta luôn ngưỡng mộ một nữ sĩ, một "bà chúa thơ Nôm", một nhà thơ độc đáo nhưng lại luôn xót thương cho thân phận của một người phụ nữ tài hoa bạc mệnh như Xuân Hương. Một người phụ nữ đã can đảm nói về quyền tự do, quyền sống, quyền khát khao hạnh phúc... Cuối cùng phải chịu trói tay bất lực trước rào cản của xã hội phong kiến, đời tự thì lâm vào bi kịch dang dở - chồng chết và còn phải làm vợ lẽ người ta:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.

(Làm lē)

Xuân Hương đến với văn học trước hết là để góp thêm một tiếng nói mới, muốn khẳng định một cái tôi bản ngã bộc bạch. Còn là tiếng nói của một phụ nữ và trăn trở về cuộc đời, lên tiếng bênh vực những thân phận mong manh nhỏ nhoi.

Suốt một chặng đường dài, Xuân Hương chỉ quấn quanh để đấu tranh với rào cản của xã hội khắc nghiệt, để tìm ra cho người phụ nữ một con đường đi, một tiếng nói về thân phận... Nhưng tất cả chỉ là ảo vọng, bà nhìn thấy con đường đi mà không bao giờ tới đích đó được, bà không thể nào tìm được một lối giải thoát nào khác bằng tiếng thơ thở dài bất lực:

Thân này vì biết đường này nhỉ

Thà trước thôi đành ở vậy xong

(Lấy chồng chung)

Khi nói đến Hồ Xuân Hương - một cuộc đời đã thấm đẫm nước mắt đau thương. Xuân Hương cũng giống như bao người đàn bà bình thường khác, cũng mơ ước cuộc sống hạnh phúc, sum vầy,... Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với bà, số phận nghiệt ngã cử dai dẳng đeo bám Xuân Hương trên đường đời. Xuân Hương than thân trách phận cũng không được, phẫn uất cũng không, hai lần lấy chồng nhưng là lấy lẽ, chứ không được làm nhiếp chính, bất hạnh thay đời chồng nào của bà cũng dở dang, chết yểu, bà đã làm thơ khóc chồng:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!

Thiếp bén duyên chàng chỉ thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dẫu bôi vôi.

(Khóc tổng Cóc)

Nỗi niềm tâm sự của Xuân Hương luôn ẩn chứa nhiều uẩn khuất, mỗi lời thơ, tứ thơ của bà là một lời chất chứa nội tâm vì đời tư, cuộc đời và duyên phận. Cảm thương với Xuân Hương là đồng cảm vì thân phận của một phụ nữ tài sắc, không hạnh phúc, không danh vọng có mơ ước nhưng tất cả chỉ là ước mơ của thực tại phũ phàng. Không phải ngẫu nhiên mà thơ Xuân Hương lại hay đến thế. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng: Cái hay trong thơ Xuân Hương là đã làm rõ về cuộc đời bảy nổi ba chìm của người phụ nữ khi xưa, hay nói một cách riêng đó là chính thức tiếng nói nữ quyền trong con người bà.

Nhận thức được mặt trái của xã hội, mắt thấy tai nghe hết những điều chướng tai gai mắt mà mãi mãi Xuân Hương chỉ nói được chứ không thể thay đổi được gì cuộc đời đó. Chúng ta yêu thơ bà, ngưỡng mộ thơ bà cũng là đồng cảm với nỗi niềm trong con người bà, nỗi niềm về thân phận của những người phụ nữ mà chính Xuân Hương cũng là nạn nhân.

Đến với thơ của Xuân Hương không chỉ là một tiếng nói chủ quyền thân phận, mà còn cả một tấm lòng trinh bạch của một trái tim phụ nữ đôn hậu. Bà quan niệm đã là phụ nữ phải tứ đức, tam tòng. Xuân Hương thường nói đến phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ. Trong xã hội cũ, người phụ nữ cho dù bị chà đạp, xô đẩy, đày đọa... Vậy mà gái chính chuyên cũng chỉ có một chồng. Trong bài Bánh trôi nước, bà đã nói:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Hay:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hội

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

(Mời trầu)

Cái đẹp trong thơ, trong phong cách của Xuân Hương là phẩm chất kì diệu của người phụ nữ: đẹp - chung thủy - tự quyền. Thơ của Xuân Hương là tiếng nói của trái tim thổn thức của người phụ nữ dạt dào. Tình yêu thương sâu lắng, tiếng nói đó đôi khi lại là vũ khí ngụy biện để than thân và thử lòng quân tử:

Thân em như quả mít trên

Da nó sần sùi múi nó dày

Quân tử có thương thì đóng cọc

Xin đừng mân mỏ nhựa ra tay.

(Quả mít)

Phải là một phụ nữ thông minh - tài sắc, có ngôn ngữ độc đáo, thì mới viết nên những vần thơ đa cung điệu như vậy. Nỗi khát khao, tình yêu mãnh liệt trong Xuân Hương được lan tỏa thành nhiều cung bậc. Phải ngưỡng mộ thơ Xuân Hương, đồng cảm được số phận cuộc đời bà, thì chúng ta mới hiểu được chữ tình trong thơ của Xuân Hương nó nặng đến mức như thế nào để cho ta bàn luận.

Chúng ta cảm thông với cuộc đời của Xuân Hương, đồng thời chúng ta luôn trân trọng nữ sĩ. Bà đã đem đến cho văn học nước nhà một tiếng nói mới về nữ quyền, một phong cách mới về ngôn ngữ, một quan niệm mới về con người. Song cũng luôn cảm thương với người phụ nữ bế tắc trong cuộc sống. Đó là tất cả những gì mà chúng ta đồng cảm với Xuân Hương.