Bài làm

Yêu nước vốn là di sản tinh thần của dân tộc qua nhiều thời đại và trở thành một trong hai nội dung lớn xuyên suốt văn học Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Các nhà văn nhà thơ có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước của mình. Một trong những cách đó là tái hiện hình ảnh những con người trung tâm của cuộc chiến. Nguyễn Đình Chiểu với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã vẽ bằng ngôn ngữ lại hình ảnh những “trang dẹp loạn” trong thời đại của nhà thơ hay nói đúng hơn là ông đã tạc bức tượng đài bằng thơ về người nghĩa binh nông dân cuối thế kỉ XIX.

Trong thơ văn yêu nước chống Pháp, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện rất nhiều hình ảnh người anh hùng vì nước, đồng thời qua đó thể hiện quan niệm của mình về người anh hùng. Họ là những sĩ phu như Trương Định vẫn nặng lòng trung quân nhưng vì đại nghĩa của dân tộc đã dám chống lại mệnh lệnh của ông vua hèn yếu, ở lại cùng nhân dân để chiến đấu, bảo vệ giang sơn gấm vóc của ông cha

“Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;

theo bụng dân phải chịu tiếng quân phù, gánh vác một vai khôn ngoại...”

(Văn tế Trương Định - 1864)

Họ là những người như Phan Tòng, trên đầu còn trắng vành tang khăn mẹ, vẫn dẹp tình riêng cầm quân đánh giặc để lại gương sáng nghìn thu:

Cơm áo đền bồi ơn đất nước

Râu mày giữ vẹn phận tôi con

Tinh thần hai chữ phai sương tuyết

Khí phách nghìn thu rõ núi non

(Thơ điếu Phan Tòng - 1868)

Bên cạnh người anh hùng có tên tuổi như Trương Định, Phan Tòng, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xây dựng một tượng đài sừng sững về người nông dân, những anh hùng không tên không tuổi. Viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu có cái nhìn đúng đắn về người anh hùng và quan niệm tích cực về lẽ sống và cái chết. Quan niệm tiến bộ, mới mẻ về người nông dân là những đóng góp nổi bật nhất của Nguyễn Đình Chiểu trong thơ văn yêu nước. Trong lịch sử nói chung, nhất là lịch sử chống xâm lược, nhân dân bao giờ cũng đóng một vai trò to lớn. Từ giai đoạn trước nhất là trong thơ văn Nguyễn Trãi, hình ảnh người dân đã xuất hiện: Nhân dân bốn cõi một nhà, dụng cần trúc ngọn cờ phấp phới (Bình Ngô đại cáo). Nhưng đến những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu (cuối thế kỉ XIX), hình tượng người nông dân trong văn học mới có sự tương xứng với vai trò lịch sử vốn có. Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên người nông dân xuất hiện như những người anh hùng với tất cả phẩm chất, cốt cách, tầm vóc tương xứng. “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Lúc đất nước bình yên họ lẫn giữa ruộng vườn, cây trái, lầm lũi nơi kênh rạch, ruộng đồng, bãi đước, bờ tre. Nhưng khi quân giặc đến cướp phá tấc đất ngọn rau, miếng cơm manh áo thì họ đã nhất tề đứng dậy, chiến đấu anh dũng, sẵn sàng đem máu xương để tô thắm lịch sử anh hùng của dân tộc. “Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động và não nùng cảm tình của dân tộc đối với những chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân xưa chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước” (Phạm Văn Đồng). Chỉ một manh áo vải, một cây gây tầm vông, một lưỡi dao phay, một bó rớm con cái, họ đã tự nguyện sung vào đội quân chiến đấu. Cho dù trang bị, kỹ thuật của họ hết sức thô sơ, còn “ võ nghệ nào đợi tập rèn... binh thư không hề bày bố..”. nhưng họ vẫn hiên ngang lẫm liệt: “Chi nhọc quan quản giống trồng kì trống giục, đạp rào lướt tới, liều mình như chẳng có”. Họ chính là những thân phận bị lãng quên nhưng đã đứng lên với trách nhiệm công dân, làm chủ vận nước, lấy tấm thân trần trụi chống chọi với sắt thép, quân thù. Ý thức tự giác, tinh thần vượt lên trên sức mạnh vốn có của người nông dân hộ đã đem ra để chống giặc giữ nước.

Trong tác phẩm này, quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu rất tiến bộ. Người anh hùng không chỉ là những sĩ phu, những con người kiệt xuất, có tên tuổi cụ thể mà theo ông người nông dân cũng trở thành anh hùng, thành tập thể anh hùng. Nguyễn Đình Chiểu đã đánh giá đúng vai trò của người nông dân, họ là thành phần cốt lõi trong cuộc chiến đấu đương thời khi mà vua quan nhà Nguyễn can tâm đầu hàng giặc. Vai trò ấy càng nổi bật hơn khi nó vừa kế thừa, phát huy truyền thống quật cường của dân tộc, lại có sự kết hợp và phát huy cái ngang tàng, hào hiệp của tính cách con người Nam Bộ. Nguyễn Đình Chiểu đã đặt niềm tin vào các nghĩa quân. Và ông tin họ xứng đáng là những anh hùng. Chính họ đã làm rạng ngời một lẽ sống cao đẹp của thời đại:

“Sống làm chi theo quan tà đạo, quăng vùa hươu, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn;

Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu định khải, về theo tổ phụ cũng vinh;

hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.

Và cái chết của người anh hùng vì nước là cái chết bất tử. Cái chết ấy có tác dụng bồi vào sự sống, nhân lên sức mạnh của sự sống:

“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh,

muôn kiếp nguyện được trả thù kia...”

Viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ để khóc những người đã bỏ mình vì nước mà còn có cái nhìn đúng đắn về người anh hùng. Sáng tác của Đồ Chiểu đã gợi lên cảm khái hào hùng trong niềm xót thương vô hạn của người đọc. Với Nguyễn Đình Chiểu, những con người bình dị, gần gũi, không tên tuổi cũng có thể trở thành anh hùng khi họ nặng tình với đất nước, dân tộc và sẵn sàng xả thân vì đất nước.

Có thể nói Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, là đỉnh điểm tư tưởng nghệ thuật trong văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Trong kho tàng văn tế Việt Nam xưa, nó xứng đáng được “trao giải nhất chi nhường cho ai?”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài Nguyễn Đình Chiểu - Ngôi sao sáng trong văn học của dân tộc từng đặt bài văn tế này ngang hàng Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi và cho rằng: là bài ca về người anh hùng thất thế nhưng mãi vẫn hiên ngang trước lịch sử.