Bài làm
Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao điều rất khó định nghĩa hoặc khó định nghĩa một cách chính xác và đầy đủ. Chẳng hạn, bạn sẽ trả lời thế nào nếu có câu hỏi: “Nghệ thuật là gì”? “Nghệ thuật là cái đẹp” - câu trả lời đúng nhưng không đủ. Nghệ thuật có khi là những đường nét man dại thô sơ trên những dụng cụ thời cổ đại. Có khi là cách tạo ra một nhân vật làm cho mọi người đều khiếp sợ. Vậy có nên chăng khi chúng ta chấp nhận quan điểm “nghệ thuật là tôi, khoa học là chúng ta”. Và cái tôi của nghệ thuật đó biểu hiện như thế nào? Có thể đó là cái tôi duy cảm, cũng có thể là cái tôi mang tính công dân, nhưng trước hết đó phải là cái tôi đầy cá tính mang sắc thái riêng. Trong văn học cũng thế, nói về tính độc đáo trong phong cách sáng tác có ý kiến cho rằng nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình. Ý kiến trên rất bao quát nhưng cũng đưa ra được một khía cạnh mà nghệ thuật đòi hỏi: phong cách. Trong văn đàn Việt Nam, nói về phong cách, có lẽ không ai có thể quên được Nam Cao và Nguyễn Tuân, hai tác giả văn xuôi cừ khôi.
Nhà vật lí học nổi tiếng thế giới Einstein từng nói: “Trước hết là các nghệ sĩ lớn, sau đó mới đến các nhà khoa học, họ xứng đáng được hưởng hơn ai hết sự kính trọng của con người”. Nhà nghệ sĩ chính là người sáng tạo ra nghệ thuật, sáng tạo “cái đẹp để cứu nhân loại”. Nghệ thuật là một khái niệm rất trừu tượng nhưng nhiệm vụ mà nghệ thuật phải hoàn thành thật to lớn. Bởi thế người ta đưa ra một ý kiến thật đúng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo”. Thật vậy, tác động vào tâm hồn con người không phải là chuyện dễ, để đột phá vào thế giới thật riêng tư, nhà văn cần dùng một phương tiện cũng phải rất riêng: phong cách độc đáo. Họa sĩ Ruskin đã cho rằng “Nghệ thuật đó là sự mô phỏng tự nhiên”. Tuy quan điểm đó không hoàn toàn đúng, nhưng theo ý trên ta được cùng là sự mô phỏng nên để tránh nhàm chán, người nghệ sĩ phải thêm vào tác phẩm sự sáng tạo để lại dấu ấn của riêng mình trên từng trang viết. Đấy chính là phong cách, đặc điểm quan trọng nhất để nhận ra nhà văn qua tác phẩm của họ.
Truyện ngắn cũng là một lĩnh vực khá lớn của văn học. Truyện ngắn Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ những tác phẩm của Tự Lực văn đoàn. Nhưng đến Nam Cao thì loại hình văn học này mới đạt được đỉnh cao của nó. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, văn đàn Việt Nam không thiếu tên những tác giả có tài như Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan... Nhưng hai phong cách nổi bật nhất, theo tôi có lẽ là Nam Cao và Nguyễn Tuân. Không có một người nào đã từng theo dõi văn học nước nhà mà không biết đến dáng đi ngất ngưỡng trong cơn say và gương mặt lằn ngang lằn dọc của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên mà Nam Cao viết năm 1941. Phải nói rằng đây là một truyện ngắn xuất sắc trong đó Nam Cao đã bộc lộ phong cách của mình rất rõ nét. Trong giai đoạn văn học 1930 - 1945. Tác phẩm Chí Phèo ra đời khá muộn khi Tắt đèn của Ngô Tất Tố và bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan đã đứng sừng sững trên văn đàn Việt Nam. Vậy mà Chí Phèo không những không bị chìm đi mà còn có phần lấn át hai tác phẩm ra đời trước đó. Tại sao vậy? Nguyên nhân chủ yếu là vì tác phẩm đã có nét mới lại rất lạ và rất riêng. Ông Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét rằng khi Chí Phèo ngất ngưỡng bước ra từ tác phẩm của Nam Cao, người ta nhận thấy rằng đây là hình ảnh thê thảm nhất của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến. Không biết Nam Cao đã mất bao nhiêu thời gian để quan sát, tìm hiểu và tạo nên tiếng chửi của Chí Phèo. Tiếng chửi của anh khó chịu lắm, nó thông thốc, đập vào tai người đọc, nó như thách thức cả cuộc đời... Chí Phèo chửi mọi người mà như không chửi ai, không còn biết tại sao mình lại chửi. Chua xót hơn, anh ta lại chửi cả “đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn, tiếng chửi của Chí Phèo là một sự phủ nhận mạnh mẽ: phủ nhận xã hội, phủ nhận tình cảm thiêng liêng của gia đình mà anh ta không có được, rồi tiến tới phủ nhận cả bản thân mình... Ngòi bút của Nam Cao mang tính khái quát rất cao, qua tiếng chửi của Chí Phèo ta như thấy thấp thoáng dáng dấp của Bình Chức, Năm Thọ, những con người chịu một số phận tương tự như Chí Phèo, bị bần cùng hóa rồi côn đồ họa và tha hóa. Chí Phèo là một nhân vật phải nói là rất lạ với những nhân vật của những tác giả kia. Cùng ở điểm xuất phát là người nông dân chất phác hiền lành như chị Dậu, anh Pha, nhưng nếu hai người này vẫn giữ được phẩm chất của con người thì Chí Phèo lại đánh mất cả nhân hình lẫn nhân tính.
Lời kể chuyện hấp dẫn cũng là một nét độc đáo trong phong cách của Nam Cao. Kết cấu của truyện Chí Phèo là một chuỗi móc xích của những cơn say liên tiếp, chồng lên nhau: “Bữa đầu về làng đã thấy hắn ngồi ở quán rượu”... Và cứ thế câu chuyện diễn tiến trong cơn say triền miên của Chí Phèo. Trong không khí sặc sụa mùi rượu đó, anh ta trở thành tên côn đồ tay sai cho Bá Kiến. Rồi gặp thị Nở, lúc này cơn say lắng xuống nhường chỗ cho cơn say tình yêu. Thế rồi sau khi thị Nở từ chối, Chí Phèo đã bừng tỉnh trong ý thức để đi đến hành động giết Bá Kiến. Nhưng thật ra mà nói, đến phút cuối đời Chí Phèo vẫn đắm chìm trong cơn say.
Truyện ngắn Chí Phèo chứng tỏ bút lực mạnh mẽ cũng như phong cách của Nam Cao khá hoàn chỉnh. Có lẽ không ai ngoài Nam Cao có thể tạo cho Chí Phèo một dáng đi ngất ngưỡng, tiếng chửi bởi tại mọi người và đôi mắt đỏ ngầu trùng trùng nhìn vào hiện thực để rồi chết ngột trong hiện thực. Xã hội làng Vũ Đại đen tối không còn lối thoát, cái lò gạch bỏ không là điểm bắt đầu cuộc đời Chí Phèo rồi cũng là có thể là cái nôi đứa con của anh. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Quá khứ lập lại một lần nữa ư? Đó chính là chỗ bế tắc của văn học hiện thực phê phán. Nhưng dù sao ta không thể phủ nhận giá trị của truyện Chỉ Phèo vì qua đó phong cách của Nam Cao đã tỏa sáng, thể hiện được tình thương với cuộc đời.
Cùng thời với Nam Cao nhưng Nguyễn Tuân là một nhà văn lãng mạn. Tập truyện Vang bóng một thời đã đưa tên tuổi ông vào vị trí rất cao trong văn đàn Việt Nam. Nguyễn Tuân là người nặng lòng hoài cổ, ông lưu luyến và mong vớt vát được những nét đẹp xưa để ấp ủ tâm hồn trong xã hội đương thời. Cũng thật kì lạ vì Nguyễn Tuân hoàn thành tập truyện mang tính cổ xưa ấy ông chưa đầy ba mươi tuổi. Thế mà Vang bóng một thời có giọng văn của một cụ già ngồi ôn lại những năm tháng êm đẹp đã quan trọng cuộc đời mình. Chữ người tử tù là một truyện ngắn khả tiêu biểu trong chuỗi những hoài niệm nét đẹp xưa. Hắn là ta không bao giờ quên được cái ngông ngạo của Huấn Cao, một người tù, trước gông cùm và quan lại. Đó là nét đẹp tỏa sáng nhất mang đậm phong cách của nhà chỉ sĩ và trong đó cũng mang dấu ấn của phong cách Nguyễn Tuân. Thử hỏi có ai nén được sự xúc động khi tìm lại được mái đầu cao ngạo, kiên cường của một nhà nho - hình ảnh trong quá khứ vừa mới đi qua thôi mà đã tưởng như xa lắm. Thạch Lam đã từng nhận xét: Viết về đề tài xưa là một việc làm tốn nhiều công sức. Phải thực sự yêu mến và muốn giữ lại những vẻ đẹp đã qua thì mới đủ sức làm sống lại cả một thời xưa cũ. Đúng thế, chuyện xảy ra rồi nay nhà văn chỉ ghi lại. Thế nhưng nếu không thương tiếc, không muốn sống lại với những ngày xưa vang bóng thì không thể tìm thấy được những nét đẹp cổ kính phảng phất trên cặp mày, vẻ quắc thước toát ra từ đôi mắt sâu thăm thẳm và bàn tay tài hoa của người tử tù.
Huấn Cao là người viết chữ đẹp nổi tiếng, những đích thực là một nhà nghệ sĩ. Huấn Cao biết rõ ràng chữ nghĩa là tinh hoa của thánh hiền, ông coi thường những kẻ khoa tay múa may vì tiền. Chính đức tính này của ông làm cho viên quản ngục ngần ngại mãi, có người tù trong tay nhưng không biết làm cách nào để xin được vài con chữ tài hoa. Người ta thường nói văn tức là người. Do vậy qua hình ảnh của Huấn Cao, ta thấy thoảng hiện một Nguyễn Tuân với vầng trăng cao rộng, với đôi mắt tinh anh, cũng ngẩng cao đầu, chàng đem văn của mình ra làm món hàng mua bán... Người tử tù của Nguyễn Tuân hiện lên trong tác phẩm giống như một anh hùng thời cổ, ông đi trong buổi chiều vang vang tiếng trống thu không, tiếng loa xa xa như vọng về từ quá khứ, không gian tịch mịch và cổ kính. Người tù ấy là một nhà nho tài hoa, vậy mà bất khuất chẳng kém một nghĩa quân trong chiến trận. Lời nói khẳng khái của ông đáp lại viên quản ngục nghe như đầy thách thức: “Ta muốn là nhà người đừng bao giờ bước chân vào đây!”. Đọc đến câu nói của Huấn Cao, ta nghe như trong mạch máu sôi lên tinh thần của ông cha ngày trước bất khuất, rạch rồi. Chính điều này đã tạo cho Vang bóng một thời một giọng văn khác lạ. Nguyễn Tuân là một nhà văn thuộc trường phải lãng mạn nhưng tác phẩm của ông khác xa so với truyện ngắn của Thạch Lam.
Huấn Cao có tính ngông thật nhưng không phải vì vậy mà ông không thấy được tấm lòng của viên quản ngục. Thử hỏi làm sao người như Huấn Cao có thể làm ngơ trước một mong ước rất thanh cao của viên quản ngục. Những dòng chữ vuông vắn đầy cá tính của một người tù có nhân cách vượt trội hơn nhiều so với những kẻ xử án. Khung cảnh ngoạn mục và cảm động nhất truyện xảy ra trong nhà ngục ẩm ướt. Một người tù gò viết trên mảnh lụa bạch, người thơ lại và viên quản ngục yên lặng, thành kính, ngọn đuốc bừng bừng mù mịt khói, ba mái đầu chụm lại nhau. Thực sự Nguyễn Tuân đã tạo nên những hình ảnh nức lòng người đọc, gian phòng giam mù mịt tối tăm ấy đang tỏa ra ảnh sáng của nhân cách con người.
Người tử tù quên rằng sáng mai mình sẽ bị hành hình, viên quản ngục quên rằng đây là một tù nhân của mình, họ gặp nhau trong tâm hồn thanh cao. Viên quản ngục hướng lên cái đẹp với một mảnh lòng trong sáng, người tử tù cúi xuống nâng tâm hồn ông ta lên bằng tài hoa, nhân cách và khí phách của bản thân mình. Trong Chữ người tử tù nói riêng và Vang bóng một thời nói chung, Nguyễn Tuân đã thể hiện cái tôi duy mĩ, yêu mến và thương tiếc cái đẹp. Tình cảm đó và lối ngông ngạo khác người đã tạo nên một nghệ sĩ Nguyễn Tuân gần như xa lạ với hiện thời nhưng rất gần với quá khứ. Nguyễn Tuân là cầu nối vẻ đẹp xưa với ngày nay.
Trong cùng một thời kì văn học nhưng Nam Cao và Nguyễn Tuân là hai phong cách rất đặc biệt. Điểm giống nhau của họ là cùng nhìn thấy và bất mãn trước hiện thực xã hội, nhưng cách phản ánh vào tác phẩm lại hoàn toàn khác nhau. Theo tôn chỉ của văn học phê phán Nam Cao đem vào tác phẩm một hiện thực làm mọi người giật mình có thể có khả năng người nông dẫn sẽ bị côn đồ hóa và trở nên thê thảm như Chí Phèo. Tác phẩm của Nam Cao như hồi chuông báo động mọi người xem lại xã hội mình đang sống. Đó là hồi chuông nặng lòng nhân đạo, nó hướng về con người, hướng về sự cứu vớt con người. Tác phẩm của Nam Cao có thể được đánh giá bằng câu văn của chính ông: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối”. Đúng vậy, quan điểm nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao là nghệ thuật vị nhân sinh. Xưa nay người ta vẫn thường chỉ trích quan niệm nghệ thuật và nghệ thuật nhưng có lẽ rằng quan điểm đó rất đúng xét trên khía cạnh tích cực của nó. Người ta nói rằng cái đẹp sẽ cứu vớt nhân loại vậy thì nghệ thuật hướng con người tới cái đẹp, tới chân thiện mĩ của cuộc sống, đó chẳng phải là phục vụ con người sao? Truyện ngắn của Nguyễn Tuân về những ngày xưa cũ đem đến cho ta cái đẹp kiêu hãnh của cha ông. Với cái tôi duy mĩ của mình, ông đã tạo nên một thế giới có màu sắc khác lạ, vừa như quen thuộc, vừa như xa vời. Nói cách khác, sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám có vẻ “lánh đục về trong", đi tìm cái đẹp quá khứ để khuây khỏa nỗi buồn hiện tại. Dù sao đi nữa Nam Cao và Nguyễn Tuân vẫn là những phong cách tỏa sáng đặc biệt trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945.
Một câu hỏi đặt ra là phong cách của một người có thể thay đổi không và thay đổi như thế nào? Theo tôi sự thay đổi là một quy luật của cuộc sống, không có vật gì luôn tồn tại như lúc ban đầu, Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, xã hội đồi khác. Cái không khí xã hội tạo nên những bức xúc cho sáng tác của các nhà văn nay không còn nữa. Phản ánh luận cho rằng những gì thuộc về tâm tư tình cảm của con người đều có thể gọi là hiện thực. Đứng trước sự biến chuyển lớn lao như thế, các nhà văn lại làm ghềnh thác dữ thì mới cảm thấy “khoái chí”. Đó chính là chất tài tử trong văn Nguyễn Tuân. Từ cái ngông ngạo của người hay chữ như Huấn Cao chuyển sang cái nghệ thuật của người coi sóng nước sông Đà như ao nhà mình. Đó đây trong tùy bút Sông Đà, ta bắt gặp những mảnh thiên nhiên trong sáng: Một cánh rừng phủ xanh màu xuân mới, sắc mây êm trôi trên sông Đà... Cái u uẩn ngày xưa không còn nữa nhưng nhà văn Nguyễn Tuân vẫn đứng đó với vầng trán cao, mái tóc bạc phơ bay ngược chiều gió với am tường ngôn ngữ và cuộc sống ngồn ngộn đến mức làm người đọc kinh ngạc.
“Nghệ thuật là tôi, khoa học là chúng ta”. Câu nói ấy thật đúng trong nghệ thuật - lĩnh vực của sự sáng tạo độc đáo. Người sáng tác tác phẩm văn học là người đem đến cho con người cái đẹp và sự thanh cao, xin được gọi họ là những người tạo ra nghệ thuật. Hai nhà văn Nam Cao và Nguyễn Tuân đã làm nên nét đẹp trong văn học nước ta bằng những phong cách của riêng mình. Trong tác phẩm của họ, ta như lần đầu tiên bắt gặp những gì chợt ẩn, chợt hiện, mới lạ với những gì ta đã biết. Phong cách ấy mãi là những vầng sáng đẹp tạo nên nghệ thuật bất tử.
Truyện ngắn là một lĩnh vực thú vị của văn học. Nó ghi lại sự việc xảy ra trong thời gian và không gian xác định nhưng không phải vì vậy mà giá trị của nó bị thu hẹp. Những nhân vật Chí Phèo, Huấn Cao, Hoàng, ông lái đò... Là những hình tượng nghệ thuật đặc sắc tạo bởi năng lực sáng tạo của nhà văn P.Pavlenko nói rằng: “Tôi thu thập hình tượng cũng như con ong hút mật vậy”. Thế mà ta biết rằng một con ông phải bay một đoạn đường sau lần xích đạo trong một năm ba tháng và đậu lên năm vạn thứ hoa để làm nên một trăm gam mật (Theo Tờ hoa của Nguyễn Tuân). Khó khăn biết bao khi người ta muốn vươn đến nghệ thuật thật sự. Thế nhưng mọi người vẫn không ngừng đi tìm cải đẹp, phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình. Phải chăng quá trình ấy cũng đầy gian nan không kém gì lao động của các nhà khoa học. Nhà văn Nga Macxim Goorki cho rằng “văn học là nhân học”, vậy thì vượt gian lao để tìm đến sự độc đáo hoàn thiện của ngòi bút, đến “nhân học” chính là sứ mạng cao quý của những người cầm bút.