Bài làm

Khi nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, người ta nhớ ngay đến một nhà thơ yêu nước, một nhà thơ đạo lí. Bên cạnh những bài thơ yêu nước, giàu tính chiến đấu như Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thơ về đạo lí của ông cũng có giá trị nhân văn sâu sắc. Tiêu biểu nhất, thường được nhắc đến nhiều nhất là truyện thơ truyện Lục Vân Tiên và đoạn trích Lẽ ghét thương. Ta tìm thấy ở đoạn trích bài học đạo đức làm người và tiêu chuẩn khen chê, đánh giá về các hạng người trong xã hội. Ta còn thấy rõ tư tưởng thương dân, sự yêu ghét phân minh, một lòng vì chính nghĩa của một nhà thơ với nét tính cách đặc trưng của con người Nam Bộ được xem là biểu tượng lương tâm của đất nước.

Lẽ ghét thương là những dòng thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu. Và trong tình huống này, nhân vật ông Quán trở thành người phát ngôn cho chính tác giả. Những yêu, ghét rạch ròi của ông Quán nói ra ngay sau khi chứng kiến cảnh Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Bùi Kiệm và Trịnh Hâm cùng thi tài xướng họa tại quán ăn của mình cũng chính là của tác giả. Đoạn trích có 2 câu thì có tới 1 câu thơ nói về tình thương. Như vậy số câu thơ về tình thương yêu con người đã quá nửa. Bản thân Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng nói “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. Quả thực khi suy ngẫm kĩ những câu thơ này, ta sẽ thấy gốc rễ, nguyên nhân sâu xa của nỗi ghét chính là tình thương dân sâu sắc. Tình thương chính là điểm tựa, là động lực tinh thần để nhà thơ lên tiếng phê phán những bọn xấu xa, những kẻ độc ác. Sở dĩ ông Quán ghét cay ghét đắng những chuyện tầm phào, những cải đa đoạn, những cái dối trả, những trò mê dâm là vì chúng làm dân luông chịu lâm than muôn phần. Mỗi lần nhắc đến một đối tượng đáng ghét, đáng lên án ấy là một lần tác giả thêm một câu bình luận về tội ác của chúng gây cho dân lành:

Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm

Để dẫn đến nỗi sa hầm sấy hang

Ghét đời U, Lệ đa đoan

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần...

Ngay trong mười câu thơ nói về lẽ ghét thì có tới bốn câu thơ nói về cung bậc, mức độ khác nhau trong nỗi khổ của dân lành phải gánh chịu.

Để dẫn đến nỗi sa hầm sẩy hàng

Khiến dân luôn chịu lầm than muôn phần

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng dối dân.

Nếu như những câu thơ nói về lẽ ghét thương thể hiện nỗi kinh bỉ, tức giận thì đến những câu thơ này giọng thơ đột ngột chậm lại thể hiện sự cảm thông, chia sẻ của nhà thơ đối với nhân dân. Để giải bày những lời tâm huyết về nỗi ghét này được sâu đậm, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng nghệ thuật điệp từ. Chỉ mười câu thơ tác giả đã sử dụng tới tám từ ghét. Riêng câu thơ thứ hai đã có tới ba từ:

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.

Cay, đắng là những từ dùng để chỉ mùi vị. Ở đây cay, đắng không phải dùng như một sự lạ hóa ngôn từ, mà nó dùng để diễn tả độ sâu tăng dần của cái ghét. Sự kết hợp của các điệp từ ghét với sự tăng cấp về mức độ, nhà thơ đã hé mở cho độc giả biết cái ghét, đối tượng bị ông Quán ghét không chỉ thuộc phạm vị một thời đại nào mà nó có trong mọi thời đại. Vì thế nỗi ghét ở đây là đỗi gam, đổi chất, không chỉ dừng ở thái độ bên ngoài, mà nó đã ăn sâu vào máu, vào huyết quản, ghét vào tận tâm của ông. Cái gọi là ghét của ông Quán thực chất là lòng căm thù. Ông căm thù tất cả những bạn làm ảnh hưởng, làm tổn hại đến cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Điều này thể hiện tính nhân dân sâu sắc của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

Đối lập với nỗi ghét, lòng căm thù là tình thương. Ông Quán đã tự bạch về tình thương của mình trong mười sáu câu thơ. Chỉ mười sáu câu thơ nhưng nó làm biểu hiện cả cõi lòng của một con người, thể hiện một cách sâu sắc sự cảm thông, xót xa của ông Quán đối với những bậc tiền nhân quân tử, kiểu mẫu của đạo Nho, muốn hành đạo giúp vua, cứu dân nhưng không thành. Được nhắc đến đầu tiên trong đoạn thơ nói về tình thương là Khổng Tử - Người đã gặp rất nhiều gian lao vất vả khi truyền đạo:

Thương là thương đức thánh nhân

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông.

Ông thương đến cả người chết yếu mà công danh chưa đạt:

Thương thầy Nhan Tử dở dang

Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.

Ông lại thương cả những người không gặp vận may, những ông quan thanh liêm không gặp thời...

Thương ông Gia Cát tài lành

Gặp cơn Hán mặt đã đành phôi pha...

...Thương thầy Liêm, Lạc đã xa

Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.

Nếu như ở mười câu đầu Nguyễn Đình Chiểu để cho nhân vật nói lên lòng căm thù bọn người hại dân để nói lên lòng thương dân, thì ở đoạn sau tác giả lại cho nhân vật bộc lộ trực tiếp lòng thương đối với những người có tài cao chỉ lớn, muốn phò vua giúp đời mà gặp phải bất hạnh nên nguyện vọng cứu dân không thực hiện được. Và để thể hiện tình cảm thương yêu đầy tính nhân bản đó, nhà thơ đã điệp đi điệp lại từ thương tới chín lần. Nó không chỉ thể hiện được tình thương yêu tha thiết ông dành cho từng đối tượng cụ thể mà còn bộc lộ một tình cảm, tình thương bao la rộng lớn dành cho số phận cay đắng của con người trước những quy luật khắc nghiệt của tạo hóa và xã hội..

Trích đoạn Lẽ ghét thương tuy không dài nhưng được tác giả tổ chức sắp xếp khá chặt chẽ, mạch lạc. Sự kết hợp giữa việc sử dụng điệp từ ghét, thương với nghệ thuật bố cục chặt chẽ không chỉ tạo được sự rõ ràng trong ý thơ mà còn tạo cho đoạn thơ có giọng điệu vừa trang nghiêm, vừa thống thiết - một nét đặc trưng của điệu thơ trữ tình Nguyễn Đình Chiểu. Như vậy thông qua nhân vật ông Quán, Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm những lời tâm huyết về nỗi ghét thương. Nó không chỉ thể hiện một tâm hồn giàu tình yêu thương mà còn thể hiện một tinh thần nhân bản sâu sắc.