Bài làm
Nói đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú và sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể nào không nhớ tới tập thơ Nhật kí trong tù. Nó là một văn kiện lịch sử vô giá, là một tập thơ lớn, tiêu biểu nhất của nên thơ ca cách mạng Việt Nam. Nhật kí trong tù chỉ là một ánh hào quang phản chiếu cuộc đời và tâm hồn phong phú cao đẹp trong “bảy mươi chín mùa xuân” của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhưng nó cho ta nhìn thấy và kinh phục một trái tim yêu nước mãnh liệt, một tấm lòng nhân đạo mênh mông, một cốt cách nghệ sĩ lớn, một nhân cách văn hoá cao đẹp. Viết về Nhật kí trong tù có nhận định: “Nhật kí trong tù như một bức chân dung tự hoạ con người tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
“Bức chân dung” là bức ảnh, bức tranh truyền thần về một con người. “Bức chân dung tự hoạ con người tinh thần” là bức tranh truyền thần do mình tự vẽ về đời sống tinh thần của mình. Nhật kí trong tù đúng là bức chân dung tự hoạ con người tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhật kí trong tù rất chân thực, vì thế bức chân dung tự hoạ con người tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vị thế một chiến sĩ cách mạng bị tù đày vô cùng chân thực, cảm động. Nhật kí trong tù có nói đến hiện thực thế giới nhà tù nơi tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc những năm 1942-1943 nhưng chủ yếu nó là một tập thơ trữ tình mang tính “hướng nội” sâu sắc.
Muốn đến với "con người tinh thần Hồ Chí Minh” trước hết ta phải tìm hiểu “lai lịch” của Người được Người nói đến trong tập nhật kí bằng thơ. Chùm thơ Đường đời hiểm trở (thế lộ nan), bài thơ thứ hai là một nét vẽ nói rõ nguồn gốc, lại lịch, cảnh ngộ của nhà thơ:
Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió
Phải làm “khách quý” tại nhà giam!
Trong bài thơ Gửi Nêru, một chiến sĩ yêu nước vĩ đại của Ấn Độ chống thực dân Anh, Hồ Chí Minh có viết:
Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động
Anh phải vào lao, tôi ở tù...
Đó là những tín hiệu phản chiếu một nhân cách cao đẹp “là đại biểu nhân dân Việt Nam”, là lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam, mang theo một sứ mệnh lịch sử trọng đại "tìm đến Trung Hoa để hội đàm”. Nhiều hồi kí cách mạng cho biết Hồ Chí Minh sang Trung Hoa lần ấy, mang theo giấy chứng minh thứ và tờ danh thiếp có in dòng chữ “Phân hội Việt Nam Hội chống xâm lược quốc tế”. Tuy bị vu khống, “bị tình nghi là Hán gian”, nhưng tù nhân này là một con người “ngay thẳng” và “trong trắng” là, “khách tự do”, là “khách tiên”. Bị bắt giam một cách vô cớ, bị đày đoạ khắp các nhà ngục tỉnh Quảng Tây, Người phẫn uất, giận dữ. Ngày tháng tiêu ma, thân thể tiều tụy, danh dự bị xúc phạm và “mang nhục” lòng sôi sục chất chứa trào lên:
Quảng Tây giải khắp mười ba huyện
Mười tám nhà lao đã ở qua
Phạm tội gì đây? Ta thử hỏi
Tội trung với nước với dân à?
(Đến Cục Chính trị Chiến khu IV)
“Bức chân dung tự hoạ con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh” qua Nhật kí trong tù trước hết là con người yêu tự do, khao khát tự do. Nếm trải cảnh tù “sống khác loài người”, đói rét, muỗi rệp, ghẻ lở hành hạ, bị cùm trói dã man, ngày đêm như dài thêm ra “một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Trong cay đăng tủi nhục, Người suy ngẫm mà thấm thía tự đáy lòng mình về tự do:
Trên đời nghìn vạn điều cay đắng
Cay đắng chỉ bằng mất tự do.
(Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)
“Tiếc ngày giờ” cũng là khao khát tự do cháy bỏng. Ngày tháng cứ lặng lẽ, tê tái trôi qua trong ngục lạnh, thật đáng tiếc bao nhiêu. Vì tự do mà sống và chiến đấu. Cũng vì tự do mà nung nấu, thôi thúc trong lòng:
Trời xanh cố ý hãm anh hùng
Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng
Tấc bóng nghìn vàng, đau xót thực
Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung?
“Tiếc ngày giờ” nhưng không thể để thì giờ trôi qua một cách vô vị và tẻ nhạt. Ghi nhật kí, làm thơ để tự mua vui, để xua đi mọi u ám, để nâng đỡ tâm hồn mình. Con người chiến sĩ, kẻ tù nhân, đã trở thành con người tự do, con người thi sĩ:
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
(Mở đầu tập nhật kí)
“Con người tinh thần” - nhân vật trữ tình trong Nhật kí trong tù là con người tự chủ cao độ, Có một nội lực phi thường, làm chủ hoàn cảnh nghiệt ngã những tháng ngày “ác mộng” chốn ngục tù. Bị đẩy vào nhà tù Tĩnh Tây, Người tự khẳng định mình là "khách tự do”, tâm hồn mình khác nào áng mây trên bầu trời cao mênh mông kia. Kẻ thù nào có thể giam hãm được tinh thần của Người?
Trong lao tù cũ đón tù mới
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa
Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết
Còn lại trong tù khách tự do.
(Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây)
Đâu chỉ có “khách tiên trên trời” mà ngay trong ngục đúng vào lúc “quả trưa” cũng có vị “khách tiên” ung dung tự tại đang “ngắm trời tự do”. Chữ “ngưỡng khán” (ngẩng lên ngắm) trong bài thơ chữ Hán là một nét vẽ có “thần” bức chân dung tự hoạ con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Hai giờ ngục mở thông hơi
Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do
Tự do tiên khách trên trời
Biết chăng trong ngục có người khách tiên.
(Quá trưa)
Năm 1913, nhà chí sĩ vĩ đại Phan Bội Châu bị chính quyền Quảng Đông bắt giam, bước vào nhà tù, Cụ đã khẳng định một tâm thế hào hùng tuyệt đẹp, “Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu - Chạy mỏi chân thì hãy ở từ” (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông). Con người ấy, nhà tù nào có thể giam hãm được? Hai mươi chín năm sau (1942) người đồng hương của cụ Phan bị chính quyền Quảng Tây hạ ngục một cách vô cớ. Giữa chốn lao tù Hồ Chí Minh đã viết: “Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao”... Câu thơ đã trở thành một lời đề từ “uy vũ bắt năng khuất” của một “tù nhân” vĩ đại trong Ngục trung Nhật kí. Hai câu thơ của hai con người xứ Nghệ đều viết trong chốn lao lung, đã toả sáng hai gương mặt sáng ngời của đất nước ta trong những năm đầu thế kỉ XX.
“Con người tinh thần” của “Bức chân dung tự hoạ” trong Nhật kí trong tù là một con người vừa bất khuất kiên cường, vừa ung dung lạc quan. Trong suốt “mười bốn trăng tô tải gông cùm”, Bác Hồ đã phải sống trong cảnh đày đoạ “Bốn tháng cơm không no - Bốn tháng đêm thiếu ngủ - Bốn tháng áo không thay - Bốn tháng không giặt giũ”, thân thể bị tiều tuỵ, đau thương: “Tóc bạc thêm mấy phần - Gầy đen như quỷ đói - Ghẻ lở mọc đầy thân”. Trước thử thách nặng nề ấy “con người tinh thần” của Hồ Chí Minh hiện lên tuyệt đẹp. Kiên trì, nhẫn nại, bất khuất và hiên ngang đã luyện cho “chất ngọc” của người chiến sĩ vĩ đại thêm cao quý và trong sáng:
Kiên trì và nhẫn nại
Không chịu lùi một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần.
(Bốn tháng rồi)
Con đường đi đày của Bác dằng dặc, triền miên trên 400 ngày, bị giải lui, giải tới trên một không gian rộng lớn phía Nam đất Trung Quốc: “Quảng Tây đi khắp, lòng oan ức - Giải đến bao giờ, giải tới đâu?” (Bài thơ số 108). Bị giải đi trong, mưa gió tầm tã: “Năm mươi ba cây số một ngày - áo mũ đầm mưa rách hết giày...”. Bị trói, bị xiềng, bị giải đi mà vẫn ung dung, vẫn lạc quan vượt lên trên khổ ải: “Hôm nay xiềng sắt thay dây trói - Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung - Tuy bị tình nghi là gián điệp - Mà như khanh tướng vẻ ung dung” (Đi Nam Ninh)
Bị giải đi từ nửa đêm, từ nhà tù này giải qua nhà tù khác, hoàng hôn phủ mờ cảnh vật, gió và rét đến ghê người. Đau đớn và mỏi mệt không thể nào nói hết. Người tù vừa lê bước đi trước mũi súng lũ lính áp giải, vừa lắng tại nghe một tiếng chuông chùa xa, một tiếng sáo mục đồng dân trâu về thôn. Vượt lên trên khổ ải, Bác đã sống những khoảnh khắc tự do, dành cho tâm hồn một thoáng thảnh thơi và ung dung thưởng thức những âm thanh dân dã mến thương. Bài thơ Hoàng hôn là một nét vẽ với gam màu nhẹ và thoáng “bức chân dung tự hoạ con người tinh thần” của Bác Hồ kính yêu trong Ngục trung nhật kí,
Gió sắc tựa gươm mài đá núi
Rét như dùi nhọn chích cành cây
Chùa xa chuông giục người nhanh bước
Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay
Nhiều bài thơ trong tập nhật kí trong tù của Bác ghi lại bao cảnh đoạ đày trong ngục tối. Người bị đối xử dã man: “Ngồi trên hố xí đợi ngày mai”, hoặc bị xiềng bị trói “Đêm gà “năm vị” lại thường ăn - thừa cơ rét rệp xông vào đánh”.
Những đêm thu lãnh lẽo, áo rách, không chăn chiếu, người tù nằm ngủ trong cảnh đau thương:
Đêm thu không đệm cũng không chăn,
Gối quắp, lưng cong, ngủ chẳng an...
(Đêm lạnh)
Cơm tù “không rau, không muối, không canh cá - Mỗi bữa lưng cơm đó gọi là”, thường xuyên nếm trải cảnh ngộ “Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát - Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu” (Điền Đông). Sống trong cảnh ngộ ấy, nhưng Bác vẫn ung dung tự tại, lúc thì “Oanh sớm, mừng nghe hột xóm gần”, lúc thì từ bóng tối nhà tù mà hướng về ánh sáng ban mai với niềm tin dào dạt:
Trong ngục giờ đây còn tôi mịt.
Ảnh hồng trước mặt đã bừng soi.
(Buổi sớm)
Có trải qua cảnh ngộ “Giày rách, đường lầy, chân lấm láp” trên con đường xa đi đày, thì trước cảnh trời hửng, nhà thơ mới có niềm tin, niềm vui phơi phới trào lên trong lòng như một câu ca lời hát: “Hết mưa là nắng hủng lên thôi...Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Nhật kí trong tù là tiếng hát lạc quan, yêu đời, tiếng hát ấy đã làm sáng bừng lên “bức chân dung tự hoạ Con người tinh thần” của người chiến sĩ vĩ đại trong cảnh tù đầy. Lá Hoàng Trung Thông có một câu thơ rất hay nói về trái tim mênh mông Hồ Chí Minh: “Yêu nước, yêu người, yêu hoa”. Bác đã quên đi mọi đau khổ của riêng mình mà hướng lòng mình về đất nước thân yêu. Đêm đêm trằn trọc, thao thức nhở nước: “Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng - Tin tức bên nhà bữa bữa trông” (Tức cảnh). Lúc thì chập chờn trong giấc mộng thương nhớ vơi đây.
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ.
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay.
(Đêm thu)
Đêm năm cánh như dài thêm ra “trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành” bởi bao nỗi nhớ: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
Bài thơ Ốm nặng là một nét vẽ “con người tinh thần” trong Ngục trung nhật kí rất chân thật, cảm động:
"Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh
“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than
Ở tù bệnh càng cay đắng
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.
Bài thơ thể hiện cực độ cái bi kịch của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh “ốm nặng” giữa chốn ngục tù. Quên đi nỗi đau riêng của mình mà chỉ xót thương cho nỗi lầm than của dân tộc. Tiếng hát là những giọt khóc “cay đắng” cứ tràn ra.
Nghe tiếng dế kêu khoan nhặt, ngắm nhìn sao Bắc đầu nằm ngang ngọn núi, lung linh trên bầu trời, nhà thơ tự hỏi mình và đo lòng mình khi nằm thao thức giữa đêm thu:
Đã rằng giúp ích cho dân tộc
Thu trước thu này há kém nhau
(Thu cảm).
Người chiến sĩ cách mạng có giàu lòng yêu nước thiết tha mới dạt dào tình thương người thắm thiết. Bác thương một em bé Trung Hoa cất tiếng khóc “Oa Oa Oa” trong ngục lạnh. Bác xót xa nhìn một người bạn tù “da bọc lấy xương” chết co quắp trong ngục tối. Bác khóc anh Dương Đào, người dẫn đường cho Bác, anh bị cầm tù cùng với Bác, bị “cháy thành lây vạ”. Bác cảm thông với người bạn tù đắp chăn giấy giữa đêm đông. Nhìn những phụ làm đường "dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi”, Bác tự hỏi: “Biết cảm ơn anh được mấy người?”. Trân trọng công sức lao động và biết ơn nhân dân cần lao là tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh. Bác gọi những người bị tù đày với Bác là “nạn hữu” với tất cả tình yêu thương. Bài thơ Người bạn tù thổi sáo thể hiện sâu sắc tình thương người của Bác:
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Lắng nghe tiếng sáo buồn mà Bác xúc động thương người bạn tù đau buồn nhở quê, nhớ gia đình vợ con. Người chiến sĩ cách mạng nhớ nước bắt gặp, cảm thông nỗi nhớ quê của người bạn tù qua một tiếng sáo buồn. Bác thương cảm người khuê phụ đêm đêm bước lên lầu cao lắng nghe tiếng sáo mà thương nhớ, mong chờ người chồng thân yêu đang bị tù tội mãi chưa về. Đọc bài thơ, ta nghe trong âm thanh tiếng sáo thê lương có những giọt nước mắt thương nhớ, đợi chờ tuôn rơi.
Người tù nhân ấy lại là một thi nhân không chỉ mang tính nhân loại mà còn chan hoà với tạo vật. Yêu thiên nhiên là một nét rất đẹp trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Bị giải đi trong đêm thu gió lạnh, trên nẻo đường xa, Bác nhìn lên bầu trời ngắm cảnh “chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”, và cảm thấy trắng, sao đang cùng mình đồng hành trên con đường khổ ải. Chân tay bị xiềng xích, bị “giải đi sớm”, tù nhân bỗng hoá thành thi nhân đi đón rạng đông, thi hứng dâng lên dào dạt:
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.
Đây là những câu thơ đẹp nhất hội tụ bao cảm xúc đẹp: tình yêu thiên nhiên, tình yêu đời, lạc quan, tin tưởng và tình yêu tự do. Nhật kí trong tù có một số bài thơ rất hay nói về đêm thu và trăng thu. Yêu trăng là nét đẹp trong tâm hồn Bác. Nằm trong ngục tối, ngắm vầng trăng thu, Bác ao ước:
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.
(Trung thu)
Chẳng có rượu ngon và hoa đẹp, Bác vẫn ngắm trăng, lòng Bác “bối rối” trước cảnh đẹp đêm thu. Lòng Bác thanh thản, ung dung “tinh thần ở ngoài lao” mới có tư thế ngắm trăng hiếm thấy như vậy. Yêu trăng cũng là yêu tự do.
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngăm nhà thơ.
(Ngắm trăng)
Bài thơ Trên đường mở ra trước mắt chúng ta một không gian nghệ thuật hữu tình nên thơ. Có tiếng chim hót rộn ràng khắp núi. Có hương thơm ngào ngạt của hoa rừng. Bị trói chân tay giải đi nhưng tinh thần vẫn tự do, nhà thơ say sưa thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên. Hoa lá, cỏ cây, chim muông, mây trời, ánh sáng... là một mảnh tâm hồn của Bác là đối tượng yêu thương của nhà thơ:
Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta đừng
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu.
Có lúc Bác bâng khuâng trước một cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ, dõi theo một cánh chim bay mỏi về xa, một áng mây lơ lửng trên bầu trời. Có lúc Bác áy náy, xúc động trước một đoá hoa tàn trong cảnh chiều hôm: "Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng - Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình”. Có lúc Người sung sướng reo lên say mê ngắm cảnh đất trời tráng lệ khi trời hửng.
... Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ
Cây cao chim hót rộn ràng tươi...
“Con người tinh thần” trong “bức chân dung tự hoạ” trong Ngục trung nhật kí còn là một con người có một trí tuệ lớn, hiểu biết sâu rộng, sâu sắc vô cùng. Đó là bài học tự rèn luyện mình trong thử thách gian khổ:
“Sống ở trên đời, người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”.
(Nghe tiếng giã gạo)
“Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.
(Tự khuyên mình)
Đó là bài học về ứng xử ở đời, lúc nào cũng cảm thấy khó khăn mà phải cẩn trọng:
Xử thế từ xưa không phải dễ
Mà nay, xử thế khó khăn hơn.
(Đường đời hiểm trở)
Có khi là những suy ngẫm về thế lực, về thắng và bại trong giao tranh, trong đua tài đọ trí ở đời, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ chuyện một vài người đến chuyện quốc gia đại sự:
Phải nhìn cho rộng, suy cho kĩ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
(Học đánh cờ)
Có khi là một tổng kết rất hàm súc về sứ mệnh thi ca và sứ mệnh của nhà thơ hiện đại:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)
Có biết bao bài học tinh thần hàm chứa trong Nhật kí trong tù. Những bài học ấy là trí tuệ của con người uyên bác, lỗi lạc. Những bài học ấy, Bác viết ra trong chốn ngục tù, không để dạy ai, không nhằm lưu lại thiên cổ, mà là suy ngẫm để tự nâng đỡ tâm hồn mình vượt qua mọi thử thách nặng nề, nguy hiểm. Những bài học ấy được kết tinh bằng máu và nước mắt của Bác Hồ trong 14 tháng trời bị tù đày, và cả trong cuộc đời của lãnh tụ. Ngày nay và mãi mãi sau này, người đọc vẫn thấm thía về những bài học ấy vì đó là chân lí và tình người, là chất cộng sản Hồ Chí Minh.
Nhật kí trong tù đã sống đời sống tinh thần của nhân dân ta, nó đã từ ngục tù tăm tối mà vươn ra ánh sáng tự do. Nó đã vượt qua một chặng đường trên nửa thế kỉ mà trở thành “hồn của muôn hồn”: Nhật kí trong tù là một viên ngọc mà Bác vô tình đã đánh rơi vào nền thơ ca Việt Nam như Giáo sư Đặng Thai Mai đã nói. Nó là một khúc ca “cháy lửa” là “bức chân dung tự hoạ con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đọc Nhật kí trong tù ta bồi hồi xúc động trước một trái tim yêu nước nồng nàn, một tấm lòng nhân đạo bao la, ta yêu một tâm hồn đẹp mang cốt cách nghệ sĩ lớn, một nhân cách văn hoá cao quý và lỗi lạc, tiêu biểu cho tinh hoa và khí phách của con người và đất nước Việt Nam.
Câu thơ của Tố Hữu:
Trăm thế kỉ trong tên Người Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương.
đã giúp chúng ta khơi sâu cảm nhận “bức chân dung tự hoạ con người tinh thần” trong Ngục trung nhật kí.