Bài làm

Phan Bội Châu tuy văn tài lỗi lạc nhưng không bao giờ xem văn chương là cứu cánh của đời mình. Ông chỉ muốn dùng nó để xốc người đời (đặc biệt là tầng lớp thanh niên) đứng dậy làm cách mạng, cứu nước, cứu dân. Với định hướng này, sáng tác của ông có được một âm hưởng đầy kích thích, khiến người đọc không thể ngồi yên một khi đã được tiếp xúc với nó. Bài Xuất dương lưu biệt chính là một ví dụ điển hình.

Bài thơ được mở ra không phải với những tình cảm bịn rịn, nhớ nhung, hiện lên lồ lộ là lí tưởng và hoài bão của một con người đang quyết xoay chuyển càn khôn, vũ trụ:

Sinh vị nam tử yếu họ kì

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển đi

(Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời)

Lưu biệt là để lại cho người đưa tiễn một cái gì đó như lời dặn dò hay bài thơ trước lúc rong ruổi đường xa. Ở đây, bản thân bài thơ là lời dặn dò, là tiếng nói khích lệ. Nhà thơ hiểu rằng hơn lúc nào hết, cả người ở lại lẫn người ra đi cần có một niềm tin, nếu chưa phải vào kết quả hành động thì cũng vào cái đúng của hành động mà mình đã lựa chọn. Quan niệm về chỉ làm trai của các nhà nho xưa đã nhắc lại trên tinh thần này. Không thể nói điều được nhà thơ phát biểu ở hai câu thơ là hoàn toàn mới mẻ. Trước Phan Bội Châu, bao nhiêu con người ưu tú đã nói về chỉ làm trai với nhiệt tình cháy bỏng và với một hình thức ngôn từ rất gây ấn tượng. Ngay câu thơ thứ nhất của Phan Bội Châu, có thể nói, cũng thoát thai từ hai câu chữ Hán mở đầu bài Chỉ nam nhi của Nguyễn Công Trứ: "Thông minh nhất nam tử - Yếu vi thiên hạ kì" (Một người trai thông minh ắt phải làm được những việc khiến thiên hạ phải thấy kì lạ). Vậy vấn đề ở đây không phải là xét tính độc đáo của tư tưởng mà là xét mục đích của việc phát biểu tư tưởng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nêu lên tín niệm của các trang nam tử muôn đời, thực chất Phan Bội Châu đang muốn nhắc nhở, cật vấn chính bản thân: lẽ nào để trời đất xoay vần tới đâu thì tới, còn mình là kẻ đứng ngoài, vô cạn? Là câu hỏi nhưng cũng là một lời đáp. Tính hai mặt này của lời thơ ngay từ đầu đã tạo được cho thi phẩm một không khí dồn nén và thúc giục rất rõ rệt. Từng chữ, từng lời cứ bện chặt lấy tâm trí người đọc, khiến họ không thể lảng tránh vấn đề đã được nhà thơ đặt ra một cách tâm huyết.

Hai câu tiếp theo của bài thơ vẫn đi theo mạch đó:

bách niên trung tu hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cách vô thuỳ

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở, há không ai?)

Câu trước không chỉ đơn giản xác nhận sự có mặt của nhân vật trữ tình giữa thế gian mà còn hàm chứa một tâm niệm: Ta hiện diện không phải như một sự kiện ngẫu nhiên, vô ích và vì vậy ta phải làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho đời. Câu sau có thể diễn ý: Ngàn năm sau lẽ nào chẳng có kẻ nối tiếp công việc của người trước? Như vậy, hai câu 3 - 4 đã thể hiện thật đậm nét cái tôi đầy trách nhiệm của nhà thơ: thấy việc không thể không làm, không ỷ lại cho ai. Hơn thế, cái tôi ấy thật rõ lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự góp mặt, sự tham gia gánh vác bổn phận của nhiều thế hệ. Đây có thể xem là một nét mới trong tư tưởng của Phan Bội Châu so với không ít bậc tiền bối vốn nhìn lịch sử như một vòng chu chuyển khép kín, khi đại nghiệp không thành dễ rơi vào tình trạng thở than tuyệt vọng. Tác giả hoàn toàn dự cảm được tính chất khó khăn của sự nghiệp cứu nước mà mình đứng ra đảm trách, nhưng dự cảm đó không làm ông nao núng. Ông có sẵn lòng tin không chỉ vào mình mà còn vào bao kẻ sau mình. Tư tưởng của ông và tính cách của ông là vậy. Ta hiểu vì sao sau này, lúc kiểm điểm cuộc đời, dù cay đắng cho bản thân, Phan Bội Châu vẫn có được lời nói hết sức vô tư, hồn hậu: “Chúc phường hậu tử tiến mau? (Từ giã bạn bè lần cuối cùng - 1940). Cảm nhận ý nghĩa các câu thơ theo hướng đó, ta dễ nhận ra cải “non” của từ tớ trong bản dịch (nguyên tác là ngã). Phan Bội Châu không phải là kẻ tự thị. Ông phát ngôn nhân danh những kẻ làm trai, những người yêu nước nói chung trong cuộc đời!

Bốn câu đầu bài thơ nghiêng về nói tới cái lẽ thường của đấng nam nhi, dù đọc chúng, người đọc vẫn nhận ta nỗi bức xúc trong tâm trạng tác giả. Sang hai câu 5, nỗi bức xúc ấy được biểu hiện trực tiếp hơn, qua việc nhà thơ nêu lên hiện trạng thê thảm của đời sống lúc bấy giờ:

Giang sơn tử hí sinh đồ nhuế

Hiển thánh liêu nhiên tụng diệc si!

(Nong sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đầu, học cũng hoài)

Đúng là những câu thơ đau đớn. Đau đớn cho việc mất nước. Đau đớn cho sự tồn tại trơ trơ nhục nhã của mình khi cơ đồ của dân tộc đã bị đắm chìm. Đau đớn cho cái học, kiễu học mà bản thân từng một thời theo đuổi, giờ đã thành vô ích, vô vị...

Là người chịu ảnh hưởng của Tân thư (tức sách báo tuyên truyền cho tự tưởng dân chủ tư sản phương Tây, tư tưởng cải cách xã hội theo mô hình Âu - Mĩ... được dịch qua hoặc được viết bằng Hán văn, đưa tới từ Trung Quốc), Phan Bội Châu tuy không phủ nhận hoàn toàn Nho giáo nhưng không còn giữ thái độ sùng kính đối với nó. Cái gì tỏ ra không còn có ích cho sự nghiệp cửu nguy giống nòi thì ông dứt khoát từ giã. Có thể xem đây là hệ quy chiếu mà ông đã dùng để nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề của đời sống xã hội và mọi ứng xử của kẻ sĩ lúc ấy.

Trước đây, Nguyễn Khuyến từng than: "Sách vở ích gì cho buổi ấy - áo xiêm nghị lại thẹn thân già" (Ngày xuân dặn các con). Câu thơ đầy chiêm nghiệm, có niềm tủi thẹn và thoáng nghi ngờ về tính hữu dụng của cái học từ chương “nhai văn nhả chữ” trong bối cảnh đất nước đã lọt vào tay giặc (mà nhà thơ gọi bóng gió là ngày loạn). Với Phan Bội Châu, thái độ không dừng ở mức nghi ngờ. Tình thế đất nước vào buổi ông lên đường đã khác nhiều, hơn nữa, với cá tính mạnh mẽ của một con người ưa hành động, tràn đầy nhiệt huyết, ông đã đưa vào bài thơ của mình những từ, cụm từ đầy cảm hứng phủ định, rất gây ấn tượng: tử hĩ (chết rồi), nhuế (thừa), si (ngu). Phải nói rằng với cách dùng từ ngữ mạnh bạo như thế, thơ ông có khả năng tác động tới độc giả rất sâu sắc. Đằng sau sự hấp dẫn của cách nói là sự hấp dẫn của cốt cách một con người! Các từ nhục, hoài trong bản dịch thơ sự thực chưa truyền lại đầy đủ khí lực dồi dào của các từ nhuế, si trong nguyên tác.

Phải hành động, phải hành động - tự mạch thơ toát lên lời giục giã. Hai câu cuối đến như một cơn gió mạnh, bốc nhà thơ thoát khỏi những tủi thẹn, day dứt, đau buồn. Việc lạ (kì) mà nhân vật trữ tình nung nấu thực hiện được khởi đầu từ điểm này chăng:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi

(Muốn vượt bể Đông theo cảnh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

Người có hiểu biết về phong trào Đông Du hẳn sẽ nhận ra tính tự nhiên, hợp logic của việc nhà thơ liên tưởng tới Đông hải cùng hình ảnh thiên trùng bạch lãng. Nhật Bản - niềm hi vọng mới của các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu - ở phía đông, giữa biển khơi, cách nước ta muôn dặm hải trình. Chính vì vậy, sang Nhật cũng đồng nghĩa với chuyện vượt bể. Tuy nhiên, trong hai câu thơ, các hình ảnh chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Câu thơ dịch không hoàn toàn bám sát ý nguyên tác, đã chuyển một khát vọng, một dự cảm, một liên tưởng bất chợt thành sự tường thuật - miêu tả thực tế, do vậy, chưa truyền đạt được phong độ hào hùng, niềm hăm hở dấn thân cùng trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ. Tâm thế cùng tư thế của nhân vật trữ tình lúc này là muốn lao ngay vào môi trường hoạt động mới mẻ, sôi động, bay lên làm quẫy sóng đại dương hay bay lên cùng những đợt sóng trào sôi vừa thoáng hiện trong tâm tưởng.

Trong bài thơ, có rất nhiều từ, cụm từ chỉ các đại lượng không gian, thời gian lớn cùng một số hình ảnh kì vĩ thể hiện bối cảnh mang tính chất vũ trụ đã được sử dụng: càn không giang sơn, bách niên trung, thiên tải hậu, Đông hải, trường phong, thiên trùng bạch lãng... Nhớ lại các bài như Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Cảm hoài của Đặng Dung, Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu,... ta thấy đây là bối cảnh khá đặc trưng của thơ tỏ chí thời trung đại. Như vậy, bối cảnh vũ trụ hoàn toàn không phải là hiện tượng cá biệt ở một vài bài thơ nào đó, bởi con người trong thơ xưa về cơ bản chưa phải là con người cá nhân có thể mà là con người vũ trụ. Tuy nhiên, với trường hợp bài Xuất dương lưu biệt, vẫn có thể nói rằng bối cảnh ấy có tác dụng tô đậm các phẩm chất rất riêng và nổi bật của nhân vật trữ tình: tự tin, dám đối thoại cùng trời đất, lịch sử, ý thức rõ về cái vinh, cái nhục của đời; có khát vọng khẳng định cái tôi trong hành động dấn thân vì đất nước, dân tộc... Nói tóm lại, phải có bối cảnh ấy thì chí vá trời lấp biển của nhà thơ mới được khắc tạo ấn tượng đến như thế.

Xuất dương lưu biệt là bài thơ từ biệt mà cũng là bài thơ mời gọi lên đường. Nó hoàn toàn tương xứng với tầm vóc của một con người được cả dân tộc ngưỡng vọng và tin tưởng vào thời điểm lịch sử lúc bấy giờ.