Bài làm

Ngày xửa ngày xưa có anh Trương Chi làm nghề lái đò, người thì xấu xí nhưng hát lại hay. Một hôm, công chúa bỗng nghe thấy tiếng hát của chàng và say mê tiếng hát ấy. Và cũng chẳng biết tự lúc nào nàng đã yêu cả người cất cao tiếng hát yêu đời. Nhưng khi gặp mặt, nàng đau khổ và từ chối bởi dung nhan, địa vị của đấng phu quân (trong ý nghĩ). Chàng Trương Chi đau khổ ôm mối sầu tương tự rồi chết. Đó là một bi kịch tình yêu. Bi kịch ấy khiến ta liên tưởng đến Rômêô và Giuliét của Sechxpia. Một thiên tình sử ngậm đầy bi kịch. Tuy nhiên, nếu chàng Trương Chi chết trong mối tình cảm, cô đơn, tủi hận bởi một tình yêu đơn phương không thành thì tình yêu giữa Rômêô và Giuliét lại thăng hoa tạo kết và ngay cả khi thân lìa khỏi xác hai người vẫn mãi bên nhau.

Toàn bộ nội dung vở bi kịch này được Sếch-xpia giới thiệu trong lời giáo đầu:

Ngày xưa, ở thành Vêrông xinh đẹp

Có hai nhà thuộc dòng thế phiệt trâm anh

Mối thù xưa bỗng gây cảnh bất bình

Máu lương thiện khiến tay người lành nhuộm đỏ

Số phận éo le, thâm thù hai họ

Lại khéo xui sinh hạ đôi tình nhân

Mối tình si thê thảm muôn phần

Chôn câu hận, chỉ còn đành một thác

Tình lứa đôi thảm thương tan nát

Trên xác con cha mẹ mới quên thù

Chuyện thương tâm trình diễn đôi giờ (...).

Câu chuyện về mối tình oan trái, bi thảm của Rômêô và Giuliét vốn là câu chuyện có thật, từng xảy ra ở Italia dưới thời Trung cổ. Nhân đọc bản Rômêô và Giuliét của Borucs, Sếch-xpia xúc động đã viết nên bị kịch đầu tay và là kiệt tác hàng đầu thế giới về chuyện tình Rômêô và Giuliét với mục đích: Không thể để quyền tự do luyến ái, tự do hôn nhân lại bị chà đạp, oan ức đến như vậy. Phải viết câu chuyện Rômêô và Giuliet thành một bản tình ca say đắm nhất, dũng cảm và bất khuất vô cùng, dám đạp lên hận thù và lễ giáo để giành lấy quyền tự do yêu đương, quyết hưởng hạnh phúc đôi lứa. Phải vạch rõ thủ phạm đã gây nên cái chết của đôi tình nhân này. Phải làm cho hai họ thù địch cuối cùng phải tỉnh ngộ nhận ra sai lầm...

Nó là một vở bi kịch vì cái chết đã cắt ngang bản tình ca tuyệt đẹp này biến nó thành bản tình ca dang dở. Nhưng kết thúc buồn mà tuyệt nhiên không được gợi lên tâm lí bị quan, tuyệt vọng, chán chường. Từ nấm mồ chung của đôi trai gái tài sắc ấy phải vút lên niềm tin và hi vọng. Rômêô và Giuliét chết, cái chết đó tự nó đã là một lời buộc tội. Qua đó, ta thấy sức mạnh tố cáo và giá trị cổ vũ đấu tranh của vở kịch to lớn và lâu dài, nhưng tạo nên dư ba vẫn là tình yêu say đắm, nồng nàn, thủy chung của đôi tình nhân ấy.

Rômêô và Giuliét bất ngờ gặp nhau trong một dạ hội khiêu vũ tại nhà Capiulét. Chàng vô cùng ngạc nhiên và rung động vì lần đầu tiên được gặp nàng Giuliét, con gái nhà Capiulet, lộng lẫy, chói ngời. Cũng ở đây, trong đêm vũ hội này, Giuliet đã chấp nhận chiếc hôn đầu tiên của Rômêô. Ta chợt nhớ tới một nàng Kiều mới đầu cũng "Tình trong như đã mặt ngoài còn e” với Kim Trọng rồi sau đó là làm cuộc đại cách mạng: “Xăm xăm đi nẻo lam Kiều lần sang”. Nhưng khi biết chàng là con trai nhà Môngtaghiu thù địch, nàng đã đau đớn bàng hoàng: Ôi! Rômêô! Sao chàng lại mang tên đó nhỉ. Còn chàng cũng thốt lên những lời xót xa, chát đắng: Nàng là họ Capiluet sao? Ôi, oan trái yêu quý, đời sống của ta này nằm trong tay người thù. Số phận thật trớ trêu người con người ta lắm thay. Một mối thù sinh một mối tình... Nhưng vì tình yêu, nàng đã can đảm vượt lên tất cả (thể hiện rõ ở cảnh 2 hồi II). Bắt đầu là ý nghĩ (đoạn độc thoại dưới ánh trăng (Dưới trăng đôi trẻ đinh ninh thế nguyên - II,2): Xin chàng hãy từ bỏ danh tiếng và quên cha mình đi, Rômêô tình yêu của em! Nếu điều đó là khó khăn với chồng thì hãy thề đi, em sẽ từ bỏ nhà Capiluét. Ý nghĩa ấy mới táo bạo làm sao! Nàng đã dám vượt thoát lễ giáo phong kiến với chế độ hôn nhân trong tình yêu. Nàng đã đi theo tiếng gọi trái tim, đã phó thác đời mình cho trái tim. Lí trí có lên tiếng chỉ gợn chút băn khoăn, rối bời, buồn thương trong lòng nhưng rồi ngay lập tức con tim lại lên tiếng: chỉ có tên họ hàng là thù địch của em thôi! Nhưng nếu chàng là họ nhà Môngtaghiu thi chàng vẫn là chàng... Cái tên nào có làm gì? Bông hồng kia giả gọi bằng tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào.

Trước lời thổ lộ của nàng với lòng mình, với mảnh trăng thiêng liêng đang dát bạc trên các ngọn cây trĩu quả, chàng không thể ẩn núp để nghe thêm gì nữa, trái tim chàng đã lên tiếng: Nếu em yêu anh, anh sẽ từ bỏ tất cả. Hai trái tim yêu đã hòa làm một, lời trao lời đã thốt lên. Giờ đây, không gian xung quanh họ là hương vị tình yêu, là mảnh trăng mờ ảo chứng kiến tình yêu trong sáng, chân chính của họ. Sự chủ động, táo bạo trong tình yêu của Giuliét thể hiện tính nhân văn cao cả. Đó là tình yêu tự do, là sự đề cao vị thế của người phụ nữ vĩ đại của Sếch-xpia, thiên tài và tấm lòng của Sếch-xpia là ở đó.

Đáng chú ý trong các đoạn đối thoại giữa Rômêô và Giuliét đó là ngôn ngữ có cảnh của tình yêu. Nó tạo nên tính điển hình hóa trong xây dựng tính cách, hành động và xung đột kịch. Bởi vậy, nó cũng là ngôn ngữ của thời đại mà ở đó con người luôn khát khao được giải phóng, khát khao cái mới mẻ. Có lẽ trong mọi thời đại, đôi uyên ương nào cũng muốn nghe tình nhân của mình thốt lên những lời yêu: Muôn vàn dao kiếm không làm anh ta run sợ bằng ánh mắt của em hay Tử thần hỡi, ta vui lòng chờ mi, vì Giuliet muốn như vậy... Và có lẽ cũng chỉ trong tình yêu, những lời đầy mâu thuẫn lại có ý nghĩa nhất: (III,5): (Rômêô và Giuliét đứng bên cửa sổ trông xuống vườn).

- Giuliét: Anh đi ư? Tiếng chim đã làm anh hoảng hốt là tiếng họa mi đấy, không phải sơn ca đâu. (...)

- Rômêô: Sơn ca, sứ giả của bình mình đấy! (...) Anh phải ra đi để sống, hoặc ở lại mà chết.

- Rômêô: Cứ để họ bắt, cứ để họ giết!...

- Giuliét: Trời sáng rồi!... Anh đi đi...

Như vậy, tình yêu giữa Rômêô và Giuliét không có tính bi kịch vì trong quan hệ giữa hai người có sự hòa hợp tuyệt đối. Đó là một tình yêu thơ mộng, đắm say, chân thành và chung thủy. Tình yêu đó rất trần thể, rất con người, nhưng cũng rất trong sáng, rất cao thượng: Nó xa lạ với những ảo mộng viễn vông hay những dục vọng thấp hèn. Trên đôi cánh của tình tình yêu, chàng trai đã bất chấp mối thù truyền kiếp, vượt bức tường thành lễ giáo phong kiến để đến với người yêu. Và cô gái cũng không để cho những hận thù vô nghĩa lí ngăn cản, đã dám thẳng thắn bộc lộ tình yêu, mãnh liệt mà duyên dáng, tán bạo và ngây thơ. Họ biết trân trọng từng khoảnh khắc ngắn ngủi quý giá khi gặp nhau và cũng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tình yêu chung thủy.

Vở kịch còn cho thấy cuộc đấu tranh cho hạnh phúc tình yêu, chống lại thành kiến và uy quyền của lễ giáo phong kiến là cuộc đấu tranh một mất một còn. Chính trong hoàn cảnh này bị kịch mới nảy sinh và kết thúc là cái chết của đôi uyên ương. Đọc bị kích này, ta còn cảm nhận được thiên nhiên đẹp, sạch và trong hơn, nhất là khi bao trùm lên nó là tình yêu vĩnh cửu. Quả thực, bối cảnh thiên nhiên thơ mộng tạo ra tính chất huyền ảo khác thường của câu chuyện kịch, đồng thời cũng có tác dụng tạo sự tương phản. Qua đó cho thấy tính chất đối kháng quyết liệt của xung đột kịch mà Sếch-xpia tạo dựng ở đây. Ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, nhuần nhị phù hợp với cách nói của tình yêu say đắm, hòa hợp, chân thành. Bi kịch của Rômêô và Giuliét kết thúc với hai cái chết của đôi uyên ương. Chết về thể xác và chôn vùi cả một mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ. Do vậy, Rômêô và Giuliệt là bi kịch lạc quan, là niềm tin nảy sinh từ một sự hi sinh, tạo nên sự sống, sức sống mới cho tương lai.

Đọc Rômêô và Giuliệt, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn, thấm thía hơn sức mạnh của tình yêu, mới thấu hiểu vì sao Kim Trọng đã dám treo ấn từ quan để đi tìm Kiều. Vì sao chàng lại muốn kết duyên với người con gái “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần...”. Vượt lên trên tất cả mọi nguyên nhân đọng kết ở một từ: Tình yêu. Tình yêu hóa thủ thành bạn, biến cuộc sống tẻ nhạt thành cuộc sống có ý nghĩa hơn. Sống trong tình yêu con người có thể sống đủ một đời với bồn trạng thái, tình cảm lớn: hỉ, nộ, ái, ổ. Nhưng quan trọng hơn, đó là tình yêu tự do, tình yêu hòa hợp, thủy chung, son sắt, ngay cả cái chết cũng không chia lìa được. Đó cũng là thông điệp được rút ra khi đọc bi kịch Rômêô và Giuliét của Sếch-xpia.