Bài làm

Khi đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nếu cao địa vị và tác dụng của văn học nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng”. Nhận định đó đã đánh giá một cách đầy đủ nhất, khái quát nhất về cuộc đời một con người yêu nước và lao động nghệ thuật hết mình mà mãi mãi về sau còn lưu danh trong sử sách dân tộc.

Sinh năm 1822 ở làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, trong một gia đình quan lại nhỏ ở Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu đã lớn lên dưới oai phong nghiêng trời của tả quân Lê Văn Duyệt. Nhưng Lê Văn Duyệt chết chưa được bao lâu thì Nguyễn Đình Chiểu lúc bấy giờ mới mười một, mười hai tuổi lại thấy bố chánh Bạch Xuân Nguyên, phụng chỉ nhà vua tra xét và kết tội Lê Văn Duyệt. Liền đó, Lê Văn Khôi đánh chiếm Gia Định, bắt Bạch Xuân Nguyên tâm dầu rồi đem ra thiêu sống. Tất cả những biến cố ấy dồn dập xảy ra giữa lúc người thiếu niên bắt đầu suy nghĩ, chắc chắn để lại những ấn tượng rất sâu đậm.

Được cha là Nguyễn Đình Huy đưa về quê nội ở Huế theo học, nhưng cha vừa bị cách chức và theo học ở nhà của một người bạn của cha cũng vừa bị giáng chức, Nguyễn Đình Chiểu lại càng có điều kiện nhìn rõ những thối nát trong đám quyền quý thời bấy giờ. Bảy, tám năm sau, vào khoảng 1840, trở về Nam. Năm 1843, ông thi đỗ tú tài và được một nhà giàu hứa gả con gái cho, nhưng mấy năm đó chiến tranh vẫn xảy ra liên miên với người Xiêm và người Chân Lạp, dân tình cực kì đói khổ nên trong lòng người thanh nhiên bước vào đời ấy cũng khó mà yên. Năm 1847, Nguyễn Đình Chiểu vừa trở ra Huế để học. Năm Kỷ Dậu (1849), kì thi Hương bắt đầu, Nguyễn Đình Chiểu hăm hở chuẩn bị đi thi và hi vọng đạt kết quả cao thì chẳng may được tin mẹ ông mất, Nguyễn Đình Chiểu đành bỏ thi lập tức trở về Nam để chịu tang mẹ. Thật là: Lỡ bể báo hiếu, lỡ đường lập thân.

Vì đường sá xa xôi, vì đau buồn lo nghĩ và thương mẹ nên trên đường về Nam, Nguyễn Đình Chiểu bị đau mắt nặng. Không nhìn thấy được để đi, ông phải xin vào nghỉ ở nhà một ông thầy thuốc vốn dòng ngự y ở Quảng Nam để chữa bệnh. Nhưng vì bệnh tình quá nặng, nên đôi mắt của ông đã vĩnh viễn không nhìn thấy nữa. Trong thời gian này, vừa chữa bệnh Nguyễn Đình Chiểu vừa tranh thủ học thêm nghề thuốc. Năm sau, Nguyễn Đình Chiểu về đến nhà. Không đi đâu, ông đóng cửa ở nhà để tang mẹ. Từ đây, ngoài việc đèn sách, Nguyễn Đình Chiểu còn gánh vạch việc gia đình. Ông dạy dỗ kèm cặp các em học hành. Lúc rảnh rỗi ông bảo các em lấy sách đọc ông nghe. Cũng từ đây, Nguyễn Đình Chiểu lấy hiệu là Hối Trai. Sau khi mãn tang mẹ (1849) để nuôi nấng cả gia đình, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học ở Bình Vị (Gia Định). Nghe tiếng ông hay chữ, tính nết điềm đạm, giàu lòng thương người nên học trò học rất đông. Ngoài việc dạy học, Nguyễn Đình Chiểu còn làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân, miệt mài nghiên cứu y học dược liệu và sáng tác thơ văn. Thời gian này ông sáng tác Dương Từ - Hà Mậu. Thấy không hi vọng gì ở đường công danh của Nguyễn Đình Chiểu và ông là người đã mù, nên nhà giàu trước hứa gả con gái cho Đồ Chiểu đã bội ước. Trong khi đó, một người học trò của ông đã gả em gái cho thầy. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta. Phẫn uất trước hành động cướp nước của quân giặc và đau xót trước cảnh nhân dân chạy loạn, Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài thơ Chạy giặc nổi tiếng. Sau đó, Nguyễn Đình Chiếu đưa gia đình về lánh nạn ở quê vợ ở làng Thanh ba, huyện Phước Lộc, Gia Định. Trong thời gian này, ông sáng tác Truyện Lục Vân Tiên để nói lên cảnh ngộ và bộc lộ tâm trạng của mình. Ngày 13 tháng 11 năm 1861, Pháp đem quân đánh chiếm Cần Giuộc, Tân An, Gò Công, nhân dân đã một lòng đứng lên đánh giặc. Cảm kích trước hành động hi sinh vì nước của nghĩa quân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - một áng văn yêu nước bất hủ của lịch sử văn học Việt Nam. Lần đầu tiên, trong lịch sử văn học nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công tượng đài sáng chói về người nông dân đánh giặc cứu nước. Năm 1862, sau khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp. Cần Giuộc cũng bị Pháp đánh chiếm, Nguyễn Đình Chiểu nhất quyết không chịu sống vùng giặc chiếm đóng, ông đưa gia đình về ở Ba Tri (Bến Tre). Tại đây, ông vừa dạy học, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Lúc này, Nguyễn Đình Chiếu sáng tác Ngư Tiều y thuật vấn đáp một tác phẩm vừa có tính văn học, vừa có tính y học cao.

Mặc dù đời sống chật vật, đi lại khó khăn, Nguyễn Đình Chiểu vẫn liên hệ chặt chẽ với Trương Định và các lực lượng kháng chiến khác. Ông đã cùng Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt xướng họa thơ phủ để tố cáo tội ác của giặc và phê phán những nhà nho ươn hèn can tâm làm tay sai cho giặc- Tuy sống trong cảnh nghèo, nhưng trước sau như một: Nguyễn Đình Chiểu vẫn thanh cao, trong sạch. Thực dân Pháp đã nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông đều từ chối. Năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ tuổi. Kết thúc cuộc đời lao động và cống hiến không biết mệt mỏi cho nhân dân và đất nước!

Nguyễn Đình Chiểu đã để lại nhiều tác phẩm văn học quý báu: Truyện Lục Vân Tiên; Dương Từ - Hà Mậu; Ngư Tiều y thuật vấn đáp; một số bài văn tế nổi tiếng: Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận Vong Lục tỉnh... và nhiều bài thơ khác. Nói tóm lại, cuộc đời Đồ Chiểu là một tấm gương sáng ngời về nghị lực và đạo đức, đặc biệt là thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không mệt mỏi cho lẽ phải, cho quyền lợi của nhân dân, đất nước. Trong một Đồ Chiểu có ba con người đáng quý: một thầy giáo mẫu mực đặt việc dạy người cao hơn dạy chữ, một thầy lang lấy việc chăm lo sức khỏe của nhân dân làm y đức, một nhà văn coi trọng chức năng giáo huấn của văn học trên cơ sở sáng tạo nghệ thuật và là ngọn cờ tiêu biểu của nền văn học yêu nước chống giặc ngoại xâm đầu thời Pháp thuộc! Cụ không chỉ là tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật cho hôm nay mà còn cho muôn đời sau!