Bài làm

Học đã sôi cơm nhưng chưa chín

Thi không ăn ớt thế mà cay

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt

Thám hoa chưa khỏi phạm trường quy

Đó là những bài thơ đau xót đúc kết chuyện thi cử của ông Tủ một nhà nho cuối mùa không thành đạt. Tú Xương là một nhà nho thất thế, bị cuộc đời từ chối. Nhưng ông vẫn không muốn trốn chạy cuộc đời. Cuộc đời, quê hương và cá tính sáng tạo của Tú Xương đã hình thành nên tiếng cười, tiếng khóc trong thơ ông, đặc biệt là tiếng cười sắc sảo, độc đáo, cười ra nước mắt mà có người đã nhận xét Tú Xương cười như mảnh thủy tinh vỡ. Ở đây, bài viết không nhằm nói đến những biểu hiện đa cung bậc của tiếng cười trong thơ Tú Xương mà muốn đề cập đến nghệ thuật tạo nên tiếng cười đó, nghệ thuật tạo nên một phong cách trào phúng rất riêng, phong cách trào phúng Tú Xương.

Khi nói đến thơ văn Tú Xương, điều trước tiên mà người ta liên tưởng đến là những tiếng cười mỉa mai, cay độc. Những câu chửi tinh vi mà tàn nhẫn, những ngọn rọi rất sắc rất ngọt quất thẳng vào những thói hư tật xấu của một xã hội giao thời. It ai nghĩ đến những tâm sự u uất, những nỗi thương tâm của một người ưu thời mẫn thế, bị xã hội hắt hủi, của một người trí thức yêu nước, bất lực trước hành động của bọn cướp nước và bán nước. Quả thật, người ta biết Tú Xương về mặt nghệ thuật trào phúng nhiều hơn về nghệ thuật trữ tình.

Khác với Nguyễn Khuyến, tiếng cười bao giờ cũng thâm trầm, kín đáo. Ở Tú Xương, biên độ của những tiếng cười cách biệt rất rõ. Điều này khiến cho giọng thơ trào phúng của Tú Xương có nhiều thanh điệu, cung bậc khác nhau. Có khi là một tiếng cười hóm hỉnh, nhẹ nhàng mà trong sáng, thanh thản. Đó là lúc nhà thơ thấy cuộc đời đáng yêu, đáng vui một chút:

Huống gì đã đỗ tú tài

Ngày tết đến cũng phải một, hai câu đối,

Trong thơ Tú Xương, những tiếng cười vô tư đó khá hiếm hoi. Tiếng cười thường gặp trong thơ Tú Xương là một tiếng cười khác hẳn. Viết về bà Tú vẫn có một nụ cười buồn buồn, nhân hậu, nụ cười xiết bao yêu mến. Những bài thơ cười cái nghèo, cười thi hỏng, cười thói ăn chơi của mình, tiếng cười của ông pha nước mắt, nhiều lúc lại như cười gằn, nhiều lúc cười phá lên, có chút gì khinh bạc. Đối với các xấu xa, nhơ bản của cuộc đời, tiếng cười của Tú Xương khi bị đốt chát, khinh bỉ, khi thì đánh một cái chết tươi.

Nghệ thuật trào phúng của Tú Xương đạt đến đỉnh cao trước hết vì tiếng cười của ông là sự phê phán của một lí trí nhạy bén nhưng đồng thời cũng là cảm xúc nhạy bén của con tim. Chiều sâu của tiếng cười ấy chính là ở chỗ nhà thơ phát hiện được những mâu thuẫn đa dạng của sự vật. Đó là cảnh ông cử tân khoa ngỏng đầu rồng trước một mụ đầm ngọi đít vịt, một cô gái hám tiền đi lấy Tây sau đó chán chường, bỏ Tây đi tu, nhưng:

Khép cánh từ bi, mở cánh tình.

Và những trò lố lăng khác: Mẹ vợ ăn nằm với chàng rể, dốt mà đậu cao, nghèo kiết mà thích chơi hoang, xấu xí lại hay trưng diện. Nhà thờ biết đầy các mâu thuẫn khôi hài lên cao độ rồi giải quyết một cách bất ngờ.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

Thơ trào phúng Tú Xương thường nhập đề và kết luận một cách bất ngờ, đột ngột. Nhà thơ đi thẳng vào trung tâm của sự việc:

Thọ kia mày có biết hay chăng

Con vợ mày kia, xiết nói năng!

Vợ đẹp, của người không giữ được

Chồng ngu, mượn đứa để chơi nhăng.

(Để vợ chơi nhăng)

Toàn bài thơ bình thường đến hiền lành nhưng câu kết hết sức thú vị, tàn nhẫn:

Cụ xứ có cô con gái đẹp

Lăm le xui bố cưới làm chồng

Cái khó theo nhau mãi thế thôi

Có ai hay chỉ một mình tôi...

Biết thân thuở trước đi làm quách

Chẳng kí, không thông cũng cậu bồi.

Cái tài của Tú Xương là làm thơ trôi chảy mà chữ dùng rất xác đáng thích hợp, nhất là những chữ có tính cách mô tả hoặc trào lộng.

Đi đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Loẹt lòe trên vách bức tranh gà

Chí cho chí chát khua giày dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Những chữ đi đẹt, loet lòe, chỉ cha chỉ chát, đen thủi đen thui cho ta biết ngay cảm giác khó chịu của Tú Xương đối với cái rộn ràng, vô vị của ngày Tết.

Có những chữ nặng nề chua chát, có những chữ khôi hài, hóm hỉnh:

Xanh đồng, trắng lại đen rưng rúc

Có những chữ tầm thường mà hài hước đột ngột, hoặc những chữ ỡm ờ, nửa tục, nửa thanh.

Nhện con tấp tểnh giăng tơ nõn

Tơ chẳng như ai vẽ mặt hồ.

Có khi ông liều lĩnh dùng đến cả những chữ Tàu, chữ Pháp thông dụng làm thơ cho ông có vẻ láu linh hơn lạ thường:

Gặp ván bài đen đã chẳng ù

Nào ngờ lại gặp chủ phi lu.

Để tạo nên tiếng cười, ông Tủ sử dụng khá thường xuyên thủ pháp phóng đại. Đối tượng trào lộng gây tiếng cười bị bóp méo, làm mất đi cái tỉ lệ thực tế, trở nên quái dị, lố bịch:

Thầy đỗ, thầy học

Dạy học, dạy hành

Vài quyển sách nát

Dăm thằng trẻ ranh.

Thành công của Tú Xương còn ở chỗ tạo ra sự biến đổi giọng điệu trong thơ. Thơ trào phúng của ông khá nhanh nhẹn, tươi tắn khác thường. Trong những bài tứ tuyệt, sự châm biếm của ông mau lẹ, rắn rỏi, có khi trêu cợt mà bình tĩnh, như muốn làm cho người ta cười mà chính mình không cười. Nếu có, đó chỉ là nụ cười mỉm, thâm trầm:

Nó rủ nhau đi hát của trời

Đang khi trời ngủ của trời rơi

Hót may kẻo nữa kinh trời dậy

Trời dậy thì bây chết bỏ đời.

Cũng có khi nhẹ nhàng mà châm chọc, lại có khi buồn tình, ông tưởng tưởng xa xôi, lên giọng bông đùa khoác lác để giễu cợt:

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo

Tiền bạc trong khi chưa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

Trà sen mướn hỏi giá còn kiêu.

Tú Xương lợi dụng triệt để những khả năng của các thể thơ. Thơ trào phúng của Tú Xương thường viết theo thể thất ngôn bát cú, tứ tuyệt hoặc lục bát. Thể lục bát được vận dụng trong những bài có tính cách bỡn cợt tình tứ:

Đêm qua anh đến chơi đây

Giày dồn anh dận, ô Tây anh cầm.

Thể thất ngôn bát củ có hai đặc điểm mà ông Tú đã triệt để khai thác cho tiếng thơ trào phúng của mình, đó là những câu đối và câu kết:

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ sắc hóa ra không.

Ông Tủ còn đặt cái nét trào phúng của bài thơ vào câu kết nhiều khi trêu cợt cay chua một cách đột ngột:

Trông ông mốc thếch như trăng gió

Ông được phong lưu tại nước da...

Đó là phương pháp trào phúng lợi hại, bắt đầu bình tĩnh để chấm dứt đột ngột, giả bộ tán thành để rồi đả phá cay chua nghiệt ngã. Cái thông minh của Tú Xương biểu hiện ở chỗ đó.

Thơ trào phúng Tú Xương thể hiện một khả năng trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ hoạt bát mà sắc cạnh, uyển chuyển mà chính xác, là thứ ngôn ngữ hàng ngày nhiều ví von, vận dụng lối nói lái, lộng ngữ, tục ngữ, chơi chữ...Nếu cái cười của Nguyễn Khuyến là cái cười nhẹ nhàng của một học giả thì cái cười của Trần Tế Xương là cái cười ngang tàng chua cay của một nhà nho nghệ sĩ mang nặng trong tâm hồn một vết thương. Và nếu cái cười của Tú Xương lại là một cái cười mỉa mai có khi gay gắt tủi cực.

Thơ Tú Xương không những chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn đạt đến những sự thật đáng buồn đáng thương, đáng ghét xảy ra trong xã hội người đời, ở bất cứ thời đại nào. Trình bày dưới một hình thức dễ dãi, dụng công tài tình mà kín đáo, dung hòa cái tình ý thâm thủy của nhà Nho với cái vui đùa ngông ngáo của bình dân. Thơ Tú Xương là một lối thở thoát khuôn sáo, rất thành thật, tự nhiên, đánh dấu trong thi văn bước đi cuối cùng, mạnh dạn nhất trên con đường tiến tới tính dân tộc, tính Việt Nam.