BÀI LÀM
Lớp chúng em vừa diễn ra một cuộc tranh luận đầy thú vị với đề tài: Trong cuộc sống cái gì quý nhất? Ba bạn An, Bình, Dung say sưa phát biểu: An nói lúa gạo là quý nhất, còn Bình nói là vàng bạc, Dung thì cho là thời gian. Mỗi bạn đều bảo vệ ý kiến của mình. Theo tôi, các thứ mà các bạn nêu lên quả thật đều quý, nhưng nó không phải là cái quý nhất, mà cái quý nhất là lao động. Qua thực tế cuộc sống cũng như qua nhưng hiểu biết từ sách vở ta có thể làm sáng tỏ ý kiến này.
Trước hết ta cần hiểu lao động là gì? Lao động là hoạt động chân tay hay trí óc để làm ra của cải vật chất và tinh thần nhằm phục vụ cho sự sống, sự tiến bộ của xã hội. Cũng từ đó, những giá trị to lớn của lao động đã chứng tỏ được cái quý nhất trên đời này.
Trong cuộc sống, lao động là hoạt động đặc trưng của con người, bởi vì lao động không chỉ là hoạt động của chân tay mà còn là hoạt động có ý thức có mục đích mà chỉ có con người mới có thể làm được. Chính nhờ có lao động mà con người tách khỏi thủy tổ của mình là giống vượn người. Rồi cũng chính nhờ lao động mà con người dần dần tự phục vụ bản thân, biết lao động để xây dựng gia đình, xã hội... ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Nhờ có lao động con người mới khỏe khoắn, trí thông minh được phát triển, dễ dàng tiếp thu và sáng tạo mọi thứ trên đời.
Chúng ta đồng ý lúa gạo, vàng bạc là những thứ quý giá nhất như hai bạn An và Bình đã trình bày. Nhưng thử hỏi nhờ đâu mà có được những thứ quý giá đó? Nếu không lao động thì con người có được những sản phẩm ấy không? Lao động không chỉ tạo ra lúa gạo, vàng bạc mà nó còn có thể đem lại cho con người mọi của cải vật chất trên đời. Từ bát cơm thơm ngon ta ăn, ngôi nhà khang trang ta ở... đến mọi tiện nghi ta sử dụng, sinh hoạt cũng như những công trình đồ sộ vĩ đại như thủy điện Sông Đà, Trị An... đều là kết quả của lao động, của bàn tay và khối óc của con người. Đời sống của con người ngày càng phát triển và nâng cao, những phát minh của khoa học ngày càng tối tân hiện đại (tàu vũ trụ lên cung trăng, hoặc xuống tận đại dương) đã chứng tỏ khả năng lao động sáng tạo của con người vô cùng phong phú.
Không chỉ tạo ra của cải vật chất, lao động còn là nguồn gốc của mọi giá trị tinh thần. Một câu hát “ầu ơ”, một điệu hò trên cánh đồng xuất phát từ trái tim giàu cảm xúc của một chàng trai hay của một cô gái... đều là sản phẩm của lao động. Thơ, ca, nhạc, họa... đều là sản phẩm của lao động nhưng mỗi thứ được biểu hiện qua hình thức khác nhau. “Truyện Kiều” là kết quả lao động tim óc của Nguyễn Du, để lại cho dân tộc một niềm vinh dự tự hào to lớn. Danh cầm Đặng Thái Sơn đã rộn rã mỗi khi đón nhận những tràng pháo tay như thành quả sau bao năm miệt mài rèn luyện trên phím đàn. Dù là thiên tài, họ vẫn phải cần cù lao động mới đạt thành tích hơn người. Trong lĩnh vực khoa học cũng vậy, muốn phát minh, sáng chế ra một vật liệu máy móc hoặc một chất mới lạ thì nhà khoa học cũng phải giam mình trong phòng thí nghiệm tìm tòi thử nghiệm với một thời gian dài, có khi cả một đời người, như Pierre Curie và Marie Curie đã phải vất vả trong suốt bốn năm trời trong phòng thí nghiệm mới khám phá ra nguyên tố phóng xạ radium. Công việc và giá trị lao động của họ không có gì sánh nổi. Của cải mất đi, bằng lao động con người có thể tìm và chế tạo lại được, còn như nếu mất khả năng lao động hoặc không chịu lao động thì tất cả sẽ mất theo, cuộc sống sẽ ngừng lại... Lúc này, lúa gạo, vàng bạc, luôn cả thời gian cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi.
Như vậy các bạn thấy đấy, trong cuộc sống của chúng ta, lao động mới chính là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của con người - nó luôn luôn đóng vai trò quyết định. Điều đáng quý nhất trên đời là lao động, bởi lao động là nguồn gốc tạo ra mọi của cải cho xã hội, cho con người. Do đó, mỗi người chúng ta cần phải ý thức: Lao động không những là nghĩa vụ của con người đối với xã hội mà còn là quyền lợi thiêng liêng của những con người chân chính.