Dòng sông nào mà không có những tên gọi về nó. Dòng sông ra đời lớn lên trên một vùng đất như đứa con lớn lên trong lòng người mẹ. Từ lúc còn đỏ hỏn trên tay đến lúc trưởng thành chỉ riêng mẹ mới biết vì sao mẹ đã gọi con bằng những cái tên âu yếm thân thương... rồi sau đó cuộc đời sẽ gọi con bằng cái tên duy nhất. Cái tên để sống với mọi người.
Con sông Ray cũng có nhiều tên gọi. Nếu có ai vô tình gặp con sông Ray, sẽ không nghĩ mình đang đi qua một dòng sông. Từ thượng nguồn về đến hạ lưu, mùa khô con sông Ray giống như một con suối nhỏ. Sông Ray nhỏ lắm. Nhỏ hơn Ngàn Phố, Ngàn Sâu đầu nguồn sông La. Nhỏ hơn sông Ba Lòng, sông Pô Cô. Nhỏ hơn sông La Ngà, sông Bé hai chi lưu của sông Đồng Nai. Nhưng sông Ray giống những dòng sông vĩ đại ở chỗ nó không là sông nhánh, nó là con sông có ngọn nguồn và tự mình chảy ra biển cả... Phải chăng vì thế người ta mới gọi nó là sông mà không gọi là suối, là khe. Nhìn lên bản đồ Việt Nam, chẳng thể tìm được sông Ray, trên bản đồ tỉnh Đồng Nai, sông Ray nhỏ bằng sợi chỉ. Một sợi chỉ màu xanh chảy ngoằn ngoèo gần như sắp nối thành nút thành cuộn nhưng rồi vẫn cố gắng uốn lại cho thẳng về hướng Nam ra biển. Đầu sợi chỉ ấy là núi Chứa Chan, ngọn núi không cao, không to nhưng cũng đủ làm đích cho tầm mắt người miền Đông đi xa quê hương phải tìm kiếm bóng dáng mỗi khi thấy lòng nhớ nhung...
Cuối sông là cửa Lộc An, một cửa biển hiền lành thoáng chút hoang sơ. Trước đây rừng già phủ kín, thủy triều xuống không thấy bãi cát, chỉ thấy cây rừng chen nhau mọc từ đáy biển lên.
Sông Ray chảy dọc rừng già miền Đông, chảy dọc chiến khu Bà Rịa - Long Khánh. Trong chiến tranh nó là con sông cách mạng. Biết bao cán bộ chiến sĩ đã từng uống nước, từng gắn bó cuộc đời hoạt động của mình với con sông Ray.
Cái tên sông bắt đầu từ một huyền thoại của người Chơ Ro. Trong những đêm chiến tranh, bên đống lửa sáng bập bùng, lời kể về tiểu sử thơ mộng của dòng sông đã làm say lòng người...