Tôi vốn là kẻ có nhiều duyên nợ với rừng, nên khi được “thả về rừng” thật không thể nào tả nổi những cảm xúc của mình. Cái cảm xúc mà chỉ có lúc xa nó, lắng lại, mới tự thấy được mình phần nào còn thơ dại, phần nào còn nông nổi quá. Cái nông nổi thơ dại ấy thật ra bắt nguồn từ đâu và ý nghĩa của nó thế nào, nhiều lúc cảm được mà không tài nào giãi bày ra được. Từ trên sân thượng của ngôi nhà 10 tầng, nơi đỉnh cao của công trình thủy điện I-a-li nhìn xuống đại cảnh, tôi chợt cảm thấy nổi da gà. Mới hôm qua thôi, cả một vùng rừng mênh mông nay đã biến thành hồ chứa hàng triệu mét khối nước. Chao ôi là sức mạnh của bàn tay khối óc con người! Đến bao giờ thì con người chế ngự hoàn toàn được thiên nhiên? Liệu có ngày nào khi báo lũ tràn về, con người chỉ cần bấm nút một cái là tan bão lũ? Liệu có đến một ngày nào đó sự thông thái của con người sẽ khiến cho thiên nhiên kinh hoàng, quy phục hoàn toàn bằng chính quy luật tự nhiên của tạo hóa? Hay đến một lúc nào đó chính con người chúng ta cần phải biết rằng, bản thân sự có mặt của chúng ta trên thế gian này cũng chỉ là một sản phẩm tự nhiên của thiên nhiên mà thôi. Từ trên đỉnh cao núi Măng Đen nhìn xuống đại ngàn, tầng tầng lớp lớp rừng xanh, tầng tầng lớp lớp những điều bí ẩn của từng rễ cây mạch nước, của từng viên sỏi, phiến đá triệu năm tuổi đến số phận con người, những tộc người lẩn khuất tựa hồ phấn hoa, tựa hồ hương trầm, tựa hồ một tiếng mang tác dưới lòng thung, tiếng lấy dây của một phím đàn làm từ tre nứa, làm từ chất liệu của cây rừng. Giá mà mười năm trước, hai mươi năm nước ta có được cái nhận thức về rừng như ngày hôm nay nhỉ? Thương thay cho những cánh rừng đại ngàn phải hiến thân cho những cái nhìn thiển cận một thời chỉ lo cây sắn, củ khoai, chỉ lo cái ăn trước mắt mà không tính được lợi ích lâu dài. Thương thay cho những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá chỉ bởi một luồng cư dân di chuyển tự do, chỉ bởi bàn tay bọn lục lâm thảo khấu bòn rút. Và còn bởi rừng ơi, chỉ có Người mới là thế mạnh cho ta một cuộc đổi đời...