Giữa một chiều thu Hà Nội, nơi gió cứ nhẩn nha bên cây bàng góc phố, tội chợt thấy lòng mình như bâng khuâng, như bứt rứt trước những tiếng thầm thì phố cổ. Thật lạ lùng! Đâu chỉ Hà Nội mới có phố cổ. Trăm nét, ngàn dáng, những khu phố cổ trên thế giới này. Và Phố Hiến, Hội An và Huế và Tam Bạc (Hải Phòng)... Ở những nơi đây, chắc chắn, ta sẽ gặp lại những phố cổ rêu phong, gặp lại những dấu tích lấp lánh của một thời văn hóa chưa xa. Vậy mà trong lòng tôi - và có lẽ trong tâm tình người Hà Nội, cũng như trong tâm hồn du khách trong và ngoài nước - phố cổ Hà Nội vẫn cứ như một dấu tích tiềm ẩn, một kỉ niệm, một giấc mơ, hay một tiếng thầm thì nơi kí ức. Lâu lắm rồi, tôi trở về bên phố cổ, lòng rộn lên những âm hưởng của thời Hà Nội băm sáu phố phường với những bàn cờ chi chít dọc ngang chỉ riêng Hà Nội có. Và tình cờ, mà như hẹn gặp, một giai điệu đẹp đến u uất bỗng vang lên và đeo đẳng mãi trong tôi: “Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em...”. Tôi biết cái âm giai ấy không dành riêng cho phố cổ, nhưng với tôi và với những người con Hà Nội, đó chính là âm vang từ lòng phố cổ, nó là lời nhắn nhủ, nhắc nhở, gửi gắm, nó là tiếng thầm thì nơi phố cổ, là tiếng kêu cứu hay lời hiệu triệu cho một phố cổ ở tương lai.

Hòa trong dòng người giữa một hoàng hôn thu muộn, tôi vẩn vơ đạp dạo quanh bàn cờ thành phố. Những ấn tượng vốn được lưu giữ trong tôi có bị sứt mẻ phần nào, nhưng may mắn thay, vẫn còn kia những phố cổ dịu dàng núp bóng cây xanh. Chẳng hiểu những ngôi nhà ống dài dặc kia, cái mái ngói rêu phong nơi đều đặn, chỗ xô nghiêng kia ẩn tàng những gì mà có sức cuốn hút lòng người đến vậy. Biết bao nhiêu thế hệ, biết bao nhiêu con người đã gắn mình, đã sống chết, vui buồn, thăng trầm với phố cổ. Nhiều khi, tôi cứ tự hỏi mình những câu đại loại như vậy. Và nhiều khi tôi cứ đi tìm câu trả lời trên những gương mặt đủ màu sắc, đủ sắc độ tình cảm đang ríu rít quanh ngôi nhà dài phố cổ. Có lẽ nào, cái vết hằn văn hóa kiến trúc truyền thống lại đọng trong lòng người sâu nặng tới mức ấy sao? Hay còn vì một lẽ gì khác, mà tôi chưa lí giải.

Hầu như cho đến bây giờ, và có lẽ còn lâu, lâu nữa, cuộc đời tôi, cuộc đời bạn bè cùng lứa với tôi đã gắn bó với phố cổ. Cái mảnh ngói chao nghiêng kia cũng chứa đựng nhiều kỉ niệm. Cái mảnh tường bong vôi còn hằn vết trò chơi đáo tường tuổi thơ và cây bàng góc phố vẫn như còn níu giữ một mảng kỉ niệm thơ ấu sáng trong. Bao nhiêu thu rồi. Bao nhiêu mùa lá xanh lá đỏ, nó vẫn trụ vững đó như một nhân chứng dãi dầu của cuộc đời bên phố cổ. Vẫn còn như in trong lòng tôi cái phấp phỏng như mê của trò chơi ú tim đêm ha, mà tán bàng xanh um đã chở che tôi. Vẫn hồi hộp như ngày nào những trò chơi ấu thơ sôi động quanh phố cổ, tưởng đến bây giờ, vẫn trái tim non trẻ ấy còn đập vội trong tôi. Ôi ra vậy! Kỉ niệm muôn đời vẫn tươi xanh như tán bàng phố cổ, những kỉ niệm vui buồn chẳng tuổi thơ nào không có.

Bất chợt, tôi như hòa tan vào niềm giao cảm thánh thần và đã thấy mình đang đứng trước một cái đền ẩn mình nơi phố cổ. Cái đông vui, náo nhiệt của phố phường dường như tan biến mất. Và tôi như đang lạc vào cõi tĩnh lặng của một thời huyền ảo. Cũng hẹp và dài kiểu những ngôi nhà phố cổ, nhưng không gian nguyên sơ của đền vẫn khoáng đạt, vẫn rộng rãi bởi tư thế vươn lên của kiến trúc vuốt cao thanh thoáng. Trong chiều sâu tâm tưởng, chìm trong cội nguồn lịch sử, tôi chiêm ngưỡng những sắc phong vị thần có công với nước, những kiệu, tướng, tượng, nón, chuông, hoành phi, câu đối... với những kiểu dáng phong phú và có sức cuốn hút không giống nhau. Và, một cái gì như niềm xúc cảm, niềm tin tưởng dâng trào trong tôi. Vậy đấy. Chúng ta đâu có cắt đứt với truyền thống. Chúng ta vẫn có ý thức, có tâm hồn, có hành động giữ gìn vốn liếng và mạch nguồn văn hóa cổ truyền quý giá của dân tộc. Bởi, ngay trong lòng các đô thị lớn như thủ đô, vẫn có những đền, những đình, những chùa đầy ắp báu vật, như cái đền thờ Quốc tổ Hùng Vương nơi phố cổ, mà tôi đang chiêm ngưỡng đây. Và, như một điều khẳng định, tôi bỗng tin vào sức sống vô tận của phố cổ với những ngôi nhà dài dặc, già nua đã đi vào tranh ảnh, thơ ca, truyền thuyết. Không, phố cổ không thể mất. Cái giá trị lịch sử - văn hóa mà nó đại diện sẽ là sợi dây an toàn cho phố cổ. Phố cổ là hôm qua, hôm nay và tương lai của Hà Nội đích thực. Không ai lại ấu trĩ và ngu muội tới mức xóa đi một nét hằn văn hóa, một niềm quyến rũ du khách trong - ngoài, như phố cố chốn Hà thành...

Tôi bước đi giữa phố, giữa nhà, lòng rộn lên những xúc cảm trái chiều, đầy mặc cảm, đầy băn khoăn về tương lai của khu phố bàn cờ Hà Nội. Phố cổ thâm nghiêm cũng đang bị cuốn theo cơn sốt đất đai, cơn sốt mặt tiền. Đó đây, giữa phố cổ đã chòi lên những nhà tầng, khách sạn hiện đại. Khang trang thật, đẹp thật, nhưng mới lạc lõng làm sao. Chợt thấy một đề án quy hoạch bảo vệ phố cổ, một sắc lệnh bảo vệ không gian, kiến trúc và môi trường phố cổ thật là cần thiết. Có lẽ nào một báu vật của tương lai - như phố cổ - lại cứ phải oằn mình trước bao nhiêu thách thức không lường: Sự hủy hoại của thiên nhiên cộng với sự phá hoại (vô tình hay hữu ý) của con người. Đừng để một lúc nào đó, tất cả chúng ta lại phải nuối tiếc vì không còn phố cổ. Âm hưởng của bài hát lại ngân lên trong tôi: "... Ta còn em hàng phố cũ rêu phong và từng mái ngói xô nghiêng...”. Như nhắc nhủ. Như xoáy vào lòng người giữa hoàng hôn phố cổ. Phố cổ của lòng tôi. Phố cổ của mỗi người. Phố cổ của Hà Nội và của cả nước. Và bỗng dưng, tôi tin, thật tin vào sự tồn tại vĩnh hằng của phố cổ tôn nghiêm, như từng tin vào sức sống mãnh liệt của nền văn hóa truyền thống đầy bản sắc của dân tộc mình.