Những người theo đòi học vấn thời xưa ai cũng có thầy. Thầy là kẻ truyền đạo, dạy nghề, giảng giải những điều ngờ vực. Con người không phải sinh ra là đã biết hết mọi nhẽ, ai mà chẳng có những điều ngờ vực? Ngờ vực mà không học thầy thì cái điều ngờ vực ấy cuối cùng cũng không giải quyết được. Những người sinh ra trước ta, cố nhiên họ biết về đạo trước ta, ta theo mà học họ; những người sinh ra sau ta, nếu họ có thể biết về đạo trước ta, ta cũng theo mà học họ. Ta cốt học cái đạo, cần gì phải biết là họ sinh ra trước hay sau ta? Vì thế cho nên bất luận địa vị cao hay thấp, nhiều tuổi hay nhỏ tuổi, nơi nào có đạo thì ở nơi đó có thầy vậy.

Than ôi, cái lẽ học thầy từ lâu đã thất truyền thì có muốn cho người biết cái điều ngờ vực cũng khó lắm thay! Các thánh nhân ngày xưa, cái hơn người đã hẳn rồi, vậy mà còn tìm thấy để học hỏi. Đám đông ngày nay sự thua kém các thánh nhân cũng đã hẳn rồi thế mà còn lấy việc học thầy làm xấu hổ. Vì như vậy cho nên bậc thánh thì càng thánh mà kẻ ngu dại lại càng ngu. Bậc thánh sở dĩ là thánh, kẻ ngu sở dĩ là ngu, lí do cũng chỉ thế mà thôi! Những kẻ yêu con biết chọn thầy để dạy con, cũng vẫn coi việc mình học người là xấu hổ, thật là làm vậy. Ông thầy dạy trẻ em đọc sách và tập ngắt câu đâu phải là kẻ truyền đạo, giảng giải điều ngờ vực như tôi nói đâu. Không biết ngắt câu thì tìm thầy mà học, còn có những điều ngờ vực lại không tìm thầy mà học. Học cái nhỏ mà bỏ cái lớn, tôi chẳng thấy họ sáng suốt chút nào. Thầy cúng, thầy thuốc, thầy nhạc, người làm các nghề khác đều không coi việc học hỏi nhau là xấu hổ. Còn những kẻ có học, làm quan, thì mỗi khi nói ai là thầy của ai, ai là trò của ai liền túm tụm mà cười. Hỏi tại sao thì nói: Kẻ ấy và kẻ kia cùng trạc tuổi với nhau, học vấn cũng tương tự như nhau thôi. Học kẻ địa vị thấp hơn mình thì cảm thấy sỉ nhục mà học kẻ địa vị cao hơn mình thì cảm thấy như là a dua. Chao ôi, cái đạo học thầy không còn, nghe thế cũng đủ biết vậy. Thầy cúng, thầy thuốc, thầy nhạc, người làm các nghề khác nhau, những kẻ quân tử đều xem thường cả, cho nên nay tri thức của họ không bằng những kẻ kia, vậy mà họ vẫn còn lấy làm lạ!

Kẻ thánh nhân không có thầy cố định. Khổng Tử đã học Trường Hoằng, Sư Nhương, Lão Đam. Loại người như Đàm Tử về mặt hiền đức đều không bằng Khổng Tử. Khổng Tử nói: Cứ trong ba người cùng đi tất có một người có thể làm thầy ta. Vì thế, học trò không nhất thiết là phải thua thầy, thầy cũng không nhất thiết phải hiền đức hơn trò. Thầy trò chỉ khác nhau về một điểm là biết về đạo trước và sau, nghề nghiệp tinh và không tinh, có thế mà thôi.