BÀI LÀM

Trong quan hệ gia đình, một vấn đề được đặt ra là con cái phải đối xử với cha mẹ như thế nào cho đúng với đạo lí làm người, cho đúng với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Để giải đáp vấn đề đó, ca dao có câu:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Qua bài ca dao trên, nhân dân ta khẳng định công lao to lớn của cha mẹ và khuyên bảo mọi người phải hiếu thảo với cha mẹ. Đó cũng là vấn đề chúng ta cần bàn luận để rút ra bài học bổ ích trong cách đối xử với cha mẹ. Lời ca dao mở đầu bằng lời lẽ thật trang trọng, gợi cảm xúc:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. Cha mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn để mau thành người. Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật là vô tận, công lao ấy chỉ có thể so sánh với núi sông hùng vĩ và trường cửu mà thôi. Với hình ảnh đầy nghệ thuật, bài ca dao muốn nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn, kính trọng cha mẹ, dù thế nào thì chữ hiếu cũng phải được giữ gìn trọn vẹn.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Lời khuyên ấy được đúc kết từ bao đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ: Đạo hiếu làm con đối với cha mẹ là một đạo lí đúng đắn muôn đời. Chúng ta được sinh ra trong vòng tay dịu dàng của mẹ, lớn lên trong dòng kiến thức uyên bác của cha. Chín tháng cưu mang mẹ chịu nhiều gian khổ, rồi lại phải đẻ đau, rồi phải chắt chiu từng giọt sữa ngọt ngào để nuôi ta khôn lớn. Ngày qua ngày cha phải làm lụng vất vả để cung cấp cho ta đầy đủ vật chất, bồi dưỡng cho ta về tinh thần. Ta lớn lên trong sự dưỡng dục, trong sự yêu thương lo lắng của cha mẹ. Quả thật công lao ấy cao ngất trời và mênh mông vô tận như nước trong nguồn. Chúng ta không thể quên điều ấy được. Mỗi người đều có nguồn có cội “Con người có tổ có tông”. Vì vậy, hiếu với cha mẹ là một chân lí, là điều cơ bản nhất trong đạo làm người. Cha mẹ hết lòng vì con cái, hi sinh cả cuộc đời cho con cái thì bổn phận làm con ta phải chân thành biết ơn và tôn kính cha mẹ. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình tốt đẹp sẽ góp phần xây dựng bảo vệ kỉ cương, đạo lí của xã hội. Hiện nay, khoa học đang ngày càng tiến bộ nhưng đạo lí này vẫn là nền tảng của đạo đức, là cơ sở của mọi quan hệ trong gia đình và xã hội.

Lòng biết ơn cha mẹ được thể hiện qua thái độ, lời nói và việc làm của chúng ta. Một con người có hiếu trước hết là phải có thái độ yêu thương, kính trọng cha mẹ. Một lời nói lễ phép, một thái độ vâng lời, một cử chỉ nhỏ săn sóc mẹ cha... đều là biểu hiện cụ thể của chữ hiếu. Cha mẹ nuôi con không bao giờ mong con đền đáp lại công lao ấy, song nghĩa vụ thiêng liêng của con cái là phải biết giúp đỡ, chăm lo phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi cao sức yếu. Dù ta có báo đáp đến đâu cũng không xứng đáng với công lao to lớn như biển trời của cha mẹ. Vì vậy đạo làm con phải có hiếu với cha mẹ là đạo lí, là nhân cách làm người.

Bài ca dao đã nêu lên một nét đẹp rực rỡ thiêng liêng nhất của con người. Nghe lời cha mẹ, biết chăm chỉ học hành để cuối năm đạt kết quả cao tức là ta đã làm cho cha mẹ vui lòng. Ta cũng nên hiểu rằng, ngoài bổn phận có hiếu với cha mẹ trong gia đình, ta còn có bổn phận “hiếu với dân” nữa; như Bác Hồ đã từng dạy: “Trung với nước, hiếu với dân” là vậy. Đây là một phương châm sống, giúp ta vừa giữ trọn đạo làm con, vừa trở thành người công dân tốt, hữu ích cho xã hội.