BÀI LÀM

Dù Bác Hồ đã đi xa, nhưng trong trí nhớ mỗi người học sinh Việt Nam chúng ta vẫn luôn khắc sâu những lời dặn dò bao yêu thương trìu mến của Người trong ngày khai trường đầu tiên: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Lời dạy bảo sâu sắc thúc đẩy chúng ta hành động, nhưng trước hết, để làm tốt, học sinh chúng ta phải hiểu đúng và rõ lời dạy đó.

Hiểu được thế nào là một đất nước vẻ vang thật khó, và để đưa đất nước lên vị trí vẻ vang trên thế giới càng chẳng dễ chút nào. Một đất nước được coi là vẻ vang với bạn bè năm châu là đất nước đạt được một số thành tựu cao, nổi tiếng với thế giới trong một vài lĩnh vực nào đó, có thể là kinh tế, văn hóa, hay chính trị...

Việt Nam đã là một nước vẻ vang trên một mặt nào đó, nhưng Bác chưa hề muốn dừng lại ở đây. Bác còn kêu gọi chúng ta nâng cao hơn vị trí của Việt Nam trên thế giới, làm sao để Việt Nam phát triển thành một cường quốc. Như vậy, ý nghĩa của “cường quốc” mang tính chất toàn diện hơn ý nghĩa của từ “vẻ vang” rất nhiều. Một cường quốc phải là một đất nước phát triển khá hoàn diện và phát huy được một số thế mạnh của đất nước đó về kinh tế, chính trị, văn hóa hay quân sự... Thế mạnh, đó phải được nâng cao hơn để có thể sánh vai với toàn thế giới. Như vậy, Bác không muốn chúng ta dừng lại, tự hào mãi với chiến thắng của mình, mà Bác còn hi vọng xây dựng, phát triển đất nước ta mạnh hơn, khá hơn về mọi mặt. Đó mới thực sự là mục đích phấn đấu của chúng ta. Chính vì không thỏa mãn quá đáng với thắng lợi của dân tộc nên ngay sau khi đất nước độc lập, Bác lại lập tức kêu gọi chúng ta bước vào một cuộc chiến đấu mới. Lời kêu gọi của Bác đem đến cho chúng ta nghị lực phấn đấu, không mệt mỏi, không chùn bước để phát huy tiềm năng đã có sẵn như tài nguyên thiên nhiên, vị trí hoàn toàn độc lập trên thế giới. Ngoài ra, nếu không chú tâm xây dựng đất nước từ ngay lúc này, thì biết đâu ngày mai, chúng ta sẽ lại phải gò lưng dưới ách nô lệ của một đế quốc mới. Để địch nổi chúng, tồn tại ngang hàng với chúng thì không còn cách nào khác là phải đưa đất nước đi lên.

Suy nghĩ của Bác thật đúng đắn và sáng suốt biết bao! Và lại càng đáng quý hơn khi Bác đặt vấn đề lớn lao đó với học sinh, những người chủ mai sau của đất nước. Hơn nữa, theo Bác, việc học tập của học sinh hôm nay còn đóng góp một phần lớn cho Tổ quốc mai sau. Suy nghĩ đó của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới thế hệ trẻ; sự đánh giá cao vị trí lớp măng non trong tương lai của đất nước. Qua đó, Bác khẳng định nhiệm vụ học tập của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau là vô cùng quan trọng, vì nó sẽ đóng góp nhiều cho công việc xây dựng đất nước. Tác dụng của việc học tập đối với xây dựng đất nước chúng ta có thể thấy rất rõ qua những môn học ở nhà trường. Ví dụ, một cường quốc phát triển chính là ở các thành tựu khoa học kĩ thuật, mà để phát huy được những thành tựu ấy thì phải có kiến thức chuyên sâu về toán học, vật lí, và hóa học. Vậy nên nếu không học tốt từ bây giờ thì mai sau liệu chúng ta có thể làm được gì có ích không? Ngoài ra, việc giao lưu văn hóa, khoa học kĩ thuật kinh tế, buôn bán trao đổi với các nước trên thế giới là vô cùng cần thiết trong công cuộc phát triển đất nước, vì chúng ta phải học tập những kinh nghiệm tốt của họ, phải làm ăn với họ. Nhưng muốn thế chúng ta phải thạo ngoại ngữ, do đó phải học tập, nghiên cứu từ bây giờ. Còn biết bao các lĩnh vực khác, mà lĩnh vực nào cũng phải có kiến thức mới làm tốt được. Bởi thế, học tập là vô cùng quan trọng và cần thiết nếu muốn phát triển đất nước thành một cường quốc trên thế giới.

Thế nhưng học tập thế nào cho tốt thì cũng không hề dễ dàng. Trước việc học phải có mục tiêu trước mắt và mục đích trong tương lai, có mơ ước hoài bão lớn lao. Điều đó sẽ là động lực thúc đẩy sự phấn đấu vươn lên không ngừng trong học tập. Mỗi người có một ước mơ riêng gắn với một số bộ môn nào đó, thì đương nhiên những môn đó chúng ta cần học sâu hơn. Nhưng cũng không thể chỉ học những môn đó vì xã hội cần những con người có tài năng toàn diện, không thể học cái này mà sao nhãng cái khác. Nếu đối với bất kì vấn đề gì chúng ta cũng có một vốn hiểu biết thì có thể tự lực làm được nhiều việc có ích giúp cho xã hội. Tuy nhiên, mỗi người đều có một sở trường riêng, phải biết phát huy nó. Khi đã phát hiện được thế mạnh của mình, tại sao chúng ta không đào sâu nghiên cứu để phát triển mặt đó mà để nó mai một đi? Ngoài ra nếu chỉ nhét vào đầu những kiến thức suông trong sách vở mà không biết vận dụng ngoài thực tế thì cũng chẳng giúp gì được cho đất nước. Vì vậy, Bác Hồ cũng đã căn dặn chúng ta phải “học đi đôi với hành”. Có như vậy, kiến thức mới có thể trở thành phương tiện tốt cho ta bước vào đời, vì một khi không biến nó thành những hoạt động có ích ngoài cuộc sống thì nó mãi mãi là vô dụng mà thôi. Qua lời dạy của Bác, chúng ta có thể hiểu được phần nào tầm quan trọng của việc học tập đối với đất nước và sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ vinh quang ấy.

Lênin từng dạy thanh niên “Học, học nữa, học mãi”. Bác Hồ lại dạy “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không... chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”, những người học sinh tâm huyết với Tổ quốc đều không thể quên nhiệm vụ quan trọng là học tập, bởi mai sau mới có thể đủ năng lực cống hiến nhiều trong việc phát triển đất nước. Lời dạy của Bác chúng cháu sẽ không bao giờ quên.