Hồi nhỏ, tôi được nghe bà tôi kể về sự tích Hồ Gươm. Bà tôi còn bảo: “Bây giờ thần Rùa vẫn nằm trong đền Ngọc Sơn. Con gắng học cho thật giỏi rồi bà sẽ cho ra Hồ Gươm thăm Rùa...”
Nghe lời bà, tôi học giỏi lắm, nhưng khi đó nhà tôi rất nghèo, bà lại đau yếu luôn nên tôi đành chôn chặt ước mơ được một lần đến Thủ đô thăm Rùa. Mãi đến năm 1985, lúc đó tôi đang học lớp 8 cải cách. Do ảnh hưởng tính hiệp sĩ của chàng Đôn Ki-hô-tê nên tôi đã quyết định phiêu lưu một chuyến. Sau khi đã chuẩn bị được một số tiền kha khá, tôi viết một bức thư để lại: “Bà và bố mẹ kính mến! Cho phép con đi chơi vài hôm, đừng tìm con... Con sẽ về, mong bà và bố mẹ tha thứ cho con!”.
Sáng sớm tinh mơ, tôi nhảy ô tô lên Hà Nội. Đường phố Thủ đô nườm nượp xe cộ, rặt người là người. Tôi lớ ngớ như chú gà cồ, vừa đi vừa đếm, đọc hết các cửa hàng, cửa hiệu hai bên đường, mấy lần suýt va phải xe cộ. Ấy thế mà chẳng hiểu sao tôi cũng đến được Hồ Gươm. Tôi sung sướng đi quanh hồ dễ đến ba, bốn lần, rồi lên cả cầu Thê Húc chụp ảnh, vào đền Ngọc Sơn xem Rùa,... Hồ Gươm đẹp và kì diệu hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Khó có thể nói lúc đó tôi hạnh phúc như thế nào. Tôi mải mê ngắm cảnh ngắm người, bỡ ngỡ, vụng về như lạc vào động tiên. Đến lúc đói bụng, tôi định đi làm tô phở thì hỡi ôi toàn bộ số tiền tôi dành dụm bấy lâu nay đã bay khỏi túi tôi lúc nào không biết. Tôi lo lắng, hốt hoảng chạy một mạch ra bến xe Kim Liên, trình bày với chú phụ xe... Và thế là chín giờ tối hôm đó tôi đã về đến nhà. Bố tôi giận lắm, nhưng ông cũng chẳng nói gì, mẹ tôi khóc: “Lần sau đừng thế nghe con!”. Còn bà tôi thì thở dài khẽ vuốt tóc tôi: “Con đi thăm Hồ Gươm phải không? Sao không cho bà đi với?"... Đêm hôm ấy, tôi ngủ với bà. Suốt đêm tôi ôm bà khóc, vì sao tôi cũng không biết nữa.
Một ngày “giang hồ” để lại trong tôi bao kỉ niệm vui buồn. Cho đến bây giờ và có lẽ mãi mãi tôi không bao giờ quên ngày hôm ấy. Tôi vẫn nhớ những ngày sau đó, bọn trẻ trong làng biết tin tôi đi thăm Rùa, chúng kéo đến đầy nhà hỏi chuyện. Tôi hãnh diện lắm, cứ thao thao bất tuyệt như một chính khách: “Ao” Gươm rộng bằng hai cánh đồng làng ta và làng Hạ, ở giữa có Tháp Rùa trông như một ngôi đền nhỏ cổ kính. Cầu Thê Húc bắc vào đền Ngọc Sơn được tô đỏ như môi cô dâu, uốn cong như trăng lưỡi liềm. Trong đền thần Rùa nằm gọn trong tủ kính, to như hai cái nia, nặng bằng hai con bò cái- Bọn trẻ há hốc mồm trợn mắt như nuốt từng lời của tôi. Có đứa còn hỏi: “Anh Phúc ơi thế “ao” Gươm người ta có thả nhiều bèo tây không?”. Cả bọn lăn ra cười chảy cả nước mắt nước mũi. Được thể tôi tha hồ bốc phét: "Sau khi đi thăm “ao” Gươm, anh lại lên thăm “ao” Tây (Hồ Tây). “Ao” Tây còn rộng gấp 10 lần “ao” Gươm. Sau đó anh lại đáp xích lô vào Lăng Bác. Xung quanh Lăng toàn công an là công an, Bác nằm ngay ngắn trong tủ kính, người hồng hào đẹp lắm. Ai trông thấy Bác cũng khóc. Anh gọi: “Bác Hồ ơi!”. Bác mỉm cười bảo rằng: “Gắng học lên cháu ạ!”...”. Bà tôi cười ngặt nghẽo, mắng yêu: “Cha bố mày, chỉ được cái nhăng cuội là không ai bằng...”.
Ngày lên Hà Nội học, tôi mang theo bao kỉ niệm của một cậu học trò nông thôn hay mơ mộng. Song có lẽ kỉ niệm về chuyến đi thăm Hồ Gươm là sâu sắc nhất...