BÀI LÀM

Bác Hồ vừa là vị lãnh tụ, vừa là vị cha già của dân tộc. Bác luôn quan tâm chăm sóc mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước. Đối với thanh thiếu niên, Bác ân cần chỉ bảo, dìu dắt với thái độ bao dung, trìu mến... Không những Bác dạy những điều lớn như hướng dẫn ta tiến tới lí tưởng cao đẹp mà Bác còn dạy cả những điều nhỏ như cách cư xử hàng ngày nữa. Vì vậy, tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân ngày 19-5-1955, Bác đã dạy rằng:

“Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”

Chúng ta hiểu lời dạy ấy ra sao?

Điều phải là gì? Điều phải nhỏ là thế nào? Điều phải là những điều đúng, điều tốt, đúng với lẽ phải, đúng với pháp luật... Có những điều phải lớn, to tát như sự hi sinh xả thân vì việc nghĩa, vì lí tưởng. Lại có những điều phải nhỏ, bình thường ít ai quan tâm như làm vừa lòng người chung quanh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, dắt dẫn người già hoặc trẻ em qua đường...

Điều trái là gì? Điều trái nhỏ là thế nào? Điều trái là những điều xấu, không đúng với chân lí, có thể làm hại cho người khác... có những điều sai trái lớn, trầm trọng như phản bội Tổ Quốc, làm hại cuộc sống người dân. Nhưng cũng có những điều trái nhỏ thường bị mọi người bỏ qua như gây rối trật tự, ồn ào trong khu phố, xả rác bừa bãi, nói chuyện trong giờ học...

Bác đã dạy rất rõ: đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta cũng phải cố làm cho kì được, nghĩa là chúng ta phải đem hết sức lực ra để hoàn thành cho bằng được, không nên coi thường những việc nhỏ ấy. Và Bác cũng đã bảo: đối với những điều trái, dù nhỏ, ta phải hết sức tránh, nghĩa là không được làm, đừng bao giờ làm.

Tại sao ta phải làm cho bằng được dù đó là việc phải nhỏ? Đã là điều phải thì dù lớn hay nhỏ gì cũng điều đáng làm và nên làm. Khi ta làm một việc phải là ta đã có mục đích tốt. Lại nữa, nhiều việc phải nhỏ tầm thường sẽ góp thành một việc phải lớn. Trong đời sống hằng ngày, việc phải nhỏ có mặt thường xuyên và ai ai cũng có thể làm được như Bác Hồ dạy:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình.

Hưởng ứng lời kêu gọi của nhà trường và trên tinh thần giúp đỡ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, mỗi học sinh nhịn phần ăn sáng của mình để đóng góp thành món quà có giá trị gửi đến đồng bào nạn nhân hầu chia sẻ phần nào những mất mát, đau buồn đó. Đây là một việc làm phải nhỏ đáng được tuyên dương.

Và tại sao đối với điều trái ta phải hết sức tránh dù điều trái nhỏ? Là điều trái tất nhiên là có hại, hại cho bản thân và hại cho người khác. Luật pháp và lương tâm con người không dung thứ khi ta cố tình làm điều sai trái, dù nhỏ. Nếu ta làm điều trái nhỏ lâu ngày nó sẽ tích lũy dần thành điều trái lớn. Cũng như một học sinh lúc đầu dối trá với bạn rồi đến thầy cô... dần dần trở thành kẻ gian dối ở ngoài xã hội. Như vậy, ta không nên nhúng tay vào bất kì một điều trái nào, dù nhỏ, là như thế.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trước hết, ta phải quan tâm đến những điều nhỏ nhất, dù đó là điều phải lẫn điều trái. Kế đến, ta phải thận trọng trong cách ứng xử, trong việc làm hàng ngày, phải biết suy nghĩ và hành động khi biết đó là điều tốt. Sau cùng, ta nên mạnh dạn từ bỏ những thói quen xấu, dù đó là điều xấu nhỏ.

Lời dạy của Bác vô cùng quý báu và sâu sắc. Qua lời dạy, ta thấy Bác đã quan tâm đến thanh thiếu niên biết nhường nào. Để làm được nhiều điều tốt, tránh những điều xấu, chúng ta phải cố gắng phấn đấu khắc phục bản thân để luôn luôn xứng đáng là cháu ngoan của Bác.