Nhìn vào bản đồ thế giới, đâu đâu ta cũng thấy mênh mông là nước. Đại dương bao quanh lục địa. Rồi mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Lại có những hồ lớn nằm sâu trong đất liền lớn chẳng kém gì biển cả. Cảm giác đó khiến nhiều người trong chúng ta tin rằng thiếu gì thì thiếu chứ con người và muôn loại trên quả đất không bao giờ thiếu nước. Xin được nói ngay rằng nghĩ như vậy là nhầm to. Đúng là bề mặt quả đất mênh mông là nước, nhưng đó là nước mặn chứ đâu phải là nước ngọt, lại càng không phải là nước sạch mà con người và động vật, thực vật quanh ta có thể dùng được. Hai phần ba nước trên hành tinh mà chúng ta đang sống là nước mặn. Trong số nước ngọt còn lại thì hầu hết bị đóng băng ở Bắc Cực, Nam Cực và trên dãy núi Hi-ma-lay-a. Vậy thì con người chỉ có thể khai thác nước ngọt ở sông, suối, đầm, hồ và nguồn nước ngầm. Số nước ngọt như vậy không phải là vô tận, cứ dùng hết lại có mà đang càng ngày càng bị nhiễm bẩn bởi chính con người. Đủ thứ rác thải, từ rác thải vô cơ, hữu cơ, những thứ rác có thể tiêu hủy được tới những thứ hàng chục năm sau chưa chắc đã phân hủy, cả những chất độc hại được vô tư ngấm xuống đất, thải ra sông suối. Như vậy là nguồn nước sạch lại càng khan hiếm hơn nữa.
Theo tổ chức Y tế thế giới, trên hành tinh có khoảng hai tỉ người đang sống trong cảnh thiếu nước ngọt để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Dự báo, tới năm 2015 một nửa dân số trên hành tinh sẽ rơi vào hoàn cảnh không đủ nước để dùng. Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, con người ngày càng sử dụng nước nhiều hơn cho mọi nhu cầu của mình, trong khi dân số trên hành tinh sẽ rơi vào hoàn cảnh không đủ nước để dùng. Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, con người ngày càng sử dụng nước nhiều hơn cho mọi nhu cầu của mình, trong khi dân số thì ngày mỗi tăng lên. Người ta đã tính được những phép tính đơn giản rằng để có một tấn ngũ cốc cần phải sử dụng 1000 tấn nước. Để có một tấn thịt gà ít nhất cũng phải dùng tới 3500 tấn nước, còn để có một tấn thịt bò thì số nước cần sử dụng còn ghê gớm hơn: từ 15000 đến 70000 tấn. Rồi còn thứ con vật nuôi, cây trồng khác để phục vụ cho nhu cầu của con người, mà chả có thứ gì mà lại không cần có nước. Thiếu nước, đất đai sẽ khô cằn, cây cối, muôn vật không sống nổi.
Mà nguồn nước ngọt lại phân bố rất không đều, nơi lúc nào cũng ngập nước, nơi lại rất khan hiếm. Ở nhiều nơi, chẳng hạn vùng núi đá Đồng Văn, Hà Giang, để có chút nước ngọt, bà con ta phải đi xa vài cây số để lấy nước. Các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng ở vùng núi đá này đang có nguồn nước ngầm chảy sâu dưới lòng đất. Để có thể khai thác được nguồn nước này sẽ vô cùng gian khổ và tốn kém vì khắp mọi nơi đều trập trùng núi đá.
Chớ nghĩ rằng nơi nào không có sông suối chảy qua thì cứ khoan sâu, khoan thật sâu xuống lòng đất là có thể lấy được nước. Do việc sử dụng bất hợp lí và rất lãng phí, các nguồn nước ngầm cũng đang cạn kiệt dần. Thì ở khu vực Tây Nguyên, mấy năm nay, vào mùa khô, bà con ta phải khoan thêm rất nhiều giống mới có thể có nước để dùng hằng ngày đấy thôi. Vùng Ca-ta-lô-nhi-a của Tây Ban Nha bao đời nay, mấy triệu người dân ở đây vẫn sống nhờ nước ngầm. Nay nguồn nước này đang cạn kiệt tới mức Nhà nước phải đàm phán với Pháp để dẫn nước ngọt từ sông Rôn sang nước mình. Nói như vậy để thấy mục tiêu mà nhà nước ta đề ra trong chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn là phấn đấu để đến năm 2010 sẽ có 85% dân cư sống ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (60 lít/người mỗi ngày), và tới năm 2020 thì tất cả người dân sống ở nông thôn đều được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Để đạt được mục tiêu này cần một cuộc phấn đấu gian khổ, để có nước ngọt để dùng ở các vùng rộng lớn như vùng cao, vùng sâu, vùng xa - nơi địa hình phức tạp, mức sống của người dân còn rất thấp, đã rất khó huống chi phải có nước sạch, hợp vệ sinh cho sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Nước ngọt đang ngày càng khan hiếm và để có nước sạch, hợp vệ sinh để dùng rất tốn kém. Vì vậy, cùng với việc khai thác các nguồn nước ngọt để dùng, con người ngày càng phải sử dụng một cách hợp lí, tiết kiệm tài nguyên nước.