Lớp trưởng thông báo “cô Lê Giang chuyển vào Vinh công tác, chúng ta chuẩn bị đón thầy giáo mới”.

Tiếng xì xào rộ lên, Bí thư Hải nhăn nhó. “Lại chuyển đổi”. Cái Hà - tay “thời sự” của lớp nhíu trán, phán một câu xanh rờn: “Theo thông tin tao “dò” được thì thầy từ trong Nam chuyển ra, nổi tiếng “hắc” lắm nhé”. Một vài tiếng suỵt, suỵt... Nó cười thầm, để xem có chịu nổi cái lớp Văn nổi tiếng học giỏi nhưng bất trị này không đã.

Năm phút giải lao trôi qua.

Thầy giáo bước vào lớp. Không hẹn, nhưng lập tức cùng có 50 cặp “camera” quét theo từng bước chân của thầy.

Chào các em. Tôi là Triển, Nguyễn Văn Triển. Từ nay tôi phụ trách lớp văn lớp ta. Mong rằng...

Bỗng: Bụp... tiếng chậu nước đổ. Thầy vội bước lên bục giảng tránh chỗ nước lênh láng, bàn tay run run cố vịn vào mép bàn giáo viên. Rầm, uỵch. Chiếc bàn lật nhào. Thầy ngã sõng soài trên nền gạch.

Tiếng cười rộ lên. Nó cười to nhất. Không có ai bước ra đỡ thầy!

Thầy cố gượng đứng dậy, thoáng nhăn mặt vì đau. Mái tóc hoa râm sũng nước, ống quần vướng vào chiếc định chỗ chân bàn rách toạc. Chợt lũ học trò lặng đi, ở chỗ rách ấy lộ ra một bàn chân giả...

Sáu năm đã trôi qua, kỉ niệm đáng xấu hổ ấy vẫn luôn rát bỏng trong kí ức của 50 đứa học trò lớp 7C ngày ấy. Nó nhớ rằng, tiết học ấy đã trôi đi trong sự xúc động của thầy trò. Nó cùng nhiều đứa đã khóc trước sự chiến đấu, hi sinh dũng cảm của một thế hệ trong thời chiến tranh. Những giọt nước mắt ấy còn là sự hối hận vì trò đùa quái ác với thầy - người đã từng là một chiến sĩ pháo binh trước khi trở thành thầy giáo.

Thầy đã đi xa. Nó – kẻ đóng chiếc đinh, giật dây cho chậu nước đổ đã được thầy tha thứ. Khi viết những dòng này, nó muốn một lần nữa thay mặt 49 đứa bạn nông nổi, vô tâm ngày trước cúi đầu: “Thầy ơi, xin thầy tha lỗi cho chúng con”.