BÀI LÀM

Gần một thế kỉ, nhân dân ta sống cuộc đời nô lệ, lầm than, đất nước ta bị giày xéo dưới gót giày thực dân, đế quốc. Sau ngày giải phóng, trên đất nước đâu cũng thấy vết tích của chiến tranh. Nhờ bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân, đất nước đang ngày một thay da đổi thịt. Đó là một minh chứng hùng hồn khẳng định rằng:

“Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

(Hoàng Trung Thông - Bài ca vỡ đất)

Câu thơ giản dị nhưng chứa đựng một chân lí thật sâu sắc.

Ở đây “bàn tay” chính là sức lao động của con người. Lao động sẽ làm nên tất cả. Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, ta có gặp “sỏi đá” - những gian khổ ngăn trở, nhưng nhờ lao động ta sẽ vượt qua, mang về thành quả lao động là cơm ngon dẻo. Câu thơ không những cho thấy sức lao động của con người đã cải tạo thiên nhiên, mà còn là lời ngợi ca vai trò to lớn của lao động mang lại ấm no hạnh phúc cho con người.

Xưa kia, bị đày ra hoang đảo, chỉ với một thanh gươm cùn mà Mai An Tiêm đã cải tạo được cuộc sống của gia đình mình. Không có ai giúp đỡ, không có một công cụ tốt để làm việc, chàng chẳng có mảnh đất tốt và một điều kiện thuận lợi nào. Chàng chỉ có đôi bàn tay lao động cần cù, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ. Bàn tay ấy trồng rau dại, mò con ngao, cái hến, bàn tay ấy trồng dưa trên đất khô cằn. Chính nhờ lao động, gia đình An Tiêm đã sống được trên hoang đảo và trồng trên đó cây trái để ăn, để tồn tại mà không bị sự khắc nghiệt của thiên nhiên hủy diệt.

Bàn tay còn làm ra mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Áo ta đang mặc do đâu mà có? Cơm ta đang ăn cái gì làm ra? Bàn ghế, nhà cửa của ta chẳng lẽ tự nhiên mà có? Không! Chỉ có lao động, chính lao động đã tạo ra tất cả những thứ đó phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta. Nếu ngày xưa, đất nước ta phải nhập lúa gạo thì bây giờ Việt Nam đã thành một nước xuất khẩu gạo đứng vào hàng thứ ba trên thế giới. Nếu khi trước, nước ta còn phải trông đợi nhiều vào sự trợ giúp của bạn bè quốc tế thì ngày nay ta đã đứng vững trên đôi chân của mình. Lao động đã tạo nên những biến đổi đó.

Nhưng lao động không chỉ phục vụ những sinh hoạt vật chất mà còn sáng tạo ra những tác phẩm văn chương, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Không có Nguyễn Du thì làm sao ta có thể biết đến nàng Kiều. Không có sự lao động miệt mài của Tô Ngọc Vân ta làm sao có thể được thưởng thức vẻ đẹp của bức tranh “Cô gái bên hoa huệ”. Sự lao động nghệ thuật ấy thật đáng quý, đáng trân trọng. Nó đã là sản phẩm tinh thần không thể thiếu đối với chúng ta.

Tóm lại, mọi của cải vật chất và tinh thần trong đời sống xã hội đều do sức lao động của con người làm ra. Từ những thứ nhỏ nhất như cây bút, cái bàn, chiếc cặp, đến những thứ vĩ đại nhất như Vạn Lý Trường Thành, công trình thủy điện thế kỉ, đều do lao động mà có. Lao động tạo ra mọi thứ và “Lao động sáng tạo ra con người” (Ăng-ghen). Bàn tay con người đã “ngăn sông làm điện, khoan biển làm dầu” (Tố Hữu). Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới có biết bao công trình hình thành từ bàn tay, khối óc con người. Bàn tay con người làm nên tàu vũ trụ thám hiểm không gian, bàn tay con người đào đường hầm qua biển Măng-sơ. Sức lao động của con người thật là vô kể. Lao động đã cải tạo thiên nhiên, cải tạo con người, lao động phục vụ đời sống và sinh hoạt. Và như Hoàng Trung Thông đã viết:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Đó là một chân lí đã được lịch sử chứng minh. Đó là một niềm tin sắt đá: Có lao động thì không có gì là khó khăn cả. Lao động chính là nguồn sống và hạnh phúc của chúng ta.