Trong suốt những năm quàng khăn đỏ, tôi luôn luôn là một học sinh gương mẫu: một Sao đỏ “sát thủ có bộ mặt đu đủ”, một tổ trưởng “thét ra lửa”. Nói như thế, để mọi người tưởng tượng ra mức độ “khốc liệt” của công việc mà tôi gánh vác và sự đối mặt của tôi với nhiều “đối tượng đặt biệt”. Thế là có biết bao nhiêu biệt danh được đặt ra để gọi tôi “Phù thủy chổi bay” (nhắc nhở tổ viên không được, tôi buộc phải nhờ đến... cái chổi), “khọm già bốn mắt” (tôi bị cận mà!)... Bỏ ngoài tai mọi lời ong tiếng ve, tôi vẫn kiên quyết giữ vững “lí tưởng sống” của mình là... cái bảng nội quy của lớp. Có lẽ, mọi việc vẫn cứ thế trôi qua, cho đến một lần...
Ngày 26-3 năm ấy, trường tôi có tổ chức một buổi giao lưu “3 đúng 5 không” giữa ba đội: đội Mực Tím (trong đó có tôi), đội Tuổi Hồng và đội Sơn Ca. Cuộc giao lưu của ba đội diễn ra trong ba vòng thi vấn đáp, múa hát, đóng kịch. Trước mấy ngày giao lưu, đội Mực Tím của chúng tôi tập luyện rất tích cực, đặc biệt là màn đóng kịch. Nội dung vở kịch không có gì mới: Một nam học sinh bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy, sau khi nhận được sự cảm hóa, động viên, giúp đỡ từ gia đình, thầy cô, bạn bè đã “hoàn lương”. Tôi không phải nhận một vai diễn nào cả mà giữ vai trò là người... phê bình kịch bằng con mắt xét nét, khó tính vốn có của mình. Hic, hic. Vậy mà đùng một cái, đứa bạn đóng vai nam học sinh ấy lăn đùng ra ốm, không thể tham gia vở kịch được. Đội thi của tôi cuống hết lên. Làm sao có thể tìm ngay một “diễn viên đóng thế”? Lại còn là một vai diễn “nặng kí” nữa chứ. Sau khi bàn tới, bàn lui, cô giáo và các bạn quyết định giao vai diễn cho tôi (Hả???). Nghe tiếng vỗ tay rào rào nhất trí mà tôi cứ như nghe... sấm động bên tai vậy. Đóng giả trai ư? Mà lại là một “mẫu người” trái ngược 180 với tôi nữa chứ. Nhưng chẳng còn cách nào khác, các bạn đã có vai diễn hết rồi. Thôi, đành nhắm mắt đưa chân!
Tôi nhập vai khá nhanh vì đã thuộc lời thoại còn hành động, cử chỉ của nhân vật thì được mọi người uốn nắn. Chỉ có một cảnh là nam học sinh ấy... chích ma túy là tôi không tài nào diễn được. Phải cố gắng lắm tôi mới giả ngáp được vài cái. Rồi cái hôm “định mệnh” ấy cũng tới. Tôi uể oải chuẩn bị bước lên sân khấu mà trong lòng rối bời. Tôi giật mình: “Thôi hết rồi, mình quên không mang theo cái xi lanh tiêm... gà của bố rồi” (Hồi đó chưa có H5N1 đâu). Làm sao bây giờ? Đầu tôi loé lên một ý là... chạy vào phòng bác bảo vệ mượn một cái... xi lanh tiêm lợn của bác. Khỏi phải nói, đoạn diễn “đau xé lòng” ấy đã lấy đi... bao nước mắt của toàn trường. Mọi người không nín được cười, cười rũ rượi, cười ra nước mắt. Vở diễn đầy tính nhân văn đã được tôi biến thành một vở bi hài kịch. Dĩ nhiên, đội Mực Tím yêu quý của tôi đoạt giải...Ba! (Có ba đội).
Nhưng kì lạ hơn, sau vai diễn ấy, đám con trai “cá biệt” trong lớp nể tôi ra mặt. Chúng suy tôn tôi làm “Đại ca” và nền nếp của lớp đi lên trông thấy. Tôi chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng, tụi bạn cũng nghiêm túc thực hiện. Tôi thấy mình “oai oai”.
Vào một ngày đẹp trời, tôi thong dong ra hiệu sách cũ , đầu nghĩ vẩn vơ. Bất giác, có tiếng gọi “Đại ca ơi!”. Tôi quay phắt lại. Đám “quỷ sứ ngày ấy” đang vẫy tay, phóng xe đạp về phía tôi. Hôm ấy, chúng tôi đã nói cười rất nhiều... Đã rất lâu rồi, tôi mới thấy vui như thế. Không chỉ vì hai tiếng “Đại ca” nghe “oai” đâu mà vì tôi biết sau bao năm cách xa, bạn bè vẫn không quên tôi. Chao ôi, có niềm vui nào lớn hơn thế nữa...!