BÀI LÀM

“Có làm thì mới có ăn”, câu tục ngữ đã nêu lên một nguyên tắc phân phối thành quả lao động của người xưa thật hợp lí: Có làm thì có hưởng, không làm thì không hưởng. Điều đó thật là công bằng và còn có tác dụng động viên mọi người lao động hăng say để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Phải làm để có cái ăn, cái mặc - điều đó còn được thể hiện trong câu tục ngữ quen thuộc:

Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ

Qua câu tục ngữ, người xưa bằng cách nói ẩn dụ đã nhắc ta bài học trong cuộc sống. “Tay làm” nói đến những con người chăm chỉ hay làm. “Tay quai” chỉ người lười biếng, ham chơi. Hàm và miệng giúp con người ăn uống. Hình ảnh “hàm” và “miệng” ở đây tượng trưng cho cuộc sống của con người. “Hàm nhai” ý nói có ăn, có thu nhập để sống. “Tay quai miệng trễ” ý nói là nếu không chịu lao động, nếu lười biếng thì không có cái ăn, không có thu nhập để sống, cuộc sống sẽ khổ sở thiếu thốn. Câu tục ngữ khuyên ta bài học phải chịu khó lao động, siêng năng làm việc để tạo cho mình cuộc sống ấm no.

Lời khuyên ấy thật vô cùng xác đáng. Bởi trong cuộc sống hằng ngày, mọi thứ của cải vật chất, mọi phương tiện sinh hoạt ta cần dùng đến đều được tạo ra bằng quá trình lao động của con người. Ta muốn có cuộc sống đầy đủ, sung túc thì ta phải làm việc, phải cật lực lao động ngày đêm, phải chịu thương chịu khó một nắng hai sương mới tạo ra được. Bằng ngược lại, nếu ta lười biếng, không làm thì cuộc sống của ta sẽ thiếu thốn, gặp nhiều khó khăn, túng quẫn. Nếu xã hội nhiều kẻ lười biếng như vậy thì xã hội sẽ lạc hậu, không thể có một cuộc sống văn minh tốt đẹp được.

Điều đó cho thấy người xưa quan niệm rất đúng đắn về lao động. Biết rằng lao động là vất vả, gian khổ nhưng cũng thật tốt đẹp, cao quý. “Tay làm thì hàm nhai” còn “tay quai thì miệng trễ” - một chân lí thật giản đơn mà ai cũng có thể nhận ra được. Con người chịu khó làm việc thì sẽ có cái ăn, cái mặc, cuộc sống đầy đủ; khá giả. Ngược lại, thói lười biếng sẽ dẫn đến hậu quả thảm hại, phải chịu đói nghèo - ý nghĩ giàu sang của những người lười biếng chỉ là một sự viển vông.

Thực tế trong cuộc sống đã cho ta thấy rõ điều đó. Người nông dân cần cù, quanh năm sống chết cùng đồng ruộng, lúc nào cũng cần mẫn học tập nghiên cứu để cải tạo vườn đất - kết quả tốt đẹp đã mỉm cười với họ. Người công nhân nơi nhà máy ngày đêm vất vả, lao động sáng tạo để cho sản phẩm ngày một hoàn thiện, được nhiều người ưa thích. Trong khi đó, những nhà nông lười lao động, chỉ lo ăn chơi, không chú ý đến vườn ruộng, những công nhân làm việc chỉ trông cho mau hết giờ thì rất dễ nhận lấy hậu quả đau thương - cuộc sống đói nghèo sẽ đeo đẳng mãi.

Càng nghĩ ta càng thấm thía lời dạy trên của người xưa. Có lao động mới đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho xã hội. Lao động thật là cần thiết, thật là vẻ vang và vô cùng cao quý. Vì thế mà lao động là đạo đức, là phẩm chất của mọi người trong xã hội, nó còn là thước đo tình cảm và năng lực của con người. Hiểu được điều đó bản thân mỗi chúng ta, ngay từ nhỏ phải rèn luyện cho mình ý thức làm việc, biết yêu lao động, biết cố gắng vươn lên bằng chính sức lực của mình. Có như vậy thì khi lớn lên ta mới có thể là một người lao động giỏi và tự tạo cho mình một cuộc sống ấm no, đầy đủ.

Tóm lại, câu tục ngữ trên qua thời gian càng khẳng định sự đúng đắn của nó. Ngày nay, khi con người đã tiến xa trên con đường giải phóng sức lao động, câu tục ngữ vẫn có tác dụng thiết thực, nó giáo dục chúng ta có ý thức đúng đắn về lao động; xã hội sẽ giàu đẹp, sẽ có cuộc sống ấm no nếu mọi người đều có ý thức “lao động” tốt.