- Mận kìa!
Loang loáng: ngoài cửa kính, những vệt khe núi trước đây người ta trồng ngô, đỗ tương, bắp cải vào mùa khô, trồng lúa vào mùa mưa, bây giờ chỉ còn thấy những mận là mận. Có một nẻo đất mới được cày xới tơi xốp, mận đã giăng hàng cao lưng người, có lẽ, họ sẽ trồng cây gì đó xen vào với mận...
Buổi sáng, trời quang đãng, toàn cảnh phố núi Bắc Hà hiển hiện. Trắng! Phố núi một màu trắng. Trắng xóa một màu trắng tinh khiết. Màu trắng của hoa mận! Màu trắng hoa mận! Màu trắng hoa mận lẫn với màu mây trắng đang dâng lên, thật kì ảo. Những mái nhà lô nhô, thấp thoáng chìm lấp trong màu hoa mận trắng. Những ngày này, hoa mận trắng đã vơi đi chút ít rồi. Bốn trăm héc-ta! Chắc là nhiều hơn! Nhà nào cũng trồng mận. Nhà mươi cây, nhà trăm cây. Cán bộ cũ của Bắc Hà cũng về xin đất trồng. Một số cơ quan, cán bộ tỉnh cũng lên xin đất trồng. Xem ra, Bắc Hà nhà nào cũng là triệu phú cả, vì, một vụ bình thường, không bị mưa đá, thu bạc triệu là chuyện trong tầm tay. Một cân mận, hơn một cân gạo tại chỗ. Cứ tính tròn số, tám trăm cân mận thì được một tấn gạo. Có mận thì gạo khắc lên. Công xá cho một cân mận, nhàn hơn rất nhiều so với một cân gạo trên vùng đất cao nguyên nước nôi hiếm hoi này. Nhàn lắm! Trồng chơi quanh nhà cũng được ăn, chẳng đáng bao nhiêu công đầu tư. Có cây trồng thích hợp, có nguồn thu cao và ổn định, là sẽ định cư, định canh. Sân cơ quan huyện ủy phủ đầy hoa mận trắng. Nhà bí thư Giàng Seo Phử chìm trong màu hoa mận trắng. Vạt đồi xóm bạn thơ Đoàn Hữu Nam choàng một màu hoa mận trắng, trắng muốt lên tận sườn núi dốc.
Mận tam hoa Bắc Hà bây giờ đã có mặt với các huyện bạn, đã sang Lai Châu, Sơn La, xuống tận Thanh Hóa, và đang còn đi tiếp nữa.
- Thế còn mận hậu, trái tráng lì, tả hoàng li, mận chua, mận đầy, thì sao? Chúng có đáng yêu không? – Tôi sốt ruột hỏi anh Lợi.
Thì ra, các nhà chuyên môn xếp những thứ đó vào giống địa phương, không có giá trị chế biến nông nghiệp. Vì anh mận hậu, quả chín xanh mỡ màng, ngọt thật, nhưng không ưa đi đường xa, khó tính như công chúa cấm cung, động chạm một tí là nhũn ngay, trở nên chua loét. Anh tam hoa cỏ nhiều ưu thế. Bộ rễ vừa cọc, vừa chùm, chịu hạn giỏi, chống xói mòn tốt, công đầu tư thấp, quả vừa đơn vừa chùm, nên cho sản lượng lớn, thời gian sinh trưởng nhanh, sức sống mãnh liệt, vươn cành ô với đường kính khoảng bốn mét. Hai, ba năm, đã cho lứa quả bói đầu. Những năm sau, mỗi vụ càng cho năng suất cao. Nhà anh Lợi có mấy cây, đã trên dưới hai chục tuổi, mà vẫn sai, chưa hề có biểu hiện thoái hóa. Điều khẳng định là trong tập đoàn cây mận, chưa anh nào hơn anh tam hoa. Cuối tháng năm, đã chín rộ, sớm hơn giống địa phương chục ngày, nửa tháng.
... Bữa cơm chiều muộn vừa kết thúc, thì một hồi trống chiêng vang lên. Dàn nhạc xòe giục giã, cuốn hút, mời gọi. Đội xòe Tả chải đã đến. Điệu nhạc chào mừng khách quý. Điệu nhạc mời gọi người về tụ tập. Chẳng ai bảo ai, hễ nghe tiếng nhạc xòe nổi lên, là mọi người lũ lượt đổ về. Nhạc xòe cứ ngân lên náo nức trong lòng. Chẳng ai bảo ai, mọi người tự nhập vào vòng xòe. “Không xòe, cây lúa không ra bông, không xoè, cây ngô không ra bắp, Không xòe, trai gái không thành đôi...”. Ở đây, không phân biệt trên dưới, sang hèn, khách chủ, già trẻ, gái trai. Ở đây chỉ có tình đoàn kết gắn bó, mọi người như nhau, mọi người gắn kết lại với nhau, chung sống dưới vòm trời. “Ta cùng đi chợ”, “Ta cùng nhau đi chơi hội”, “Ta làm ra mùa màng và mừng cho mùa màng tươi tốt”... - Những điệu xòe nói thành lời như thế! Tiếng trống cầm nhịp, chân đưa tay đón. Ai cũng múa được.