BÀI LÀM

“Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Đó là tiếng hát ngợi ca của nhân dân ta khi nhắc tới Bác Hồ kính yêu - một con người hiện thân cho những gì cao đẹp nhất của dân tộc. Nói tới Bác là nói tới tấm lòng nhân ái bao la, tình yêu thương vô bờ của Bác đối với nhân dân đất nước. Cho đến những ngày cuối cùng trước lúc đi xa, Bác vẫn còn để lại trên cõi đời này muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc. Tấm lòng yêu thương ấy đã trở thành nguồn đề tài phong phú cho cả một phong trào thơ ca viết về Bác.

Tình thương yêu của Bác thật rộng lớn bao la. Tình cảm ấy đã bao trùm lên non sông đất nước, lên mọi kiếp người, đến cỏ cây hoa lá cũng được sưởi ấm bởi tình thương của Bác. Nhà thơ Tố Hữu, một trong những nhà thơ Việt Nam viết về Bác nhiều nhất, đã khái quát trong bài thơ Bác ơi:

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người

Quả đúng như vậy, trái tim chan chứa yêu thương của Bác đã từng chứa đựng tất cả hình hài dáng quê đất Việt. Ta nhớ lại những chặng đường gian khổ mà Bác đã phải trải qua để đưa đất nước Việt Nam tới ngày vinh quang chiến thắng. Ấy là buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước.

Từ đó Người đi những phút đầu

Lênh đênh bốn biển, một con tàu

Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi

Tay đốt lò, lau chảo, thái rau

(Tố Hữu)

Và đây nữa, một hình ảnh đẹp biết bao:

Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai

(Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước)

Yêu đất nước Việt Nam bao nhiêu, Bác càng thương con người Việt Nam bấy nhiêu những người dân sống kiếp người cùng khổ, cơ cực “cảnh cơ hàn trời đất tối tăm”. Trái tim chan chứa yêu thương của Bác đã ôm cả “mọi kiếp người”:

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già

(Bác ơi!)

Quan tâm đến các em, Bác vẫn thường viết thư, gửi quà, động viên, khuyến khích các em chăm ngoan học giỏi. Cảm động biết bao khi chúng ta nghe thơ Bác:

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

Và:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Thế đấy, so với tấm lòng yêu thương bao la của Bác, thì viết về Bác bao nhiêu cũng là chưa đủ, bao nhiêu cũng như là còn thiếu:

Ôi vẫn còn đây của các em

Chồng thư mới mở Bác đang xem

Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Nên để bâng khuâng gió động rèm

(Tố Hữu - Theo chân Bác)

Với trẻ em, Bác nâng niu, trân trọng là thế! Còn với các anh bộ đội thì sao? Ta cảm động và òa khóc như con trẻ trước tình thương, sự quan tâm hết mực của Người:

Rồi Bác đi dém chăn

Từng người, từng người một

Sợ cháu mình giật thột

Bác nhón chân nhẹ nhàng

(Minh Huệ - Đêm nay Bác không ngủ)

Tình cảm của Bác đối với các anh thật gần gũi biết bao! Cử chỉ “đi dém chăn”, “nhón chân” là cử chỉ của một người làm cha, làm mẹ. Bác là cha, là mẹ của toàn dân tộc:

“Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ"

(Tố Hữu - Sáng tháng Năm)