Mùa nắng, những buổi chiều miền Tây bao giờ cũng có màu xanh huyền ảo như màu của những giấc mơ. Trước mắt tôi, trên những rặng núi xa, màu lá cây già ban ngày đã biến đi, núi non trầm xuống trong màu khói đá xanh thắm. Chiều yên tĩnh không có tiếng máy bay. Những sườn núi ven sông A-mong chi chít những đám rẫy với nhiều màu sắc, rẫy khô chưa đốt màu vàng cháy, rẫy già vừa dọn xong màu đất đỏ ửng, lúa ba trăng dậy thì lượn sóng xanh mơn mởn bên cạnh những rẫy ngô trổ cờ màu lục tươi lấp loáng ánh nắng, gợi nhớ đồng bằng và trên những đám rẫy khác, lá sắn mì và sắn trắng in thành những đám xanh đậm nhạt chồng lên nhau, trông như những mái nhà rêu phong lỗ chỗ những vạt ngói mới.
Dưới chân những nương rẫy bạt ngàn đó, như những tấm thảm mầu vô tận trải thành những ô hình vuông, hình tam giác hoặc hình vòng cung trên mặt nghiêng của vách núi, sông A-mong như một dòng trường ca rầm rộ đổ về đồng bằng. Bờ sông chỗ tôi ngồi là một bãi đá liền rộng chạy dài hơn đến hàng cây số. Nước lũ đã đục xói mặt đá thành những lớp sóng lô xô nối liền nhau đến mút tầm mắt, lưng sóng tròn nhẵn và đầu sóng nhọn vút đổ theo một chiều, giữ nguyên vẹn mặt đá hình ảnh hùng dũng của con sông A-mong đã tràn qua đó trong mùa thác lũ. Dọc theo bờ sông, loài cây rì rì mọc san sát, rậm rịt cành và lá nhỏ nhắn như cây trúc đào, rễ tỏa ra ôm chặt những tảng đá vững chãi, hình như còn toát ra sức chống chọi mãnh liệt của loại cây này để đứng vững trong những mùa nước dữ dội. Bây giờ đang là tháng tư, nước sông A-mong chảy hiền, và rộng rì rì lao xao gió nồm, lá cây lay động lấp lánh như ngàn triệu con mắt lá răm sáng trưng nắng hè, hoa rì rì năm cánh nở từng chùm đỏ ngun ngút như hoa phượng ở thành phố.