DÀN Ý

I- MỞ BÀI:

Đất nước Việt Nam ta đã có những trang sử hào hùng oanh liệt. Đó là những khúc khải hoàn vang dội không bao giờ tắt. Điều đó đã chứng tỏ cho mọi người thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, và nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ ỷ vào sức mạnh của cá nhân mà xem thường tập thể, bởi vì “Mãnh hổ nan địch quần hồ”.

II- THÂN BÀI:

1) Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

- Mãnh hổ: Con hổ to lớn có sức mạnh.

- Quần hồ: Bầy, đàn chồn bé nhỏ.

- Người xưa cho rằng một con hổ dũng mãnh cũng khó thắng nổi một bầy chồn bé nhỏ. Câu tục ngữ là bài học về giá trị của sức mạnh đoàn kết, nó cảnh tỉnh những ai ỷ vào sức mình mà xem thường tập thể.

2) Tại sao một kẻ có sức mạnh phi thường, lại khó thắng một tập thể bình thường?

- Bởi vì tinh thần đoàn kết đã trở thành một sức mạnh vô biên có thể thắng được mọi thế lực bạo tàn.

- Từ lâu tinh thần đoàn kết đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đoàn kết từ trong gia đình, trong làng xóm, trong xã hội, trong đất nước. Bài học đó đã thấm sâu vào máu thịt của con người Việt Nam.

- Thực tế lịch sử nước nhà đã cho ta thấy rõ điều đó. Kẻ thù hung bạo chẳng khác nào “mãnh hổ”, nhưng chúng đã thất bại bởi tập thể những con người bình thường biết đoàn kết, đùm bọc, che chở cho nhau.

- Câu tục ngữ còn là lời cảnh tỉnh những ai ỷ mình tài giỏi mà xem thường tập thể. Bởi ta có giỏi, có tài, có sức mạnh phi thường tới đâu thì ta cũng chỉ có “một”, làm sao có được sức mạnh tổng hợp của tập thể nên khó lòng mà thắng nổi sức mạnh của sự đoàn kết.

3) Chúng ta phải thực hiện bài học ấy như thế nào?

- Phải nêu cao tinh thần đoàn kết từ gia đình, nhà trường đến xã hội.

- Đoàn kết luôn là khẩu hiệu được mọi người thực hiện trên bước đường xây dựng đất nước.

- Câu tục ngữ còn nhắc ta bài học “đừng ỷ mạnh hiếp yếu”, coi chừng “kiến” sẽ giết “voi”.

III- KẾT BÀI:

“Mãnh hổ nan địch quần hồ” vừa là bài học về tinh thần đoàn kết cũng vừa là lời cảnh tỉnh những kẻ ỷ lại vào tài năng sức mạnh của mình mà xem thường người khác. Đó là vấn đề mà mỗi chúng ta cần suy ngẫm.