BÀI LÀM

Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ ông tỏa sáng đến mọi tâm hồn vì dạt dào lòng nhân ái, vì chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người mà tiêu biểu là bài Tiếng ru:

Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em...

Chúng ta nên hiểu đoạn thơ trên như thế nào?

Các loài sinh vật muốn tồn tại và phát triển phải gắn bó với môi trường mình sống. Cũng như:

Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời.

Mỗi mùa hoa nở rộ, chắc hẳn các bạn đều thấy loài ong bay lượn khắp nơi bởi lẽ hoa chính là nguồn sống. Còn gì thích thú hơn khi ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, thân hình lấp lánh dưới làn nước trong veo. Bầu trời xanh mênh mông và không khí thoáng đãng là môi trường sống của chim. Thật thanh bình khi trên nền trời chấp chới những đàn chim đang sải cánh và mỗi buổi hoàng hôn, ánh nắng hắt lên viền quanh cánh chim chiều như vầng hào quang rực rỡ. Cánh chim chắc phải yêu biết mấy bầu trời sống của nó. Phải chăng vì vậy mà đã có một lần, Tố Hữu khóc thương cho con chim bị chết trong lồng vì mất tự do.

Rõ ràng hai câu thơ mở đầu đã nêu lên mối quan hệ tự nhiên giữa sinh vật và môi trường sống. Các loài vật tách rời khỏi môi trường sống thì sẽ chết, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Đúng vậy, con cá không thể sống trên cạn, con ong không thể sống thiếu hoa, con chim không thể cất cánh trong lồng chật hẹp. Chỉ qua hai câu thơ, Tố Hữu đã để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ về tình cảm yêu thương, gắn bó với môi trường sống của mỗi loài.

Nếu hai câu đầu nói về quy luật của tự nhiên, hai câu thơ sau nhà thơ khéo léo chuyển sang nói về cuộc sống con người:

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Bằng lời thơ ngọt ngào, tình cảm, tác giả đã khẳng định rằng con người không thể sống cô đơn mà phải có tình yêu thương, yêu thương đồng chí và anh em của mình. Vậy trước hết, chúng ta phải hiểu đúng đắn thế nào là tình đồng chí, tình anh em. Nói đến tình đồng chí là nói đến tình cảm của những người bạn bè, những người cùng chí hướng và lí tưởng với mình. Tình đồng chí thể hiện mối quan hệ xã hội gắn bó mà chúng ta cảm thấy vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Nói đến đồng chí là nói đến những người luôn giúp đỡ nhau, yêu thương che chở cho nhau như những người ruột thịt. Cũng như thế, nói đến tình anh em trong họ hàng, làng xóm:

Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

Tình cảm ấy từ xưa đã sâu nặng đối với mỗi người chúng ta. Đó chính là tình anh em ruột thịt trong gia đình, tình cảm anh em trong họ hàng, làng xóm.

Tại sao con người muốn sống thì “phải yêu đồng chí, yêu người anh em”?

Câu hỏi ấy được trả lời qua nhiều thế hệ từ xưa đến nay.

Quả thật, tình yêu thương đã khiến con người đẹp hơn, vĩ đại và đáng kính trọng hơn. Rõ ràng để có được cuộc sống cao đẹp ấy, chúng ta phải biết yêu thương nhau, đùm bọc, che chở nhau, đoàn kết với nhau. Hãy giữ lấy tình cảm yêu thương giữa con người với con người bởi lẽ đó là nguồn gốc của mọi hạnh phúc, cũng như con ong cần hoa, con cá cần nước, con chim cần bầu trời.

Bản thân mỗi chúng ta cũng được hưởng tình yêu thương của người thân trong gia đình, của thầy cô bè bạn. Đáp lại, chúng ta phải giúp đỡ, chan hòa với bạn, yêu kính bố mẹ, thầy cô và những người thân. Mỗi chúng ta hãy giữ gìn và trân trọng những tình cảm trong sáng ấy để tâm hồn mãi vui tươi. Bốn câu thơ mở đầu của bài Tiếng ru của Tố Hữu đã nêu lên một vấn đề xã hội, đó là tình yêu thương của con người với con người, có lòng yêu thương con người sẽ tồn tại và hạnh phúc.

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau.

Tố Hữu đã gửi gắm vào những vần thơ lời ca ngợi, lời khuyên nhủ mọi người hãy sống để yêu thương là cốt lõi của một tình cảm cao đẹp khác, bởi tình yêu thương làm cho con người sống ngày càng có ý nghĩa hơn. Bài thơ đúng là Tiếng ru của mẹ và mãi mãi lắng đọng trong tâm hồn mỗi chúng ta.