BÀI LÀM

“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Câu tục ngữ khẳng định với chúng ta một bài học kinh nghiệm ở đời. Trước bão giông, sóng to gió lớn, người lái thuyền phải giữ vững tay chèo mới vượt qua được “sóng cả”. Điều đó cho thấy rằng tinh thần vượt khó là một trong những bí quyết giúp ta thành công trong cuộc sống. Nếu ta hiểu rằng những gian lao trở ngại là thử thách để ta bước vào đời thì ta sẽ không cảm thấy sợ hãi trong bước đường đi tới của mình. Điều đó cũng đã được người xưa nhắc nhở trong câu tục ngữ:“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Ta cần hiểu lời dạy như thế nào để thực hiện vào cuộc sống.

Trước hết ta cần tìm hiểu xem câu tục ngữ có nghĩa gì? Vàng là thứ kim loại quý giá. Vàng càng được thiêu đốt bằng ngọn lửa cao độ chừng nào thì tuổi của vàng càng rõ chừng nấy. Vàng được lửa đốt thì vàng càng sáng và mới định được giá trị của nó. Con người cũng vậy, trước gian lao mới biết sức mình. Gặp khó khăn trở ngại, mà vẫn vươn tới, tiến lên không lùi bước thì mới đo lường được sức người. Càng chịu đựng gian nan nhiều thì sức người mới dẻo dai, nghị lực thêm bền vững. Có được như vậy thì mới dễ dàng đi đến thành công. Câu tục ngữ trên khuyên ta phải có tinh thần vượt khó, chịu đựng mọi gian nan, có nghị lực cao để dễ dàng thành đạt trong cuộc đời.

Chúng ta ai cũng hiểu được rằng, cuộc sống bao giờ cũng đầy chông gai, đầy vị đắng, nhưng với ý chí, nghị lực ta sẽ vượt qua bởi “gian nan thử sức”, có khó khăn mới biết được người tài. Nếu ta muốn vượt qua được cái khó, sự hiểm nguy thì ta phải có sức mạnh, ta phải thực sự tài giỏi. Đó là điều tất yếu. Phải có năng lực, có tài trí ta mới có thể vững vàng tiến thân, vững vàng chống chọi với biết bao gian nan trên đường đời. Cho nên bí quyết giúp ta thành công chính là ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó. Ta không nên lùi bước, sợ sệt trước hiểm nguy, gian khổ mà ngược lại phải biết vươn tới và tiến về phía trước với tất cả lòng quyết tâm cao. Lúc ấy, “lửa” hay “gian nan” gì cũng phải nhường bước trước ý chí, nghị lực con người. Người có nghị lực, có ý chí bao giờ cũng xem trở ngại gian lao là điều kiện tốt để thử sức mình. Và có lẽ chỉ có qua thử thách như vậy, ta mới biết được khả năng của mình. Nếu khi làm việc ta chỉ nhờ sự che chở, chỉ dẫn của người khác, mọi trở ngại đều được giúp đỡ vượt qua thì ta đâu thấy rõ được sức mình. Ta phải tự mình phấn đấu vươn lên, tự đứng bằng đôi chân của mình. Cố sức chống chèo vượt qua chướng ngại vật. Lúc ấy sự thành công mới thật sự có giá trị.

Như vậy, “vàng” thật không sợ lửa - cũng như người tài sẽ không sợ mọi gian nan, trở ngại. Cho nên ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ta phải cố gắng rèn luyện cho mình một kiến thức sâu rộng, một trình độ học vấn khả dĩ để bước vào đời. Có như thế, ta mới có thể trở thành người hữu ích cho đất nước mai sau.

Tóm lại, gian nan thử thách là lò trui luyện con người có đủ tài năng và sức chịu đựng. Gian nan càng nhiều thành công càng lớn, càng vinh quang hơn. Do đó muốn đi đến thành công, ta không nên chùn bước mà phải vững tin để vươn tới bằng quyết tâm và nghị lực của chính bản thân. Câu tục ngữ mãi mãi là một kinh nghiệm sống, là phương châm, là hành trang để ta bước vào đời.