I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả Cao Bá Quát: (1809 - 1854)

- Một người đầy tài năng, nổi tiếng hay chữ, viết chữ đẹp, được tôn vinh như bậc thánh “Thần Siêu, Thánh Quát”.

- Ông là người có bản lĩnh, khí phách hiên ngang, đứng về phía nhân dân, khởi nghĩa chống lại triều Nguyễn và hi sinh oanh liệt.

- Thơ văn của ông thể hiện thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ nhà Nguyễn trì trệ bảo thủ, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội.

2. Bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ có thể được làm trong những lần Cao Bá Quát đi thị Hội. Trên đường vào kinh đô Huế qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng (Quảng Bình, Quảng Trị) hình ảnh bãi cát dài, sóng biển, núi là những hình ảnh có thực gợi cảm hứng cho nhà thơ sáng tác bài thơ này.

- Thể thơ: Bài thơ thuộc loại thơ cổ – thể ca hành (một loại thơ cổ của Trung Quốc được tiếp thu vào Việt Nam). Văn học trung đại có nhiều bài thơ về thể này: Côn sơn ca (Nguyễn Trãi), Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du)...

- Ý nghĩa biểu tượng của “bãi cát”: Mượn hình ảnh người đi trên bãi cát khó nhọc để hình dung con đường mưu cầu danh lợi khoa cử đáng ghét mà ông và nhiều người đang trải qua. Mặc dù chưa tìm được con đường đi khác nhưng ông đã thấy không thể đi trên bãi cát danh lợi ấy.

- Bố cục: Bài thơ có thể phân làm ba đoạn (Thơ dịch)

+ Đoạn 1: Bốn câu đầu

+ Đoạn 2: Sáu câu tiếp

+ Đoạn 3: Sáu cầu còn lại.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Yếu tố tả thực bãi cát và ý nghĩa của chúng.

- Yếu tố tả thực:

+ Bãi cát: được vẽ lên, chủ yếu ở đoạn 1 và một phần ở đoạn 3

Những từ:

• bãi cát - điệp ngữ

• Mờ mịt

• Núi muôn lớp

• Sóng muôn đợt

→ Gợi hình ảnh một bãi cát dài, xung quanh vây bủa bởi núi biển, khó xác định phương hướng.

+ Người đi trên cát:

• Bước đi trầy trật, khó khăn (Đi một bước lại lùi một bước)

• Tất tả đi không kể thời gian (Mặt trời lặn đi chưa nghỉ)

• Mệt mỏi, chán ngán (Nước mắt tuôn rơi, ngao ngán lòng)

• Cô đơn cô độc (Mình anh trơ trọi trên bãi cát)

→ Hình ảnh người trên cát cô đơn, nhỏ bé giữa mờ mịt của cát. Đi mà thấy phía trước là đường cùng, đường biển, chẳng thấy đích đến là đâu.

- Ý nghĩa biểu trưng:

+ Bãi cát tượng trưng cho con đường danh lợi đầy chông gai, nhọc nhằn.

+ Hình ảnh người đi trên cát đến lúc mặt trời lặn vẫn còn đi và phía trước là đường cùng, có ý nghĩa sâu sắc. Câu hỏi kết thúc bài thơ “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?” Cho thấy hiện tại anh vẫn chưa tìm được con đường khác nhưng trong ý thức anh đã có sự thức tỉnh, không chấp nhận đi tiếp con đường danh lợi, chán ghét lối học khoa cử, cố học để thi cử, đỗ đạt để mưu cầu danh lợi. (Lưu ý bài thơ này Cao Bá Quát làm sau nhiều lần đi thi mà không đỗ)

2. Giải thích nội dung và sự liên kết lôgic giữa sáu câu thơ:

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận không nguôi

Xưa nay phường danh lợi

Bôn tẩu trên đường đời

Gió thoảng hơi men trong quán rượu

Say cả hỏi tỉnh được mấy người?

- Hai câu đầu thể hiện nỗi chán ngán của tác giả thấy mình cứ hành hạ thân xác theo đuổi mãi đường công danh (buộc mình phải trèo non, lội nước mãi).

- Bốn câu tiếp nói lên sự cám dỗ của bả công danh đối với người đời. Thực tế những người cầu danh lợi đều phải chạy ngược chạy xuôi rất vất vả. Tác giả vì mùi danh lợi như rượu ngon dê say người, ít ai có thể thoát khỏi sự cám dỗ của nó.

- Đây là những câu thơ dẫn tác giả tới sự thức tỉnh: cần phải thoát ra khỏi cơn say danh lợi tầm thường nhưng nó đã chiếm hết thời gian quý giá của một đời người.

3. Tâm trạng của tác giả khi đi trên bãi cát là đau đớn, chán ngán, bế tắc. Từ tâm trạng đó ta hiểu được tầm tư tưởng cao rộng của tác giả là ở chỗ ông đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ, dẫn tới nguy cơ lạc hậu, nguy cơ bị xâm lược đang đến gần.