I. YÊU CẦU

- Thông qua các bài luyện tập, các em sẽ nâng cao nhận thức về nghĩa của từ vựng trong sử dụng: hiện tượng chuyển nghĩa của từ, quan hệ giữa các từ đồng nghĩa.

- Có ý thức rèn luyện kĩ năng chuyển nghĩa từ, lựa chọn từ để sử dụng thích hợp trong giao tiếp.

II. GỢI Ý LUYỆN TẬP

1. Bài 1

a. Trong câu thơ:

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

(Nguyễn Khuyến - Thu điếu)

- Từ “lá” được dùng theo nghĩa gốc.

- Nghĩa này có ngay từ khi từ “lá” xuất hiện trong tiếng Việt.

Đó là nghĩa: chỉ bộ phận của cây, thường ở trên ngọn hoặc cành, thường có màu xanh, thường có hình dáng mỏng, có bề mặt.

b. Từ “lá” trong tiếng Việt còn được dùng theo nhiều nghĩa khác trong những trường hợp:

- lá gan, lá phổi...

- lá thư, lá phiếu...

- lá cờ, lá buồm...

- lá tôn, lá đồng, lá vàng...

- lá cót, lá chiếu...

* Từ “lá” gọi tên những vật khác nhau nhưng những vật đó có điểm giống nhau: đều là những vật có hình dáng mỏng, dẹt, có bề mặt như lá cây.

* Các nghĩa trên đây của từ “lá” có quan hệ với nhau là đều có nét nghĩa chung (chỉ các vật có hình dáng mỏng như lá cây).

2. Bài 2:

Các từ có nghĩa gốc chỉ bộ phận cơ thể người (đầu, chân, tay, tim, óc...) có thể chuyển nghĩa để chỉ cả con người.

Đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chỉ cả con người

Ví dụ:

- Đúng là kẻ cứng đầu

- Đó là một chân sút nổi tiếng của đội bóng.

- Một tay gây dựng cơ đồ.

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- Người là Cha, là Bác, là Anh

Trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ.

(Tố Hữu)

3. Tìm các từ có nghĩa gốc chỉ vị giác có khả năng chuyển sang chỉ đặc điểm của âm thanh (giọng nói), chỉ tính chất của tình cảm, cảm xúc. Hãy đặt câu với mỗi từ theo nghĩa chuyển.

- Các từ chỉ vị giác: mặn, ngọt, chua, cay, đắng, bùi...

- Đặt câu với mỗi từ theo nghĩa chuyển:

+ Chỉ đặc điểm âm thanh, giọng nói:

Ví dụ:

• Bạn ấy nói chuyện nghe bùi lỗ tai quá!

• Nói ngọt lọt đến xương.

• Giọng nói chua như giấm.

(Các em tập đặt câu theo mẫu trên)

+ Chỉ mức độ tình cảm, các xúc:

Ví dụ:

• Tình cảm của hai người ấy thật mặn nồng.

(Các em đặt câu theo mẫu trên)

4. Tìm từ đồng nghĩa với từ “cậy, chịu” trong câu thơ:

Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Giải thích lí do tại sao tác giả lại chọn từ “cậy”, “chịu”?

- Từ đồng nghĩa với từ “cậy” là “nhờ”.

Tác giả chọn từ “cậy” vừa có nghĩa của từ “nhờ”, vừa chỉ ý tin cậy, trông cậy (hợp với việc trọng đại).

- Từ đồng nghĩa với từ “chịu" là nhận, nghe, vâng...

+ Nhận: tiếp nhận một cách trung hòa.

+ Nghe, vâng: đồng ý, tiếp nhận, thể hiện thái độ ngoan ngoãn, kính trọng.

→ Những từ đó không hợp trong văn cảnh đoạn thơ.

+ Chịu: chấp thuận theo một lẽ nào đó mà mình có thể không hài lòng (phù hợp với văn cảnh - Thúy Vân chưa thực sự biết Kim Trọng mà đón nhận việc Thúy Kiều nhờ cậy như vậy chắc là rất khó khăn).

5. Trong bài thơ Viếng lăng Bác có câu:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

- Tìm từ đồng nghĩa với từ dòng, kết, tràng, dâng.

+ Dòng: đoàn, tốp, bọn, lũ, toán, tụi, bẩy... → chỉ một số đông người tụ tập lại.

+ Kết: tết, bện, đan, gắn → chỉ hoạt động của người, dùng tay làm cho các vật hình sợi gắn bó với nhau.

+ Tràng: chuỗi, vòng, dây, xâu... → một tập hợp gồm nhiều vật nhỏ bé kế tiếp nhau.

+ Dâng: tặng, biếu, tiến, hiển, cho, cống... → đưa vật sở hữu của mình cho người khác với một thái độ tình cảm nhất định.

- Những từ trên (ở mỗi nhóm) có thể cùng chung một nét nghĩa nào đó với môi từ. Tác giả đã chọn nhưng không phải từ nào cũng dùng để thay thế được vì nó không phù hợp với đối tượng đang được nói đến, trong câu thơ hoặc nó sẽ làm mất đi sắc thái biểu cảm dành cho đối tượng.

6. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

a. Nhật kí trong tù ... một tấm lòng nhớ nước.

A. phản ánh B. thể hiện C. bộc lộ

D. canh cánh E. biểu hiện F. biểu lộ.

Từ “canh cánh” khắc họa tâm trạng triền miên (nhớ) → phù hợp nhất.

b. Anh ấy không ... gì đến việc này.

A. dính dáng B. dính dấp C. quan hệ

D. can dự E. liên hệ F. liên can

G. liên lụy

→ Từ “dính dáng” là phù hợp nhất (cả về nghĩa và sự kết hợp về mặt ngữ pháp)

c. Việt Nam muốn làm ... với tất cả các nước trên thế giới.

A. bầu bạn B. bạn

C. bạn hữu D. bạn bè

Các từ còn lại đều có nghĩa chỉ chung là bạn nhưng không hợp văn cảnh nói về quan hệ quốc tế.

- bầu bạn, bạn bè → có sắc thái thân mật, suồng sã.

- bạn hiền chỉ người bạn thân thiết.

Đáp án: 6aD ; 6bA ; 6cB.