1. Nhân vật trong truyện

- Vai trò của nhân vật trong truyện: nhân vật văn học chủ yếu là những con người được miêu tả trong tác phẩm (còn có nhân nhật là Thần, con vật...). Nhà văn sáng tạo ra nhân vật để nhận thức con người, nhận thức xã hội, để thể hiện tư tưởng, thái độ mình đối với con người và xã hội.

- Mối liên quan giữa nội tâm và ngoại hình của nhân vật:

+ Từ ngoại hình có thể suy ra nội tâm, từ nội tâm có thể hình dung phảng phất ngoại hình, có lúc miêu tả nội tâm như hòa lẫn với ngoại hình khó phân biệt rạch ròi.

+ Các em có thể tìm đọc một số đoạn miêu tả vẻ ngoài của quản ngục khi nghe tin trong sáu tử tù đến đề lao của ông có Huấn Cao để thấy nội tâm trăn trở của nhân vật.

+ Tìm đọc đoạn miêu tả nội tâm của Chí Phèo khi anh thức tỉnh để hình dung lúc này chắc chắn vẻ ngoài của Chí Phèo rất hiền lành, đáng thương (chứ không dữ dằn đáng sợ như khi Chí Phèo say).

+ Đây là đoạn ngoại hình và nội tâm như hòa lẫn với nhau: “... Bây giờ thì hắn đã thành người không có tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ trung không già; nó không còn phải là mặt người; nó là mặt của một con vật lạ...”

2. Phân biệt giữa ngôn ngữ người trần thuật, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật:

- Ngôn ngữ người trần thuật mang tiếng nói, quan điểm của tác giả.

- Ngôn ngữ người kể chuyện: khi câu chuyện được kể bởi một nhân vật xưng “Tôi” trong tác phẩm (Nhân vật tôi trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng).

- Ngôn ngữ nhân vật: những lời bộc lộ trực tiếp mang rõ tính cách, trình độ... của nhân vật ấy; có ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.

3. Biểu hiện trực tiếp những cảm xúc, tâm trạng suy nghĩ chủ quan của con người đó là nội dung chủ yếu của thơ trữ tình.

- Ví dụ: Bài Thu điếu thể hiện cảm xúc của Nguyễn Khuyến trước cảnh thu khi ông ngồi câu cá qua đó gửi gắm tâm sự buồn của nhà thơ trước thời cuộc.

- Bài Thương vợ thể hiện tình yêu thương, quý trọng, biết ơn vợ của Tú Xương.

4. Đặc điểm ngôn ngữ thơ

- Giàu hình ảnh (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ...)

- Giàu nhạc tính (thanh, vần, nhịp điệu...)

- Cấu trúc ngôn ngữ thơ rất đặc biệt (đảo ngữ, vắt dòng...)

* Không thể thưởng thức ngôn ngữ thơ tách khỏi nội dung thơ được. Bởi vì ngôn ngữ thơ điêu luyện, hoàn mĩ, có nhạc tính khi nó phù hợp với nội dung chứa đựng trong đó. Nội dung và ngôn ngữ thơ là đối tượng của người thưởng thức tác phẩm trữ tình.

GỢI Ý LUYỆN TẬP

Bài 1: Nhận xét

- Ngôn ngữ của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ: giàu hình ảnh nhạc điệu, giàu ý nghĩa biểu tượng. Lời văn bình dị nhưng chứa đầy tình cảm nhân ái. Nhiều câu văn thấm đẫm chất thơ.

- Ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Số đỏ: mỉa mai, trào lộng, sắc sảo.

Bài 2: Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ trong bài Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan:

- Giàu hình ảnh (nhân hóa, ẩn dụ – câu 5,6)

- Giàu nhạc tính (nhịp 4/3 đều đặn; đối – tạo sự cân xứng)

- Cấu trúc ngôn ngữ thơ đặc biệt (đảo ngữ ở câu 3,4,5,6)

- Từ láy thuần Việt giàu tính gợi hình, gợi cảm (lom khom, lác đác).