I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ BÀI THƠ
1. Tác giả Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905)
- Là người tài hoa, thạo đủ cầm, kì, thi, họa, giỏi cả nghệ thuật, kiến trúc, và rất say mê cảnh đẹp.
- Ông đã phát hiện và diễn tả rất hay một số cảnh đẹp của đất nước.
2. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ
Đây là một trong ba bài thơ Chu Mạnh Trinh viết về Hương Sơn khi ông tham gia trùng tu tôn tạo quần thể danh lam thắng cảnh này.
3. Hương Sơn thường gọi là chùa Hương, là quần thể thắng cảnh, di tích bao gồm nhiều suối, chùa, hang động lớn nhỏ khác nhau thuộc huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây. Lễ hội chùa Hương hằng năm diễn ra từ tháng giêng cho đến tháng ba âm lịch thu hút đông đảo khách thập phương.
- Thể thơ hát nói (xem lại bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ).
4. Bố cục: Bài thơ có thể chia làm ba phần:
- 4 câu đầu: giới thiệu bao quát cảnh Hương Sơn
- 10 câu tiếp: tả cảnh Hương Sơn.
- 5 câu cuối: suy niệm của nhà thơ trước cảnh Hương Sơn.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Mở đầu là câu
Bầu trời cảnh bụt
“Toàn bài đều viết bằng những câu dài với bảy hoặc tám tiếng. Duy chỉ có câu thơ mở đầu này là ngắn đặc biệt. Cái hình thức kia đâu phải ngẫu nhiên. Câu thơ về không gian, nhưng vang lên một sự vỡ lẽ kì thú của chốn non nước này. Đây là thế giới của cảnh bụt. Câu thơ bốn tiếng khác nào như mở ra một cổng trời, một miền non nước, một thế giới, mà trên trán vòm cổng ấy khắc bốn chữ giới thiệu du khách về cái xứ sở sắp bước vào kia là thuộc về cảnh bụt. Nó không phải là đất Phật, nhưng cảnh sắc ở đây đều thuộc về bụt, đều ngấm vị thiền. Bốn tiếng ấy dường như đã xác định chủ âm của bài thơ. Bắt đầu từ đây, ngòi bút của Chu Mạnh Trinh sẽ chuyển động theo cảm hứng ấy: vừa làm sống dậy nét thanh tú của danh lam, vừa đem lại vị thiền cho thắng cảnh”. (Chu Văn Sơn, Phân tích bình giảng Văn học 11)
2. Không khí tâm linh của bài thơ thể hiện ở những câu thơ
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Vẳng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
- Chim thỏ thẻ, gật gù với nhau như đang cúng Phật.
- Cá không muốn bởi vì chúng đang say kinh Phật.
- Con người cũng đang say trong không khí mùi đạo, mùi thiền. Nên nghe tiếng chuông chùa “giật mình” mà vẫn trong "giấc mộng” say đã thành mê. Quả là Hương Sơn có vẻ đẹp thanh khiết, thánh thiện, rũ sạch ưu phiền, bụi bặm của cuộc đời trần thể giúp con người tìm được khoảnh khắc thanh thản hòa nhập vào không khí linh thiêng. Ở một bài thơ khác nói về ý nghĩa của không khí tâm linh nơi Hương Sơn, Chu Mạnh Trinh viết:
La chi vừa bén mùi thiền
Mà trăm não với ngàn phiền sạch không.
3. Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc
- Tả không gian:
• Từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể
• Không gian nhiều tầng, cao thấp trập trùng với nước, mây, hang, động, suối, chùa.
- Tả âm thanh: Thỏ thẻ (tiếng chim), thoảng (tiếng chày kình), niệm (đọc nhỏ, nói thầm), tiếng niệm Phật của các tín đồ.
→ Âm thanh làm nổi bật không khí yên tĩnh, thiêng liêng.
- Tả màu sắc:
• Đá ngũ sắc long lanh, lấp lánh như gấm hoa.
• Bóng trăng lồng đầy hang.
→ Màu sắc vừa lộng lẫy vừa cách điệu làm nổi bật nét mĩ lệ của cảnh.