I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Tác giả Nam Cao (1917 - 1951)

- Xuất thân trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng (vùng đồng chiêm trũng quanh năm nghèo đói, bị bọn cường hào bóc lột, ức hiếp)

- Nam Cao là người có nội tâm phong phú, tấm lòng đôn hậu, yêu quê hương và những người nông dân nghèo khổ. Ông luôn nghiêm khắc tự đấu tranh với bản thân để sống tốt.

- Quan điểm sáng tác văn chương của Nam Cao rất tiến bộ: Hướng về “những kiếp lầm than” bằng tinh thần nhân đạo sâu sắc. Đồng thời phải biết “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có”.

- Sáng tác của Nam Cao trước cách mạng xoay quanh hai đề tài chính: viết về cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân quê ông với niềm băn khoăn đến đau đớn trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy diệt nhân tính xã hội phi nhân đạo đương thời.

- Sở trường của Nam Cao là miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật.

2. Tác phẩm Chí Phèo

- Một kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

- Đề tài:

+ Viết về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những mâu thuẫn gay gắt.

+ Tập trung vào bi kịch bị tha hóa, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân.

- Đánh giá giá trị tác phẩm:

+ Tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc, mới mẻ.

+ Trình độ nghệ thuật bậc thầy.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tóm tắt: Cốt truyện truyện ngắn Chí Phèo. (Các em có thể tóm tắt theo kết cấu của truyện hoặc tóm tắt theo trình tự thời gian). Có thể tóm tắt theo các sự kiện chính sau:

- Chí Phèo ra đời không rõ gốc gác. Lớn lên là người nông dân lương thiện.

- Bị Bá Kiến đẩy vào tù. Ra tù trở thành con quỷ dữ.

- Gặp Thị Nở, Chí Phèo thức tỉnh, muốn quay về cuộc sống lương thiện.

- Bị từ chối, Chí Phèo tuyệt vọng, giết Bá Kiến, tự kết liễu đời mình.

* Đoạn trích giảng là đoạn tiêu biểu nhất của tác phẩm, thể hiện tập trung tư tưởng nhân đạo và sức tố cáo mạnh mẽ của ngòi bút Nam Cao.

2. Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo trước tình thương và sự săn sóc của Thị Nở.

* Thị Nở chỉ là nhân vật phụ nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với sự thức tỉnh và cả bi kịch sau đó của Chí Phèo.

- Thị Nở là người phụ nữ hội tụ nhiều yếu tố bất lợi cho đường tình duyền: Thí nghèo nhất trong những người nghèo; xấu “ma chê quỷ hờn”, có tính dở hơi, hay quên, lại thuộc dòng mả hủi.

Nam Cao là nhà văn giàu yêu thương, chắc chắn xây dựng nhân vật Thị Nở không phải để chế giễu, cười cợt một mẫu người xấu xí. Dụng ý của ông xuất phát từ sự trân trọng con người. Xấu như Thị Nở mà chỉ cần một lần tiếp xúc Chí Phèo đã được đánh thức phần người bấy lâu khuất lấp. Phải chăng đó là ý của cái tình người với nhau tưởng rất bình thường nhưng lại rất thiếu đối với Chí Phèo và thiếu đối với cả xã hội mà Chí Phèo đang sống → Thị Nở là tác nhân giúp Chí Phèo có điều kiện tiếp xúc với tình người để thức tỉnh.

* Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo:

- Chỉ thấy như được sinh ra lần thứ hai (Lần đầu tiên nghe được những âm thanh của cuộc sống).

- Nhớ về quá khứ đã từng ước mơ có một gia đình bình dị nhưng hạnh phúc.

- Nhận ra hiện tại đã già mà vẫn cô đơn, thấy buồn và sợ.

- Bát cháo hành, vật chất đơn sơ nhưng đó là sự săn sóc. Có ai săn sóc Chí Phèo đâu (kể từ khi lọt lòng đến lúc gặp Thị Nở) Chí Phèo ngạc nhiên và thực sự xúc động - Bát cháo hành đã thức tỉnh lương trị của Chí Phèo:

+ Chí ăn năn, hối hận về những việc trước đây.

+ Muốn làm bạn, muốn làm hòa với mọi người.

+ Thèm lương thiện.

+ Hi vọng Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối Chí Phèo với xã hội của những người lương thiện.

→ Nam Cao trân trọng sự tự đấu tranh để hướng thiện của nhân vật. Những diễn biến trong tâm trạng của nhân vật là thật nhất để ta có thể hiểu con người họ. Bản chất lương thiện trong con người Chí Phèo tạm thời bị hoàn cảnh vùi lấp nhưng khi được khơi gợi thì nó lại tỏa sáng. Người đọc cũng như tác giả rất đồng tình, trân trọng sự thức tỉnh của Chí Phèo.

3. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo

- Chí Phèo hi vọng sống cùng Thị Nở để được trở về cuộc sống lương thiện, thực hiện ước mơ ngày còn trẻ, đó là khát khao đẹp.

- Nhưng Chí Phèo đã bị từ chối (Lời bà cô Thị Nở là định kiến khắt khe của xã hội thiếu tình thương, thiếu sự bao dung).

- Lần đầu tiên Chí vật vả trong nỗi đau tinh thần của một con người không được chấp nhận sống như một con người. Chí uống rượu nhưng không phải uống cho say để rồi lại đi rạch mặt ăn vạ như trước. Chí “ôm mặt khóc rưng rức”. Nhiều nhân vật Nam Cao khi rơi vào bi kịch tinh thần thường khóc như Chí Phèo. Giọt nước mắt đau xót cho thân phận, giọt nước mắt của sự bế tắc tuyệt vọng.

- Chí Phèo đã đến nhà Bá Kiến:

+ Dõng dạc đòi lương thiện, chất vấn Bá Kiến kẻ đã gây ra cho Chí bị kịch này (Lời của Chí Phèo tỉnh táo trong lập luận). Tiếng hét đòi lương thiện, muốn sống lương thiện nhưng xã hội lại ép Chí sống lưu manh, tất cả đã phơi bày bản chất phi nhân đạo của xã hội.

- Chí Phèo dùng dao đâm chết Bá Kiến. Trong tác phẩm, Chí Phèo nhiều lần đến nhà Bá Kiện lần nào cũng có hung khí (vỏ chai hoặc con dao), chứng tỏ mâu thuẫn giữa Chí Phèo và Bá Kiến là mâu thuẫn giai cấp gay gắt không thể dung hòa. Nam Cao đã để cho Chí Phèo giết Bá Kiến cũng là theo quan niệm của nhân dân “con giun xéo lắm cũng quần”, “ác giả ác báo”.

- Chí Phèo tự đâm chết mình chứng tỏ nhân vật rất bế tắc, không muốn quay về cuộc sống tha hóa, muốn sống lương thiện nhưng không được chấp nhận. Chỉ còn cái chết. Ý nghĩa phê phán xã hội một lần nữa lại cất lên cùng với nỗi day dứt của Nam Cao: xã hội thực dân nửa phong kiến không những biến người dân lương thiện vào con đường bần cùng, lưu manh tha hóa mà còn đẩy họ đến chỗ chết.

4. Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao thể hiện qua đoạn trích sâu sắc và mới mẻ ở chỗ: Nam Cao không chỉ đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án xã hội thực dân phong kiến áp bức, bóc lột như nhiều tác phẩm cùng thời mà ông còn phát hiện miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi họ đã đánh mất nhân hình, nhân tính. (Dựa vào sự thức tỉnh của Chí Phèo, khát vọng sống lương thiện, không chấp nhận sống tha hóa... để hiểu nhận xét thêm).