I. VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM.

1. Tác giả Thạch Lam (1910 – 1942)

- Sinh tại Hà Nội, thuở nhỏ sống ở quê ngoại (Phố huyện Cẩm Giàng – Bối cảnh truyện ngắn Hai đứa trẻ - kí ức thời tuổi thơ)

- Cả ba anh em đều là thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn. (Ông là em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo)

- Là người đôn hậu, điềm đạm, tinh tế.

- Sáng tác của Thạch Lam:

+ Đề tài: Viết về cuộc sống vất vả, cơ cực, bế tắc của người lao động nghèo; khai thác những khía cạnh bình thường mà nên thơ của cuộc sống.

+ Phong cách nghệ thuật: Truyện không có cốt truyện, chủ yếu khai thác nội tâm nhân vật, yếu tố hiện thực và trữ tình đan xen vào nhau trong một tác phẩm.

2. Truyện ngắn Hai đứa trẻ rút trong tập Nắng trong vườn, xuất bản năm 1938

- Bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự thời gian, vì vậy có thể phân bố cục truyện ngắn này thành ba cảnh:

+ Từ đầu... “tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng”: Cảnh phố huyện lúc chiều xuống.

+ “Trời đã bắt đầu đêm”... “Có những cảm giác mơ hồ không hiểu”: Cảnh phố huyện về đêm.

+ Đoạn còn lại: Cảnh phố huyện về khuya, khi có chuyến tàu đi qua.

- Tương ứng với từng cảnh có những câu văn miêu tả tâm trạng chủ yếu là của cô bé Liên. Các em tập tìm những câu văn đó và cố gắng liên kết lại để hình dung điều Thạch Lam muốn nói qua tác phẩm.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ HƯỚNG CẢM THỤ TÁC PHẨM

1. Cảnh vật và con người phố huyện

* Cảnh phố huyện: Hiện lên qua nghệ thuật miêu tả:

- Âm thanh:

+ Tiếng trống thu không báo hiệu ngày tàn.

+ Tiếng ếch nhái văng vẳng.

+ Tiếng muỗi vo ve.

→ Gợi sự tĩnh mịch, buồn.

- Hình ảnh: ngày tàn, chợ tàn → cảm giác về sự tàn lụi.

- Màu sắc:

+ Phương tây đỏ rực và những đám mây ảnh hồng như hòn than sắp tàn → Một chút ánh sáng rực rỡ cuối ngày trong khoảnh khắc.

+ Đèn hoa kì leo lét...

+ Thưa thớt từng hột sáng...

+ Một chấm lửa nhỏ...

+ Trời nhá nhem tối...

+ Đường phố và các ngõ dần dần chứa đầy bóng tối...

+ Vũ trụ thăm thẳm (tối)...

+ Tối hết cả... Các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn...

→ Màu sắc tương phản: màu sắc ít dần đi, màu đen tối càng lúc càng phủ kín vũ trụ.

→ Gợi sự tăm tối:

- Thời gian tả cảnh: chọn thời khắc chiều tà → gợi sự tàn lụi

đêm → gợi sự tăm tối.

⇒ Cảm nhận chung về cảnh phố huyện: Tĩnh mịch, tăm tối, tàn tạ.

* Con người phố huyện: (Các em tập thống kê hình ảnh và đưa ra nhận xét về nhóm nhân vật đó).

- Hình ảnh:

+ Mấy đứa trẻ con nhà nghèo đi lại, tìm tòi, nhặt nhạnh sau phiên chợ tàn.

+ Mẹ con chị Tí “ngày mò cua bắt tép, tối dọn hàng nước... chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào cũng dọn hàng từ chập tối đến đêm”.

+ Vợ chồng bác Xẩm “ngồi trên mạnh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt.

+ Bác phở Siêu gánh phở mà đối với những người dân phố huyện nó là “thứ quà xa xỉ... không bao giờ mua được”.

+ Bà cụ Thi điên “đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách”.

+ Hai chị em - Hai đứa trẻ nhưng đã phải làm việc của người lớn và mang nội tâm rất già dặn.

- Nhận xét: Một nhóm nhân vật, lặng lẽ như những cái bóng ít nói năng, ít hành động (Họ chủ yếu là những người buôn bán, kiếm thêm về đêm nhưng ế ấm). Mỗi người mỗi cảnh nhưng có những điểm chung:

+ Đều là kiếp nghèo “kiếp người tàn” (bên cạnh chiều tàn).

+ Cuộc sống lặp đi lặp lại trong điệu buồn chán, mòn mỏi, quẩn quanh.

+ Đặt trong bối cảnh phố huyện buồn tẻ, tăm tối, cuộc sống của người dân phố huyện cũng như đang chìm dần vào bóng tối thể tham, vậy nhưng từ trong bóng tối những con người đó vẫn đang mong đợi “một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khó hàng ngày của họ”. Thạch Lam thương xót cho cảnh sống của họ và trân trọng những khát khao, mơ tưởng có trong họ.

2. Hình tượng đoàn tàu

- Được tác giả miêu tả một cách tỉ mỉ, theo trình tự thời gian, gắn với tâm trạng háo hức, chờ đợi của người dân phố huyện:

Đoàn tàu từ xa (Tiếng còi, làn khói bừng sáng trắng) – đến gần (tiếng hành khách ồn ào khe khẽ) – Tàu rầm rộ đi tới (đèn sáng trưng, sang trọng, lố nhố người...) – Tàu đi qua (để lại những đốm than đỏ: để lại một chút sáng vương vấn...) - Tàu xa mãi rồi khuất.

- Đoạn văn miêu tả đoàn tàu khai thác triệt để hiệu quả của bút pháp tương phản.

+ Tương phản trong sự liên tưởng của người đọc (với đoạn trước)

* Phố huyện thường ngày

• Tĩnh mịch

• Tăm tối

• Buồn tẻ, nghèo nàn

* Phố huyện khi đoàn tàu đi qua

• Vang động

• Sáng trưng

•Sinh động, sang trọng.

+ Tương phản trong sự miêu tả trực tiếp:

- Chuyến tàu đến nhộn nhịp, rực sáng (trong chốc lát)

- Chuyến tàu đi qua trả lại cho phố huyện “đêm tối” và sự “mênh mang, yên lặng” cố hữu.

- Ý nghĩa của hình ảnh đoàn tàu: “Con tàu như đem đến một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh sáng lửa của bác Siêu”. Những người dân phố huyện háo hức chờ đợi đến khuya để được nhìn đoàn tàu đi qua trong khoảnh khắc ngắn ngủi để tìm một chút cảm giác khác hẳn điệu sống buồn tẻ, nghèo khổ mà họ phải trải qua hàng ngày. Chứng tỏ họ cũng có khao khát (cô bé Liên, còn bé mà cũng biết “lặng theo mơ tưởng” khi con tàu đi qua). Đó là điều đáng trân trọng.

III. GỢI Ý LUYỆN TẬP

1. Cảm nhận của em về tâm trạng nhân vật Liên thể hiện qua truyện ngăn Hai đứa trẻ. Các em tìm đọc và phân tích một số đoạn miêu tả tâm trạng Liên. Các ý chính:

- “Lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”- Cảm nhận được điệu sống vô vị, tẻ nhạt mỗi ngày.

- Hoài niệm quá khứ để so sánh với hiện tại mà thêm ngậm ngùi (nhớ lại khi ở Hà Nội được ăn những “thức quá ngon”, còn bây giờ phở bác Siêu là hàng “quá xa xỉ”).

- Mơ tưởng, khát khao, hướng tới thế giới tươi sáng khác hẳn thế giới tăm tối, buồn tẻ mà Liên và người dân phố huyện đang sống (Qua hình ảnh đoàn tàu).

2. Nhận xét nghệ thuật miêu tả, giọng văn Thạch Lam qua tác phẩm.

- Miêu tả cảnh vật và tâm trạng nhân vật tinh tế.

- Giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan; lời văn bình dị nhưng luôn chứa đựng nỗi xót thương đối với người lao động.

3. Qua tác phẩm, Thạch Lam muốn phát biểu tư tưởng gì?

- Xót thương, cảm thông những kiếp sống nghèo khổ, quẩn quanh trong điệu sống tẻ nhạt, vô vị.

- Trân trọng mong ước hướng tới cuộc sống tươi sáng của người lao động.